(VNTB)
Một chính phủ ngày càng chuyên quyền đang đưa ra những quyết định tồi tệ
Có chuyện gì đã xảy ra vậy? Sau khi Trung Quốc tái gia nhập nền kinh tế thế giới vào năm 1978, nước này đã trở thành câu chuyện tăng trưởng ngoạn mục nhất trong lịch sử. Cải cách trang trại, công nghiệp hóa và tăng thu nhập đã đưa gần 800 triệu người thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực. Sản xuất chỉ bằng 1/10 so với Mỹ vào năm 1980, hiện nền kinh tế Trung Quốc có quy mô tương đương ¾ so với Mỹ. Tuy nhiên, thay vì tăng trưởng trở lại sau khi chính phủ từ bỏ chính sách “không Covid” vào cuối năm 2022, Trung Quốc như đang tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa.
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ hàng năm chỉ 3,2% trong quý hai, một sự thất vọng thậm chí còn tồi tệ hơn khi tốc độ tăng trưởng của Mỹ ước tính có thể đạt gần 6%. Giá nhà đã giảm và công ty bất động sản, những người có xu hướng bán nhà trước khi xây, đã gặp khó khăn, khiến người mua sợ hãi. Chi tiêu tiêu dùng, đầu tư kinh doanh và xuất khẩu đều giảm. Và gần như thế giới phải chống chọi với tình trạng lạm phát quá cao thì Trung Quốc lại gặp phải vấn đề ngược lại: giá tiêu dùng giảm trong năm tính đến tháng 7. Một số nhà phân tích cảnh báo rằng Trung Quốc có thể rơi vào bẫy giảm phát giống như Nhật Bản vào những năm 1990.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, chẩn đoán giống Nhật lại quá nhẹ nhàng cho những căn bệnh của Trung Quốc. Tình trạng suy giảm tăng trưởng kinh niên sẽ còn tồi tệ hơn ở Trung Quốc vì người dân nước này nghèo hơn. Mức sống của Nhật Bản vào khoảng 60% của Mỹ vào năm 1990; Trung Quốc ngày nay là dưới 20%. Và, không giống như Nhật Bản, Trung Quốc cũng đang phải chịu đựng một điều gì đó sâu sắc hơn nhu cầu yếu và nợ nần chồng chất. Nhiều thách thức của nước này xuất phát từ những thất bại trong hoạch định chính sách kinh tế – vốn ngày càng trở nên tồi tệ hơn khi Tập Cận Bình tập trung quyền lực.
Khoảng mười năm trước, các nhà kỹ trị Trung Quốc được coi là những nhà bác học. Đầu tiên họ chủ trì một kỳ quan kinh tế. Khi đó, Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009 với đủ lực lượng kích thích – một số nhà bình luận còn đi xa hơn khi nói rằng Trung Quốc đã cứu nền kinh tế thế giới. Trong những năm 2010, mỗi khi nền kinh tế chao đảo, các quan chức lại bất chấp dự đoán về thảm họa bằng cách giảm giá tín dụng, xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc kích thích thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, trong mỗi giai đoạn, các khoản nợ công và nợ tư lại tăng lên. Những nghi ngờ về tính bền vững của sự bùng nổ nhà ở cũng như nghi ngờ về việc liệu cơ sở hạ tầng mới có thực sự cần thiết hay không cũng tăng theo. Ngày nay các nhà hoạch định chính sách đang ở trong tình thế khó khăn. Họ không muốn có thêm rắc rối hoặc làm bong bóng bất động sản tái phát. Họ cũng không thể thực hiện đủ các loại kích thích đáng mong muốn hơn, chẳng hạn như chi tiêu lương hưu và trợ cấp cho các hộ gia đình nghèo để thúc đẩy tiêu dùng, bởi vì Tập Cận Bình không thông qua “chủ nghĩa phúc lợi” và chính phủ đối mặt mức thâm hụt chính thức chỉ ở mức 3% GDP.
Kết quả là, phản ứng đối với tăng trưởng chậm lại mờ nhạt. Các nhà hoạch định chính sách thậm chí không muốn cắt giảm lãi suất nhiều. Ngày 21 tháng 8, họ đã khiến các nhà đầu tư thất vọng khi chỉ cắt giảm 0,1% lãi suất cho vay kỳ hạn một năm.
