Hai TNLT tố cáo bị đánh đập và cùm chân ở Trại An Điềm sau khi biểu tình phản đối vi phạm nhân quyền

- Quảng Cáo -

RFA

Hai tù nhân lương tâm (TNLT) Trịnh Bá Phương và Phan Công Hải bị đánh đập và kỷ luật cùm chân sau khi biểu tình phản đối việc bị đối xử hà khắc, vi phạm quyền con người trong Trại giam An Điềm (tỉnh Quảng Nam).

Thông tin trên được gia đình ông Phương cung cấp cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 13/10, ngay sau khi trở về từ trại giam nơi ông đang thi hành án tù mười năm về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.

Bà Trịnh Thị Thảo, em gái ruột của ông Phương, thuật lại sự việc xảy ra từ hơn một tháng trước với anh ruột mình sau khi được ông kể lại câu chuyện trong buổi thăm gặp trong sáng ngày 12/10:

- Quảng Cáo -

“Khoảng hơn 8 giờ sáng ngày 09/9/2023, tại phân đội 34, anh Phương cùng ông Dũng Trương (Trương Văn Dũng- PV), em Phan Công Hải, bạn Phạm Văn Điệp biểu tình có cầm biểu ngữ ‘Đả đảo cộng sản vi phạm nhân quyền.’

Khoảng 30 phút sau khi anh Phương cùng mọi người hô khẩu hiệu ‘Đả đảo Đảng Cộng sản, đả đảo bè lũ bán nước hại dân’ thì bất ngờ ông Trần Thanh Việt trưởng Phân trại số 2 đi cùng hơn 10 người công an lao vào cướp biểu ngữ của anh Phương cùng mọi người.”

Ông Phương cho biết sau khi cướp các biểu ngữ in trên tờ giấy khổ A4, quản giáo xông vào nhóm biểu tình và đánh đập họ rồi lôi đi kỷ luật.

“Nhóm người này còn có hành vi bóp cổ anh Phương và đẩy anh Phương lao vào tường, đánh anh Phương gây vết bầm tím ở vùng ngực bên phải. Sau đó Trại giam An Điềm đã còng tay anh Phương và đưa anh Phương ra cổng phân trại, tiến hành lập biên bản kỷ luật và đưa anh Phương đi cùm chân, cùm hai chân 10 ngày.”

Theo thông tin mà bà Thảo nhận được từ anh ruột mình thì những người bị quản giáo đánh đập trong ngày 09/9 ngoài ông Phương còn có ông Trương Văn Dũng và Phan Công Hải, tuy nhiên, chỉ có ông Hải cũng bị kỷ luật cùm chân còn ông Dũng chỉ bị khiển trách.

Ông Hoàng Đức Nguyên, em trai ruột của TNLT Hoàng Đức Bình- người cũng bị giam ở Phân đội 34, đi thăm anh ruột mình ngày 12/10. Ông được anh ruột kể rằng ban đầu quản giáo cũng định lôi ông Dũng đi kỷ luật nhưng một số TNLT trong đó có ông Bình cản lại, nói rằng ông Dũng tuổi cao lại nhiều bệnh tật. Ông Bình không tham gia biểu tình nhưng chứng kiến cuộc biểu tình cũng như việc quản giáo trại giam trấn áp nhóm biểu tình.

Bà Thảo kể lại quá trình bị cùm chân của anh ruột:

“Hôm mà đưa anh Phương đi cùm chân, trong hai ngày đầu thì họ đã dùng cái cái móng cùm là cái thanh thép dùng trong xây dựng, nghĩa là nó không được mài mà nó vẫn bị xù lên gây rất là đau xương chân cho anh Phương.

Sau đó anh ý kiến nghị với trại giam là phải thay cái móng cùn khác thì họ mới thay cái móng cùm có độ nhẵn hơn thì anh Phương mới không bị đau chân.”

Ông Phương cho gia đình biết sau khi hết hạn kỷ luật cùm chân, ông đã viết đơn tố cáo việc mình bị quản giáo đánh đập và gửi Viện Kiểm sát tỉnh Quảng Nam, tuy nhiên, đã ba tuần mà ông không thấy phản hồi từ phía cơ quan kiểm sát.

