Phe cánh miền Nam!?

- Quảng Cáo -

Thới Bình (VNTB)

Hàng loạt tin tức mang dáng dấp “lễ tân đối ngoại” ở hiện nay cho thấy chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dường như đang là ‘đích ngắm nghé’ cho nhân sự ở vị trí tổng bí thư ở kỳ đại hội đảng sắp tới.

Bức ảnh được báo chí Việt Nam đăng với chú thích “Đoàn công tác Trung ương chụp hình lưu niệm tại nhà sàn thời niên thiếu Chủ tịch Tôn Đức Thắng”.

Tin tức mang tính ‘đồng phục’ có nội dung như sau ở tất cả các bài báo: Nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, sáng 19/8, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dẫn đầu Đoàn đại biểu gồm các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đến dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại đền thờ Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại tỉnh An Giang.

- Quảng Cáo -

Tham gia Đoàn đại biểu có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

(…) Chủ tịch Tôn Đức Thắng là biểu tượng cho hình ảnh đồng bào miền Nam trong công cuộc đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; người sáng lập ra tổ chức Công hội Đỏ, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam trong những thập niên đầu thế kỷ 20.

Một nhà báo tự do bình luận: Có mấy điều giới săn tin chính trường Việt Nam khó mà không thể không chú ý: lần đầu tiên công khai một “đoàn công tác trung ương” gồm nhiều cựu chủ tịch nước đến vậy. Đặc biệt đoàn công tác này lại có cả cựu thủ tướng từng là thủ tướng quyền lực nhất Việt Nam xưa nay Nguyễn Tấn Dũng.

Vậy vai trò của “đoàn công tác trung ương” này là gì? Các vị xuất hiện với tín hiệu gì mà tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi gắm khi mà vấn đề nhân sự ai sẽ là tổng bí thư đại hội đảng sắp tới rất nóng?

“Đoàn kết” là một tín hiệu ư? Vậy “đoàn kết” trên nền tảng hay thỏa thuận nào? Có ít nhất hai tình tiết lưu ý, chủ tịch Võ Văn Thưởng đứng sát cánh bên cựu chủ tịch Trương Tấn Sang và cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Cùng một màu cà vạt, bàn tay của ông Tư Sang đặt sát bàn tay của ông Ba Dũng.

Nhiều người am hiểu chính trường Việt Nam đều biết quan hệ của ông Tư với ông Ba luôn là câu hỏi bí ẩn không dễ trả lời. Ấy vậy mà hai ông đứng bên nhau vai kề vai, ngón tay kề ngón tay.

Mỗi người tuỳ từng sự am hiểu thông tin của mình và suy luận của mình sẽ có nhận định của mình về các tín hiệu trên, từ đó có những cảm nhận chính sự thất vọng hay hy vọng cho vui buồn của đất nước.

Không rõ nếu giờ được quyền lên tiếng bình luận, nhà báo tự do Phạm Chí Dũng sẽ bày tỏ gì về ‘thủ trưởng’ cũ lúc ông từng làm việc ở Thành ủy TP.HCM thời gian Bí thư Trương Tấn Sang?

Hàng loạt tin tức mang dáng dấp “lễ tân đối ngoại” ở hiện nay cho thấy chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dường như đang là ‘đích ngắm nghé’ cho nhân sự ở vị trí tổng bí thư ở kỳ đại hội đảng sắp tới.

“Nếu thực hiện tốt chức vụ chủ tịch nước, ông Võ Văn Thưởng sẽ có nhiều lợi thế đảm nhiệm chức tổng bí thư Đảng thay ông Nguyễn Phú Trọng. Sự nghiệp chính trị không tỳ vết của ông trong Đảng cũng như ông còn tương đối trẻ, là những lợi thế.

Hơn nữa, quá trình công tác của ông “có một không hai” với các kinh nghiệm ở cả ba miền của Việt Nam. Gia đình ông ở miền Nam tập kết ra Bắc sau Hội nghị Genève năm 1954. Ông Thưởng sinh ra ở tỉnh Hải Dương, miền Bắc.

Sau khi đất nước thống nhất, ông trở về miền Nam. Tiểu sử chính thức ghi quê ông ở Vĩnh Long. Ông học đại học tại thành phố Hồ Chí Minh và phần lớn quá trình công tác của ông là ở miền Nam. Trong thời gian từ 2011 đến 2014, ông là bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi, miền Trung Việt Nam” – giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc Phòng Úc, có bình luận mang tính dự báo như vậy.

Theo ông Thayer, xưa nay bao giờ tổng Bí thư cũng phải là người ngoài Bắc, ông Thưởng được coi là trường hợp dung hòa giữa hai miền và nếu ông trở thành tổng bí thư trong tương lai, và đây sẽ là một bước ngoặt trong chính trị Việt Nam./.

- Quảng Cáo -