Phản ứng yếu ớt trước tình trạng giảm tăng trưởng và lạm phát này là sai lầm mới nhất trong một loạt sai lầm về chính sách. Chính sách đối ngoại vênh váo và chính sách công nghiệp theo chủ nghĩa trọng thương của Trung Quốc đã khiến cho xung đột kinh tế với Mỹ trầm trọng hơn. Ở trong nước, Trung Quốc không giải quyết thỏa đáng các động cơ khuyến khích đầu cơ vào nhà ở và một hệ thống trong đó các nhà phát triển có những nghĩa vụ to lớn đến mức chúng có tầm quan trọng về mặt hệ thống. Bắt đầu từ năm 2020, các cơ quan quản lý đã thắt chặt thị trường bằng cách trấn áp các công ty công nghệ tiêu dùng thành công bị cho là quá ngang ngược và độc quyền. Trong đại dịch, quan chức đã câu giờ bằng phong toả nhưng không sử dụng phong toả để tiêm chủng cho đủ số người nhằm có một lối thoát có kiểm soát, và sau đó bị choáng ngợp bởi biến thể Omicron rất dễ lây lan.
Tại sao chính phủ cứ mắc sai lầm? Một lý do là tăng trưởng ngắn hạn không còn là ưu tiên của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Các dấu hiệu cho thấy Tập Cận Bình tin rằng Trung Quốc phải chuẩn bị cho một cuộc xung đột kinh tế kéo dài và có thể xảy ra xung đột quân sự với Mỹ. Do đó, Tập Cận Bình nhấn mạnh việc Trung Quốc theo đuổi sự vĩ đại, an ninh và khả năng phục hồi quốc gia. Ông ta sẵn sàng hy sinh vật chất để đạt được những mục tiêu đó, và muốn tăng trưởng ở mức độ nào đó thì phải “chất lượng cao”.
Tuy nhiên, ngay cả theo tiêu chí của ông Tập, các quyết định của ĐCSTQ vẫn có sai sót. Sự sụp đổ của chính sách không Covid đã làm suy yếu uy tín của Tập. Cuộc tấn công vào các công ty công nghệ đã khiến giới doanh nhân sợ hãi. Nếu Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát kéo dài do chính quyền từ chối thúc đẩy tiêu dùng, các khoản nợ sẽ tăng giá trị thực và đè nặng hơn lên nền kinh tế. Trên hết, trừ khi ĐCSTQ tiếp tục nâng cao mức sống, ĐCSTQ sẽ làm suy yếu khả năng nắm quyền và hạn chế khả năng sánh ngang với Mỹ.
Do đó, việc chính sách ngày càng thất bại không giống như việc tập trung sự hy sinh mới vào an ninh quốc gia mà là một quyết định tồi tệ. Những thất bại ấy trùng hợp với việc Tập Cận Bình tập trung quyền lực và thay thế các nhà kỹ trị bằng những người trung thành.
Trung Quốc từng chấp nhận những cuộc tranh luận về nền kinh tế của họ, nhưng ngày nay họ lại dụ dỗ các nhà phân tích lạc quan giả tạo. Gần đây, Trung Quốc đã ngừng công bố những dữ liệu không mấy tích cực về tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên và niềm tin của người tiêu dùng. Trong chính phủ vẫn còn rất nhiều nhân tài cấp cao, nhưng mong đợi một bộ máy quan liêu đưa ra những phân tích hợp lý hoặc những ý tưởng sáng tạo thì thật là ngây thơ khi thông điệp từ cấp trên là lòng trung thành trên hết. Thay vào đó, các quyết định ngày càng bị chi phối bởi hệ tư tưởng pha trộn giữa sự nghi ngờ của cánh tả đối với các doanh nhân giàu có với sự miễn cưỡng của cánh hữu trong việc đưa tiền cho người nghèo nhàn rỗi.
Thực tế là các vấn đề của Trung Quốc bắt đầu từ trên có nghĩa là chúng sẽ tồn tại dai dẳng. Chúng thậm chí có thể trở nên tồi tệ hơn khi các nhà hoạch định chính sách vụng về phải đối mặt với những thách thức ngày càng gia tăng của nền kinh tế. Dân số đang già đi nhanh chóng. Mỹ ngày càng tỏ ra thù địch và đang cố gắng bóp nghẹt kinh tế Trung Quốc, như sản xuất chip vốn được coi là có ý nghĩa chiến lược cho Trung Quốc. Trung Quốc càng bắt kịp Mỹ thì khoảng cách càng khó thu hẹp hơn, bởi vì các nền kinh tế tập trung có khả năng cạnh tranh tốt hơn là đổi mới.
Những dự đoán của những người theo chủ nghĩa tự do về Trung Quốc thường phản bội những suy nghĩ viển vông. Vào những năm 2000, phương Tây đã lầm tưởng rằng thương mại, thị trường và tăng trưởng sẽ thúc đẩy dân chủ và tự do cá nhân. Nhưng Trung Quốc hiện đang thử nghiệm mối quan hệ ngược lại: liệu chế độ chuyên chế nhiều hơn có gây thiệt hại cho nền kinh tế hay không. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy điều đó xảy ra – và sau bốn mươi năm tăng trưởng nhanh chóng, Trung Quốc đang bước vào thời kỳ thất vọng.
____________
Nguồn: The Economist – Why China’s economy won’t be fixed