Nếu tính cuộc chiến 6 ngày giữa Israel và liên quân 3 nước Arab (Ai Cập, Jordan và Syria) do Ai Cập cầm đầu, tổng tấn công Israel năm 1967, được xem là thời điểm lò thuốc súng Palestine bùng phát hết công năng, thì cho đến hôm nay, lò thuốc súng ấy, lúc sôi sục, lúc âm ỉ, nhưng chưa bao giờ bị nguội lạnh bất chấp các thỏa hiệp hòa bình Abraham mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xuất sắc gầy dựng.
Bởi kể từ khi Israel giành được độc lập sau thế chiến thứ hai, thì ngay lập tức hai cộng đồng người Do Thái và người Hồi giáo Palestine cùng tranh nhau một vùng lãnh thổ, khi ấy gọi là lãnh thổ Palestine, tranh nhau một tổ phụ Abraham, tranh nhau một đền Thánh Jerusalem… Cho nên cuộc chiến năm 1967 không phải là cuộc chiến đầu tiên, chỉ là cuộc chiến đại quy mô đầu tiên mang tầm cỡ thế chiến, vì có nhiều nước liên minh tuyên chiến công khai chống lại nhà nước Israel non trẻ, dẫu chỉ diễn ra vỏn vẹn 6 ngày với chiến thắng tuyệt đối nghiêng về Israel (Israel chiếm được bán đảo Sinai của Ai Cập và cao nguyên Golan của Syria).
Nhưng nóng nhất vẫn là cuộc đại chiến Yom Kippur (Yom Kippur là tên 1 ngày lễ thiêng liêng của người Do Thái), gọi khác là cuộc chiến Ramadan, tức chiến tranh Arab – Israel năm 1973.
Quân Israel được Mỹ, Australia, Tây Đức và Hàn Quốc yểm trợ… Chống lại sự xâm lược Israel của liên quân Arab gồm : Ai Cập, Syria, Iraq, Jordan, Lybia, Bắc Hàn, Cuba, Tunisia, Morocco, Algérie, Hồng quân Nhật, Hồng quân Đức, Mặt trận giải phóng Palestine, do Ai Cập và Syria cầm đầu, được Liên Sô, Đông Đức và nhiều nước trong phe XHCN yểm trợ.
Cuộc chiến bắt đầu từ ngày 6/10/1973, cũng là ngày lễ Yom Kippur thiêng liêng của người Do Thái, và kết thúc vào ngày 26/10, bằng thỏa hiệp hòa bình tại trại David. Ai Cập là nước gặt hái được thắng lợi nhờ lấy lại được bán đảo Sinai bị Israel chiếm năm 1967. Syria bị thiệt hại do không giành lại được cao nguyên Golan bị Israel chiếm năm 1967.
Kể từ đó đến nay, tức từ đại chiến Yom Kippur năm 1973, thỉnh thoảng lò thuốc súng Palestine lại bùng lên dữ dội, dẫu không lớn như cuộc chiến 6 ngày (1967) hay cuộc chiến 3 tuần Ramadan năm 1973, nhưng gây đổ nát, thương vong không hề nhỏ.
Và việc lò thuốc súng Palestine bùng phát dữ dội đêm 6 rạng ngày 7/10 vừa rồi, trùng ngày lễ Yom Kippur đẩm máu của người Do Thái nửa thế kỷ trước (6/10/2023 – 6/10/1973), là ngày khởi đầu đại chiến Ramadan (chiến tranh Arab – Israel).
Hiện tại, có vẻ tình báo Mossad lẫy lừng của Israel đã làm không tròn vai, để tổ chức Hồi giáo Hamas của người Palestine trong dải Gaza qua mặt gọn gàng, gây ra cuộc tấn công bất ngờ và đại quy mô vào Miền Nam Israel. Nhiều thị trấn và làng mạc Israel gần dải Gaza bị quân Hamas đánh chiếm, hàng trăm người Israel bị đăng xuất, hàng trăm người khác bị bắt làm con tin, và hàng ngàn người bị thương, trong đó đa phần là thường dân Israel… Khiến nhiều người nghĩ đây rất có thể là cuộc chiến Yom Kippur lần thứ hai?
Bởi không trước thì sau, quân Israel cũng phải tấn công bộ binh vào dải Gaza để loại bỏ tiềm lực Hamas. Nhưng phong thanh từ Ai Cập cho biết, Li-băng và phiến quân Hezbollah sẽ tấn công Israel nếu Israel kéo quân vào dải Gaza. Và nếu điều đó xảy ra, hai nước Iran, Syria có thể tham chiến, không chỉ vì Iran và Syria đứng sau phiến quân Hezbollah, mà còn vì Iran và Syria đều là những kẻ thù của Israel. Hơn nữa, Nga là nước đồng minh quan trọng của Syria và Iran, nên cuộc chiến có thể sẽ được mở rộng đến khó lường, chẳng khác chiến tranh Yom Kippur lần thứ hai?