Lê Thiệt (SGN)
“Giữa lúc người dân cả nước hướng về Hà Nội với niềm đau xót vô hạn khi vụ hỏa hoạn tại chung cư mini ở quận Thanh Xuân cướp đi sinh mạng của 56 người, và làm hàng chục người khác bị thương, thì Bộ VHTTDL lại tổ chức lễ trao giải báo chí toàn quốc ‘hoành tráng’. Tôi cho đó là một sự kiện vô văn hóa nhất từ trước tới nay”.
Một người dân đứng trước Nhà hát lớn Hà Nội vào tối ngày 13 Tháng Chín nói như thế, với sự kinh bỉ ra mặt.
Buổi lễ “hoành tá tràng” này có sự hiện diện của nhiều ông “tai to mặt lớn” như (theo liệt kê của Báo Văn Hóa):
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa;
các Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Phó trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng;
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh; nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Hồng Vinh;
nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi.
Ngoài ra, còn có đại diện các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL; đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí và đặc biệt là các tác giả đoạt giải, cùng hàng trăm khách mời.
Chương trình còn được livestream trực tiếp trên ứng dụng VTVcab On của Tổng Công ty Truyền hình Cáp Việt Nam và Báo điện tử Tổ quốc, fanpage của Bộ VHTTDL. Buổi lễ còn có sự đồng hành của Tập đoàn Vietravel (Vietravel Corp.) và Công ty cổ phần đầu tư Du lịch Hà Nội (Hanoi Tourism JSC).
Báo Văn Hóa không cho biết Ban tổ chức có dành một phút mặc niệm đồng bào vừa thiệt mạng trong trận hỏa hoạn vừa xảy ra đêm 12 Tháng Chín không, nhưng nhìn những tấm hình chụp, độc giả thấy mọi người “phẩn khởi” lắm. Lại còn có cả văn nghệ với những màn múa phụ họa “duyên dáng, vui tươi”.
Có lẽ chẳng ai nghĩ đến những người chết cháy chưa được chôn ngoài kia…
Cũng trong thời gian đó, Phòng Trà Trịnh Ca, một quán cà phê ca nhạc được nhiều người Hà Nội yêu thích, đăng một thông báo trên Facebook với nội dung: “Xin được gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình có người bị nạn trong vụ hỏa hoạn tại Hà Nội. Phòng trà xin phép được dừng phát sóng chương trình hôm nay ạ!”
Chỉ một dòng thông báo ngắn ngủi thể hiện nét văn hóa đáng quý của con người với nhau, đã được nhiều người góp lời chia buồn với gia đình những nạn nhân vụ hỏa hoạn này, như:
“Xin được gửi lời chia buồn sâu sắc tới các gia đình có nạn nhân xấu số trong vụ hỏa hoạn xảy ra vào đêm hôm qua tại HN. Nam mô a di đà Phật”.
“Quá nặng nề. Vâng chúng ta nên dành đêm nay để tiếc thương những người vô tội”.
“Hành động ý nghĩa. Mong có những hành động như thế từ cấp chính quyền”.
Điều mong muốn đó đã không xảy ra. Lãnh đạo cao cấp có suy nghĩ cao hơn, vượt trên nỗ đau tầm thường, nhất là lãnh đạo Bộ VTTTDL, ông Nguyễn Văn Hùng.
Ông Hùng mới lên làm Bộ trưởng Bộ VHTTDL được hơn 2 năm nay, đã tạo được 2 “dấu ấn” đặc biệt tạo nhiều tiếng cười trong dân chúng.
“Dấu ấn” thứ nhất là ông hiên ngang chiếm hết thảm đỏ trong lúc đón tiếp ông bà Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cùng Đoàn đại biểu Malaysia thăm chính thức Việt Nam từ ngày 20 đến ngày 21/7/2023 theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
“Dấu ấn” thứ hai là dự án “chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035” với kinh phí hơn 350.000 tỷ đồng!
Thế nên qua cách tổ chức Lễ trao giải báo chí toàn quốc vào đúng ngày người dân Hà Nội đang đau buồn vì trận hỏa hoạn, dư luận cho rằng ông Hùng không cần phải “chấn hưng, phát triển văn hóa” làm gì nữa, vì cái bộ văn hóa của ông, không những “vô văn hóa, mà còn nhẫn tâm nữa”!