Nguyễn Đình Cống
Chúng ta và chúng tôi là đại danh từ ngôi thứ nhất, số nhiều, dùng để tự xưng hoặc để xưng với người khác. Nhưng ngoài yếu tố số nhiều, còn phải bao hàm ý là những người có cùng chung một thứ gì đó định đề cập tới (ý nghĩ, lời nói, hành động).
Trong phát biểu của một số người Việt khi dùng từ “chúng ta” là có ý đề cập đến toàn dân Việt Nam, ví như các câu: Chúng ta (Việt Nam hoặc nhân dân Việt Nam) nghĩ như thế này, nói như thế kia, làm như thế nọ v.v… Trình bày như vậy dễ mắc vào lỗi “vơ đũa cả nắm”, vì dùng từ “chúng ta” để thay cho toàn dân chỉ được xem là đúng trong một số rất ít trường hợp.
Để tránh lỗi vơ đũa cả nắm khi dùng từ chúng ta thì ngay sau đó nên đưa thêm định ngữ để giải thích chúng ta là ai. Thí dụ: Chúng ta, những người dân Việt Nam lương thiện; hoặc chúng ta, những người đã tự nguyện theo Đảng làm cách mạng v.v…
Người trong mỗi nước chủ yếu được chia thành hai tập hợp: Người của chính quyền và dân thường. Người của chính quyền (quan chức) được trả lương để làm nhiệm vụ quản lý, điều hành xã hội. Họ chỉ chiếm một số ít, nhưng có vai trò lớn. Dân có nhiệm vụ làm các nghề khác nhau, đóng thuế cho chính quyền và làm các nghĩa vụ công dân. Họ chiếm số đông.
Giữa hai tập hợp này tồn tại một số quan hệ và mâu thuẫn. Đó là mâu thuẫn chủ yếu của nhân loại (trong phạm vi mỗi nước). Giải quyết mâu thuẫn này hợp lý sẽ giúp phát triển xã hội. Duy trì hoặc giải quyết sai, sẽ phá nát nhiều thứ.
Mỗi sự việc dù tốt hay xấu xảy ra trong xã hội, đều có sự tham gia của hai tầng lớp này, có thể xuất phát từ dân (thí dụ chặt chém khách lạ, sản xuất ra thực phẩm có chất độc để bán) hoặc từ chính quyền, đặc biệt từ người ở cấp cao nhất (thí dụ như luật đất đai). Như vậy, mỗi tật xấu xảy ra trong xã hội thì cả hai tập hợp đều phải chịu trách nhiệm.
Tuy vậy, khi tìm nguyên nhân của tật xấu, nhiều người đổ lỗi ngay cho dân. Thí dụ hai tật xấu vừa kể đều xuất phát trực tiếp từ người dân. Người ta quy tội cho dân vì như thế quá dễ, không dám nói đến chính quyền vì sợ mà né tránh hoặc do vô minh mà không thấy.
Vậy trong các sự việc trên thì trách nhiệm của chính quyền ở đâu? Đó là trách nhiệm trong khâu quản lý, vì lý do nào đó mà không phát hiện và ngăn chặn kịp thời nên để cho nó lây lan. Làm điều xấu là tội của một người dân nào đó, nhưng để thói xấu lây lan ra rộng rãi trong xã hội, là lỗi của chính quyền.
Suy nghĩ kỹ, tôi thấy rằng, không những cả chính quyền và dân đều phải chịu trách nhiệm về các thói hư tật xấu trong xã hội, mà chính quyền phải chịu phần nặng hơn. Đó là do chính quyền thiếu năng lực, thiếu trách nhiệm, thiếu đạo đức, để cho thói hư tật xấu phát sinh, phát triển, không những không ngăn chặn được mà có lúc, có người còn lợi dụng nó để mưu lợi cá nhân.
Gần đây, nhân dự án chi 350 ngàn tỉ đồng đế chấn hưng văn hóa, nhiều người chỉ ra rằng, văn hóa của dân tộc hình thành trong mấy ngàn năm đã bị hủy hoại ghê gớm. Việc đó cùng với giáo dục bị tàn phá, là một tội ác, một điều rất xấu cho dân tộc. Trong tội ác này, lãnh đạo nhà nước và các cấp chính quyền phải chịu trách nhiệm chính.
Tiền nhân đã rút ra kết luận, rằng muốn ngăn ngừa điều xấu thì chính quyền phải làm sao để người ta không muốn, không thể và không dám làm, bằng các biện pháp giáo dục, tổ chức và trừng phạt.
Muốn chấn hưng được văn hóa và giáo dục, trước hết phải tìm cho được nguyên nhân cơ bản làm phát sinh, phát triển việc làm hỏng nó và phải quy được cho những người, hoặc nhóm người cụ thể phải chịu trách nhiệm, chứ không dừng lại ở mức chung chung là “chúng ta” kém cái này, thiếu cái kia, làm sai việc nọ. Thế rồi, để chấn hưng thì “chúng ta” phải đổi mới chỗ này, cải cách nơi kia v.v… Cứ bàn và kết luận chung chung như thế, không chỉ rõ ra chúng ta, cụ thể là ai, đã nghĩ hoặc làm sai chỗ nào thì càng dùng nhiều tiền, người ta càng có dịp phá nát văn hóa và giáo dục.
Nhân dịp này, tôi xin đề nghị Hội đồng Lý luận Trung ương nghiên cứu đề tài “Mức độ hủy hoại nền văn hóa dân tộc trong nửa thế kỷ qua, nguyên nhân cơ bản và phương hướng chấn hưng”.
Trong nghiên cứu này, nếu có dùng từ chúng ta thì phải làm rõ chúng ta là ai, là lãnh đạo hay là dân, nêu càng cụ thể càng tốt, cần tránh cách diễn đạt chung chung.
Nhân đây tôi xin tiết lộ một thông tin. Khi đăng bài “Cần hiểu đúng văn hóa”, trên facebook tôi nhận được lời bình sau đây của một bạn: “Sau bao nhiêu năm dùng ‘đạo Đức cách mạng’ làm hỏng hết nền văn hoá Việt Nam”. Đó là một gợi ý cho công trình nghiên cứu của Hội đồng Lý luận, nhằm tìm nguyên nhân cơ bản làm hỏng nền văn hóa.
Tôi cũng đề nghị Chính phủ, Quốc hội không cấp một đồng nào để chấn hưng văn hóa khi chưa có nghiên cứu nghiêm chỉnh, chỉ ra đúng hiện trạng và nguyên nhân cơ bản sự xuống cấp của văn hóa./.