Trước đó, vào ngày 02/9, ông Phương, ông Dũng và một số TNLT khác trong Trại giam An Điềm đã tiến hành một cuộc biểu tình nhỏ để phản đối các hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, quản giáo trại giam chỉ đến tịch thu các biểu ngữ của họ mà không có hành động trấn áp bạo lực, và cũng không ai bị kỷ luật trong vụ này.

Gia đình ông Dũng cho biết ông Dũng gọi điện về ngày 08/9 và khi đó mọi việc vẫn bình thường. Từ đó đến nay gia đình chưa thăm gặp và cũng không nhận được điện thoại từ ông nên chỉ biết thông tin từ gia đình bạn tù khác.

Để kiểm chứng thông tin xảy ra với ông Phương và một số tù nhân khác trong Trại giam An Điềm, phóng viên có gọi điện cho cơ sở giam giữ này nhưng không ai nghe máy. Chúng tôi cũng gọi điện cho Viện Kiểm sát tỉnh Quảng Nam nhưng bà  Huỳnh Thị Thủy, trưởng phòng Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự từ chối trả lời, yêu cầu phóng viên đến trụ sở cơ quan này để được xếp lịch gặp lãnh đạo cơ quan.

Điều 10 của Luật Thi hành án hình sự nghiêm cấm nhiều hành vi trong thi hành án hình sự, trong đó có “tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục người chấp hành án, biện pháp tư pháp.”

Điều 27 của luật này nói các tù nhân có quyền “Được bảo hộ tính mạng, sức khỏe, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm…”

Năm 2015, Việt Nam cũng đã trở thành quốc gia thành viên của Công ước chống tra tấn và các hình thức trừng phạt tàn ác hay đối xử vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm.

TNLT Hoàng Đức Bình tuyệt thực bốn ngày

Ông Nguyên cho biết anh ruột mình, ông Hoàng Đức Bình, đã tuyệt thực bốn ngày, từ ngày 08/10 đến 11/10 để phản đối sự hà khắc và trả thù vặt của giám thị và quản giáo của Trại giam An Điềm.

Nói với RFA, ông Nguyên cho biết sau hai cuộc biểu tình đầu tháng trước, Trại giam An Điềm siết chặt việc TNLT nhận quà tiếp tế từ gia đình. Nếu như trước kia gia đình có thể gửi quá số cân theo quy định thì giờ đây các TNLT chỉ được nhận đúng 5 kg cho mỗi lần thăm gặp và 6 kg cho mỗi lần gửi quà qua bưu điện.

Ông Bình là người không nhận đồ ăn của trại giam trong hơn hai năm qua. Do vậy, khi không được nhận gạo từ gia đình như trước kia, ông Bình đã nhịn ăn trong bốn ngày. Khi ông Nguyên vào trại giam thăm anh ruột ngày 12/10 thì ông Bình đã ăn trở lại.

Ông Nguyên được ông Bình chia sẻ nếu trại giam không cải thiện việc đối xử với TNLT thì có thể họ sẽ cùng nhau tiến hành tuyệt thực nhiều ngày để phản đối.

Trại giam An Điềm là cơ sở giam giữ của Bộ Công an ở một khu vực hẻo lánh của xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Nơi đây hiện giam giữ mười TNLT, trong đó có phóng viên ảnh của RFA Nguyễn Văn Hoá và một số người thuộc nhóm tôn giáo Ân Đàn Đại Đạo.

Phóng viên có liên lạc với gia đình Nguyễn Văn Hoá thì được chị ruột Nguyễn Thị Huệ cho biết gần đây gia đình không đi thăm nên không cập nhật thông tin.

Các ông Nguyễn Văn Hoá, Phan Công Hải, Phạm Văn Điệp, Trương Văn Dũng, và Trịnh Bá Phương bị kết tội “tuyên truyền chống nhà nước” với mức án từ năm năm đến mười năm tù giam trong khi ông Hoàng Đức Bình bị án 14 năm về hai tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ” và “chống người thi hành công vụ.”

- Quảng Cáo -