Mai Luân
Qua các vụ án, từ Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải đến “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản, Nhàn AIC… ta có thể hình dung, tham nhũng quyền lực (TNQL) khi ăn sâu vào từng băng nhóm của Đảng và Nhà nước thì vòng xoáy của nó trở nên bất tận. Bi kịch không chỉ xuất hiện ở từng bị cáo, mà tội ác còn đến từ cả các cá nhân lẫn các tổ chức thực thi pháp luật ở các cấp. Tất cả lan thành “bi kịch tập thể” như một dịch hạch (pestis).
——————————
Không khởi đầu, cũng chẳng có điểm dừng. Cảm giác chung là bộ máy cai trị đấu tố nhau suốt năm suốt tháng, khi công khai lúc ngấm ngầm. Một dạng “cách mạng không ngừng” giống như lý thuyết của Marx, nhưng lại biến thái thành các cuộc cướp giật “bao lợi quyền” bất tận. Trung ương 8 của ĐCSVN đầu tháng 10 mới họp mà cuộc đấu tố dành ghể Tổng bí thư đã “được” kích hoạt từ Trung ương 7. Và nay tự nhiên rộ lên là câu chuyện để thất thoát mấy ngàn tỷ hồi Ciputra thuê đất, liền kề là lôi “đại gia điếu cày”, sân sau của Tổng bí thư ra xử. Các chuyên án này đều đã “mọc râu” từ chục năm nay, tưởng trôi vào quên lãng, nay lại lôi ra trước vành móng ngựa như để nhắc lại cái thuở “người đốt lò” mới làm Bí thư ở đất Hà thành rồi sau đấy lên đến Tổng bí thư, ông mới làm thơ “Cố lên các chị các anh” đề tặng Lê Thanh Thản (1).
Phản công cũng là cách phòng ngự. Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo tướng Tô Lâm đẩy tiếp vụ Thanh Nhàn AIC để rung lắc ghế của ai đó trong “Bộ tứ” nhưng có vẻ không ăn thua. Cả Đức quốc lẫn nước Mỹ đều phản đối, không muốn giao nộp Thanh Nhàn và quân lính của thị cho Tô Lâm. TBT Trọng tỏ dấu hiệu mệt mỏi đôi lúc cũng muốn rời ghế, nhưng suy đi tính lại thấy không ổn. Muốn buông quyền lực mà khó quá, vì ác mộng “kiến ăn cá” ám ảnh “người đốt lò vĩ đại”. Khi bên trên TNQL, thì bên dưới cũng nương đà đấy mà TNQL tiếp theo, nó tạo ra một hiệu ứng, một vòng xoáy khủng khiếp trên phạm vi hệ thống. Không nhẽ toàn bộ guồng máy Đảng và Nhà nước được xây dựng trên sự tham nhũng phổ quát, tập trung vào quyền và tiền? Đấy phải chăng là trạng thái đồng giao mô tả “là tiên là phật, là sức bật của lò xo, là thước đo lòng người, là tiếng cười của tuổi trẻ…”
Gánh nặng của vụ Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải đang đè lên vai của cả Tô đại tướng lẫn Bộ Chính trị. Trong cơn quẫn bách hiện nay, hai vụ án tử tù Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải để lộ bức màn bí mật về việc thi hành án tử ở Việt Nam (2). Gần 5.000 người đã ký tên gửi đến Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng kiến nghị đòi hoãn thi hành án đối với Chưởng và đòi ân xá cho Hải. EU và ba nước kêu gọi Việt Nam dừng thi hành án tử hình của Nguyễn Văn Chưởng. Bản tuyên bố được đăng trên trang Facebook chính thức của phái đoàn EU và được khoảng 70 tổ chức, cá nhân lan tỏa qua chức năng “share”.
27 nước châu Âu và ba quốc gia ngoài khối đều lên án, coi đây là một hình phạt tàn ác, vô nhân đạo, hạ thấp nhân phẩm và không bao giờ có thể biện minh được. Có hay không việc thiếu tá cảnh sát hình sự Nguyễn Văn Sinh chỉ là vụ thanh toán nội bộ trong công an với nhau rồi đỏ thừa để xóa dấu vết (như đồn đại trên mạng)? Với đà này, thì chắc gì đón Biden và nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ đã mở ra lối thoát về ngoại giao cho thể chế “công an trị” này. Bây giờ mới thấm thía đòn “boomerang” (gậy ông đập lưng ông) của chủ trương “phá án nhanh để lên lon” và “lên lon nhanh bằng tham nhũng”. “Thị trường sao gạch” loạn giá cũng bị tiết lộ ra bên ngoài (3).
Ai cũng biết, “muốn có hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh”. Nhưng “hòa bình” chỉ là ngoài mặt, chỉ là tạm thời, “bằng mặt không bằng lòng” ở mọi cấp, từ thấp lên cao. Nhưng bên trong thì chiến tranh lúc nào cũng sôi sục. Các phe nhóm nhiều lúc say máu vì không còn đường lùi. Lùi là chết, là “kiến sẽ ăn cá”, vì “cá đã ăn quá nhiều kiến”, gây quá nhiều ân oán giang hồ. Chỉ có thể “hòa bình” trong từng giai đoạn mà thôi, bởi vì nạn tham nhũng quyền lực, “sứ quân”cát cứ đang lan như một bệnh dịch (4). Do toàn bộ hệ thống quyền lực được kiến tạo trên nền tảng TNQL cho nên việc đốn ngã một con bài rất có thể gây ra “hiệu ứng domino”, chết chìm thì dễ vỡ trận!
