Số tiền quyên góp được hơn 130 tỉ đồng hỗ trợ cho các nạn nhân vụ cháy chung cư ở Hà Nội đến nay vẫn chưa được giải ngân do chính quyền ‘cần tính toán chu đáo’ mặc dù các nạn nhân đang trong tình cảnh khốn khó, theo tìm hiểu của VOA.
Vụ cháy chung cư tư nhân ở phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, xảy vào nửa đêm 12/9 đã gây hậu quả thảm khốc với 56 người chết và 37 người bị thương.
Vụ hỏa hoạn thương tâm này đã gây rúng động cho người dân cả nước với nhiều phong trào quyên góp được phát động để góp phần xoa dịu nỗi đau cho các nạn nhân và giúp họ ổn định lại cuộc sống.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ở Hà Nội, cơ quan đứng ra tiếp nhận tiền cứu trợ, đã nhận được tổng số tiền hơn 130 tỉ đồng ở thời điểm dừng tiếp nhận hôm 16/10, tờ Tuổi Trẻ cho biết. Tuy nhiên, một số tờ báo khác cho biết số tiền này chỉ có 110 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngoài khoản tiền 6 tỉ đồng đã được chi khẩn cấp để hỗ trợ các nạn nhân ổn định chỗ ở, cung cấp nhu yếu phẩm, trang thiết bị sinh hoạt, đến nay số tiền còn lại vẫn bị chính quyền Hà Nội treo lại, chưa phân phát cho các nạn nhân, báo chí trong nước đưa tin.
Tuổi Trẻ dẫn lời ông Nguyễn Sỹ Trường – phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Hà Nội – giải thích rằng phương án giải ngân số tiền đã được chính quyền quận Thanh Xuân xây dựng xong nhưng ‘còn chờ ý kiến các ngành để có sự thống nhất’.
Ông Trường trước đó vào ngày 27/9 từng nói với báo chí rằng quận Thanh Xuân còn phải đánh giá mức độ thiệt hại của từng hoàn cảnh, từng hộ gia đình mới xây dựng được phương án hỗ trợ ‘đúng mục đích, có ý nghĩa lâu dài’.
Nói với Tuổi Trẻ, bà Trần Phương Linh, chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Khương Đình dẫn ra nghị định của Chính phủ để biện hộ rằng sau khi dừng tiếp nhận, họ có ‘20 ngày để lên phương án hỗ trợ cho các nạn nhân’.
Do đó, phải đến ngày 6/11, tức là gần hai tháng sau khi xảy ra vụ hỏa hoạn thì chính quyền mới công bố phương án chi tiền như thế nào, theo lời bà Nguyễn Lan Hương – chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Hà Nội được Tuổi Trẻ dẫn lại.
Bà Hương nói chừng nào có phương án phân bổ tiền cứu trợ thì chính quyền sẽ giải ngân ‘ngay và công khai’.
Bên cạnh xin ý kiến các ngành, phương án phân bổ tiền cứu trợ cần phải chờ lãnh đạo thành phố Hà Nội phê duyệt nữa, bà Linh cho biết.
Tờ Công an Nhân dân cho biết các nạn nhân vụ hỏa hoạn ‘đang ngóng chờ số tiền cứu trợ này’ vì cuộc sống của họ hiện rất khó khăn sau khi ngọn lửa đã thiêu cháy hết tài sản của họ và họ cũng mất đi chỗ ở.
Ở Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp là cơ quan đứng ra tiếp nhận và điều phối các hoạt động cứu trợ khi xảy ra thiên tai hay thảm họa.
Trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa của tỉnh Đồng Tháp được tờ Lao Động dẫn lời chỉ trích chính quyền Hà Nội chậm trễ trong việc cứu trợ người dân đang khốn khó.
“Nếu đưa cho tư nhân thì làm là xong rồi. Do vậy, phải xem lại cách nghĩ, cách làm của mình, sao cho hết tinh thần trách nhiệm với dân. Còn nếu vướng những văn bản lỗi thời, lạc hậu, không phù hợp phải sửa ngay, chứ không thể có tiền mà để đó,” ông Hòa được Lao Động dẫn lời nói./.