Trần Hiếu Chân
Nội dung chiếm nhiều thời gian trong Hội nghị Ban chấp hành trung ương lần thứ 8 là vấn đề quy hoạch nhân sự cho tương lai. “Nhân sự kỳ này hy vọng sẽ có cái mới. Sẽ nhiều cơ hội hơn cho lớp trẻ có năng lực, có ý chí làm ăn và có tầm nhìn. Tuy nhiên, cánh bảo thủ chưa chịu bó tay. Cho nên vẫn cần sự dàn xếp giữa các khuynh hướng để thỏa hiệp. Chúng ta cố gắng thắp lên ngọn lửa nhỏ, hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối” (Lê Thân, CLB Lê Hiếu Đằng)
————————
Một bộ phận dư luận đặt kỳ vọng vào Hội nghị BCH Trung ương ĐCSVN diễn ra từ 2/10 đến 8/10/2023, vì mấy lẽ sau đây: Thứ nhất, đây là Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Đại hội 13 và 14, tự thân nó mang ý nghĩa chuyển giai đoạn. Thứ hai, Trung ương 8 khai hội sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ lên “Đối tác chiến lược toàn diện” (CSP). Phải chăng đây là thời điểm Đảng cần nghĩ ngay đến việc tuyển chọn “dàn” nhân sự để hiện thực hóa kế hoạch cho tương lai. Thứ ba, Hội nghị lần này diễn ra vào lúc Lãnh đạo Việt Nam tiệm cận đến điểm tới hạn của ngã ba lịch sử và họ phải lấy quyết định đưa sự nghiệp phát triển của đất nước đi theo hướng nào? Cuộc chiến tranh xâm lược của Nga chống lại quân dân Ukraine tuy chưa kết thúc, nhưng một trật tự quốc tế “hậu Ukraine” đã hình thành. Việt Nam sẽ ở đâu trong trật tự quốc tế này là cả một vấn đề sống còn, thiết tưởng Trung ương không thể không bàn thảo kỹ.
Xu hướng chuẩn bị môi trường để đón các tập đoàn hàng đẩu của Mỹ vào theo “Bản gợi ý” (Fact Sheet) gồm tám nội dung kinh tế – thương mại – đầu tư thể hiện phần nào qua chuyến đi công tác sáu ngày của Thủ tướng Phạm Minh Chính trên đất Mỹ. Chuyến công tác diễn ra ngay sau khi Việt Nam – Hoa Kỳ vừa nâng cấp quan hệ lên “CSP vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững”. Thủ tướng đã có rất nhiều hoạt động nhằm cụ thể hóa, triển khai các thỏa thuận, cam kết đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Trong đó, ngoài gặp các chính trị gia, các Bộ trưởng của Hoa Kỳ và phát biểu chính sách tại các trường Đại học, Thủ tướng thăm, làm việc với nhiều hiệp hội doanh nghiệp, quỹ đầu tư, Tập đoàn kinh tế hàng đầu Hoa Kỳ và thế giới như Microsof, Synopsys, Facebook, Apple, Googele, Boeing… (1)
Quan hệ CSP Việt – Mỹ đã mở rộng phạm vi hợp tác song phương trên cả 10 lĩnh vực, bổ sung phần quan trọng về phối hợp trong các vấn đề khu vực và toàn cầu. Giáo sư Alexander Vuving bình luận trên truyền thông quốc tế, sự đua tranh ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ đã khiến Washington phải tăng cường quan hệ với các quốc gia, nhằm kiềm toả sự thống trị của Trung Quốc và đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình với các nước đồng minh. Đây được xem là chủ trương của Mỹ nhằm xây dựng các chuỗi cung ứng mới đặt bên ngoài Trung Quốc, để tránh những thiệt hại do chính sách đối đầu trong thương mại giữa hai nước – từ thuế đến công nghệ. Theo GS. Vuving, Mỹ muốn kéo chuỗi cung ứng chất bán dẫn qua Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành điểm nhấn mới quan trọng dành cho Mỹ. Như vậy có khả năng sẽ thấy chuỗi cung ứng chạy qua Mỹ, Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc, Việt Nam, những nước và lãnh thổ mà Việt Nam cũng có quan hệ sâu sắc (2).