Tướng Tô Lâm đã hơi quá đà. Bản thân ông Trọng đốt lò mấy năm nay mỏi cả tay chất củi nên rành rẽ hơn ai hết! Ông thừa biết, chế độ “công an trị” ngày nay lấy đâu ra xã hội Nghiêu – Thuấn thời xưa! Nói ra chỉ tổ lộ bài “mị dân” để cánh dân chủ nó bêu riếu. Bản thân lãnh đạo đã bất minh thì phải đóng cửa mà bảo nhau, đánh chuột phải giữ lấy cái bình, chứ đào đâu ra giấc mơ “đi ngủ khỏi cần đóng cửa”. Khi Tô Lâm ra lệnh: “Phải làm thế nào để từng xã, phường, thôn, xóm không có tội phạm, dân đi ngủ, đi vắng không phải khóa cửa” và “yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Công an tỉnh nghiên cứu”, thì bản thân tướng Tô Lâm công an này không chỉ “đánh vào” chính ông ta, mà còn “thóa mạ” một Tô Lâm khác là vô năng, bất tài, là phường “ăn hại, vô dụng” (5). Dân họ chửi cho nghe thủng cả màng nhĩ!
Blogger Đồng Phụng Việt đã huỵch toẹt: “Ông Tô Lâm nói theo kiểu hoang tưởng, mị dân, ý là xã hội chủ nghĩa sẽ được như thế, nhưng thật sự ngày càng tồi tệ, dân tình ngày càng khổ… Bây giờ tình hình an ninh trật tự như những người dân thường nói, cứ 100 mét vuông là có 20 tên ăn cướp ăn trộm, xã hội thực tế hiện nay là như vậy, hở ra là mất cắp… Chính vì vậy có những vụ chết cháy rất thương tâm, vì người ta phải rào nhà kiểu như “chuồng cọp”, để chống trộm, từ chỗ đó khi có hỏa hoạn không thể thoát ra được và chịu chết trong nhà” (6). Phê phán Bộ trưởng Công an như vậy nghe cũng có lý, nhưng blogger này phải thông cảm cho ông Bộ trưởng, khi ước mơ trở lại thời Nghiêu – Thuấn cho thấy Tô Lâm có lúc cũng mỏi mệt do đàn áp quá nhiều. Trong tay đủ quyền lực thì y lại mơ sự yên bình, nhưng lấy đâu ra thời Nghiêu – Thuấn khi bàn tay công an đã vấy máu Cụ Lê Đình Kình và bao dân oan đòi đất.
Tuy dư luận xôn xao nhưng báo chí trong nước như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VnExpress… đều “tuân thủ kỷ luật”, đã không dám mở miệng về các vụ này, dù trước đó vào năm 2014, 2015, họ từng đưa tin rất mạnh mẽ về những khúc mắc trong vụ án của Nguyễn Văn Chưởng. Nhưng phải nhắc nhở ngay trang Dân Việt. Phân tích của truyền thông quốc tế về trường hợp của Nguyễn Văn Chưởng, bà Chiara Sangiorgio nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhà chức trách Việt Nam phải ngay lập tức ban lệnh đình chỉ tất cả các vụ thi hành án tử (7). Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) khu vực châu Á nói với BBC, có rất nhiều bằng chứng cho thấy cảnh sát đã sử dụng tra tấn để thẩm vấn các nghi phạm hình sự, vì vậy không thể dễ dàng bác bỏ những cáo buộc này. Đại diện HRW cho rằng cần có các điều tra viên độc lập, những người có thể đảm bảo những cáo buộc này được điều tra kỹ lưỡng và công bằng và phải cho những nhân chứng cung cấp lời khai các bằng chứng ngoại phạm của Nguyễn Văn Chưởng (8).
Tâm sự của TBT Trọng những ngày này thật nặng nề. Ôi! Có lúc ông Trọng cũng muốn về nghỉ vui thú điền viên nhưng cũng không được. Mà ở lại chắc gì đã xong. Đúng là bi kịch của những kẻ tham nhũng quyền lực vào hồi quá gay cấn… Nội tình đất nước cũng đang vào hồi nan giải. Nó đòi hỏi phải thay đổi, phải quyền biến trong một thế giới, một khu vực mọi thứ đang đảo lộn, không có gì là chắc chắn! Từ đỉnh cao của quyền lực nhưng Nguyễn Phú Trọng nhiều lúc vẫn cảm thấy chông chênh. TBT có thể nghĩ mình đã “trên tài” ông Hồ Chí Minh. Cái động tác ông ngồi vào cái ghế của “Ông Già” tại Nhà sàn không hẳn là ngẫu hứng (9). Lên đến đỉnh rồi nhưng bây giờ thấy khó xuống quá! Liệu ông Tổng còn níu kéo chiếc ghế ấy được bao lâu nữa?
___________
Tham khảo:
(1) https://kinhtedothi.vn/tong-bi-thu-de-tho-tang-khach-san-muong-thanh-grand-phuong-dong.html
(2) https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-66460494
(3) https://vietnamnet.vn/tac-gia-bai-thi-truong-sao-va-vach-len-tieng-222152.html
(4) https://vietnamnet.vn/canh-bao-ve-nan-tham-nhung-quyen-luc-su-quan-cat-cu-706381.html
(5 – 6) https://www.rfavietnam.com/node/7731
(7 – 8) https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-66460494
(9) https://www.youtube.com/watch?v=MEs1PbT0RAU