Như vậy, các dự án hợp tác cụ thể rồi sẽ có, nhưng làm thế nào để hiện thực hoá những dự án ấy không phải là điều dễ dàng. Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, dù môi trường kinh doanh Việt Nam bây giờ đã cải thiện rất nhiều, nhưng các nhà đầu tư Hoa Kỳ vẫn e ngại về những rào cản như pháp lý, quy định về đất đai, trình độ lao động và cả tình hình chính trị không ổn định ở khu vực Đông Nam Á hiện nay. Trở ngại lớn nhất của nhà đầu tư Mỹ khi vào Việt Nam, theo ông Hiếu, là những luật lệ của Việt Nam, đặc biệt là liên quan đến bất động sản. Đất đai là cơ sở nền tảng để xây dựng xí nghiệp cũng như các hãng xưởng sản xuất, các doanh nghiệp ái ngại khi luật đất đai còn chồng chéo, nhiều thủ tục rắc rối. Mà cũng không chỉ là về vấn đề đất đai, ngay tất cả những quy định về luật pháp liên quan đến đầu tư thương mại ở Việt Nam cũng cần phải có một sự cải tiến để có thể làm cho các nhà đầu tư yên tâm về tài sản của họ (3).
Hội nghị trung ương lần này nên quán triệt tinh thần phát huy nội lực khi xây dựng tầm nhìn về công tác nhân sự. Nội lực ở đây là nội lực của mọi người Việt ở cả trong lẫn ngoài nước. Nhà nước đã có nhiều chủ trương vận động chuyên gia người Việt ở khắp mọi nơi trên thế giới, nhất là các chuyên gia trong các lĩnh vực khoa học ứng dụng. Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh, một trong những trọng tâm chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden là thúc đẩy sự phát triển của kinh tế Việt Nam tập trung vào công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nguồn nhân lực người Việt có thể áp dụng các lý thuyết hay dự báo vào các hoạt động thực tiễn để đáp ứng yêu cầu “tập trung vào công nghệ và đổi mới sáng tạo” có rất nhiều ở Mỹ và các nước phương Tây. Khi lãnh đạo Việt Nam công du tại các nước này, nên cùng với lãnh đạo sở tại, vận động đội ngũ chuyên gia này về giúp nước bằng nhiều hình thức khác nhau, thay vì nhắc lại tư duy quán tính, yêu cầu sở tại hợp tác giảm sự chống đối, thù địch của kiều bào đối với Việt Nam (4).
Trước thềm Hội nghị trung ương, một hiện tượng được giới quan sát cho là trái chiều với xu hướng tiến bộ vẫn diễn ra, gây nên nhiều quan ngại. Chiều 25/9, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, trưởng đoàn đại biểu thành phố Hà Nội đã dự lễ bế giảng “Lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2025-2030” tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch nguồn này được tổ chức từ ngày 19/9 đến 26/9/2023. Lớp học gồm các cán bộ chủ chốt các sở, ban, ngành thành phố và các quận, huyện, thị được quy hoạch bởi Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (5). Vào lúc này, bối cảnh của bang giao Việt – Trung trước và sau CSP rõ ràng đang có những diễn biến bất thường. Từ vấn đề suốt mấy tháng trời Trung Quốc cho tàu lớn tàu bé xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông đến việc vô cớ chặn hàng chục tấn tôm hùm qua cửa khẩu Móng Cái… Vậy thì Hà Nội liên tục cử những “cán bộ nguồn” sang đào tạo ở Trung Quốc là dựa trên cơ sở của niềm tin nào?
Trao đổi với ông Lê Thân, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, ông cho rằng, dù sao kỳ này hy vọng sẽ có cái mới. Chúng ta sẽ thấy nhiều cơ hội hơn cho lớp trẻ có năng lực, có ý chí làm ăn và có tầm nhìn. Tuy nhiên, cánh bảo thủ chưa chịu bó tay. Cho nên vẫn cần sự dàn xếp giữa các khuynh hướng để thỏa hiệp. Chúng ta cố gắng thắp lên ngọn lửa nhỏ, hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối. Còn theo Giáo sư khoa học Không gian Thái Văn Cầu (từ Hoa Kỳ), để một đất nước chuyển từ suy sang thịnh, từ tối sang sáng, là cả một quá trình. Điều này cần thời gian và cần nỗ lực của tất cả những ai quan tâm. Thực tế cho thấy càng ngày càng có nhiều người sẵn sàng tham gia quá trình này. Nó giúp tăng niềm tin vào tương lai. GS. Thái Văn Cầu nhấn mạnh: “Kiên trì xây dựng ý thức và thực thi quyền làm người, bao gồm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội… đã được nêu lên trong Hiến pháp Việt Nam năm 2013, Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền Liên Hiệp Quốc năm 1948, và Yêu sách ký tên chung Nguyễn Ái Quốc từ năm 1919” (6).
____________
Tham khảo:
(2) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cmj1g2rez45o
(6) https://www.wps.com/d/?from=t