Ông Phúc phản đòn độc đáo

- Quảng Cáo -

Người Buôn Gió

Trước vòng kim cô càng ngày càng thít chặt quanh mình, CTN Phúc đã không khoanh tay ngồi yên chịu trận, ông cũng không lạ gì tính nhân văn mà ông Trọng nói.

Từng chứng kiến ông Trọng trong vụ Đinh La Thăng, Nguyễn Đức Chung lúc chưa kỷ luật, còn ề à giọng điệu dạng như biết hối lỗi, biết sửa thì còn nọ, còn kia. Nhưng khi đã nắm chắc dao, ông Trọng xuống tay ráo hoảnh.

Mấy ai còn nhớ trong buổi tiệc tiễn đưa ông Thăng vào Nam nhận chức Bí Thư, ông Thăng ôm ông Trọng cùng đi trong hành lang như hai người anh em thắm thiết.

- Quảng Cáo -

Thế nhưng khi Phúc và Trương Hoà Bình tấu rằng Thăng vào Nam đã có diễn biến thay đổi tư tưởng, cần xử lý. Phó tướng Trương đưa tài liệu các dự án mà Thăng đã làm, ông Trọng quyết định ngay cần khử Thăng bằng mọi giá, kể cả có những tình tiết chưa thể định được thành tội như tội ứng tiền trước cho Trịnh Xuân Thanh làm nhiệt điện thái bình 2 nhưng cũng quy kết theo lãi suất kinh doanh ngân hàng mà định tội ông Thăng.

Nói nôm na ông Trương Hoà Bình bắt tội ông Thăng thế này. Ông Thăng đại diện chủ đầu tư ký hợp đồng với ông Thanh là bên thi công, xây nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Ông Thăng ứng trước tiền cho bên ông Thanh. Như thế là sai luật vì chưa đúng thời điểm đưa tiền, đưa sớm quá tính theo lãi suất kinh doanh ngân hàng thì thiệt cho nhà nước hơn 100 tỷ.

Ông Thăng cãi là cả bên chủ đầu tư lẫn bên thi công đều là nhà nước, thế bên đưa thiệt thì bên nhận lợi có mất vào đâu. Đưa sớm còn có tiền mà làm, hơn nữa tiền ứng thi công thì lãi suất tính khác chứ sao lại tính theo kiểu con buôn ngân hàng cho vay? Mặc ông Thăng cãi gì, ông Trọng đã chọn ô tạch rồi, có gân cổ mấy cũng bằng không.

Ông Phúc chọn con đường phản công lại vòng vây đang thít của ông Trọng, bằng những kế sách mang mầu sắc của sự dân chủ:

Thứ nhất ông kêu gọi về nhà nước pháp quyền ở Bình Dương.

Thứ hai ông nhắc nhở về việc ngồi quá 3 nhiệm kỳ trái điều lệ ở Quảng Bình.

Thứ ba ông sử dụng phong trào đình công trong ngành y tế.

Thứ tư ông tận dụng tiếng nói của cử tri, lo lắng về cơ chế, chính sách trong vụ Việt Á khíên nhiều cán bộ tốt vô tình vướng sai phạm.

Thứ năm ông cho những tập đoàn sân sau dìm giá cổ phiếu, loạn giá đất, loạn giá xăng dầu hòng cho chính phủ gặp khó khăn về quản lý kinh tế.

Thứ sáu là đòn có lẽ phải gọi là có một không hai, đó là xúi quan chức Đà Nẵng bỏ đảng, bỏ chức vụ.

Các kế sách trên được triển khai dưới sự hỗ trợ của một số cơ quan truyền thông có gắn bó lợi ích với ông Phúc từ trước đến nay.

Trừ cách thứ 5 dùng tập đoàn sân sau phá hoại kinh tế, những kế sách còn lại của ông Phúc đều đáng khen vì nó triển khai trên cơ sở của sự dân chủ. Đó là những phương thức đấu tranh văn minh, phản kháng dân chủ, mặc dù ý đồ chỉ là cứu bản thân mình và gia đình mình vì đã nhúng chàm trong vụ Việt Á.

Trái lại ông Trọng dùng quyền lực độc tài của đảng để thực hiện việc xử lý tham nhũng cán bộ, dùng quyền hành của đảng sai khiến BCA thực hiện ý chí của ông. Cho dù mục đích của ông Trọng là trong sáng, tiêu diệt quan tham, nhóm lợi ích nhưng ông thực hiện ý chí đó bằng cơ chế độc tài.

Điều đáng nói ở đây là nếu ông Trọng hạ được ông Phúc bằng những chỉ đạo từ cái ghế TBT, trưởng ban CDPCTN trung ương thì cái nếp xử lý ấy sau này vẫn dựa vào đảng, vào ý chí của người đứng đầu đảng. Chắc gì người kế nhiệm ông đã có được những tố chất như ông để thực hiện việc chống tham nhũng không có ngoại lệ, không có vùng cấm?

Về phía ông Phúc, lúc ăn cắp sắp bị vạch mặt, ông dùng những hành động phương thức mang tính tiến bộ, dân chủ nhằm tháo gỡ cho mình. Giả sử như ông thành công, hoặc ông không phải là người sắp bị xét tội ăn cắp, liệu ông có dùng cách này không, và nếu ông cầm quyền ông có cho những phương thức dân chủ này được áp dụng không? Đây là một cuộc chiến khá thú vị và gay cấn ở thượng tầng chế độ, người dân chủ mà có lương tâm với dân tộc thực sự khó mà biết ủng hộ ai.

Ủng hộ ông Trọng chống bọn quan tham thì lại vướng vào sự ủng hộ độc tài chuyên chế, ý chí độc đoán của lãnh tụ. Ủng hộ những phản kháng dân chủ của ông Phúc thì lại ủng hộ kẻ tham tàn, vơ vét cả máu người dân trong dịch bệnh.

Sự thực thì lúc này có những người đấu tranh dân chủ ủng hộ ông Trọng diệt tham nhũng kể cả bằng ý chí cá nhân lãnh tụ, có người ủng hộ ông Phúc phản kháng vì cổ động những phương thức dân chủ mặc dù ông Phúc thực sự là kẻ đứng đầu nhóm lợi ích, tham nhũng khổng lồ nhất từ trước đến nay. Mỗi người đều có cái lý của mình, không thể nói ai sai, ai đúng mà tuỳ theo nhận thức của mọi người. Công nhận quan điểm họ bênh ai đó cũng là cách thể hiện dân chủ. Trừ những kẻ có lợi ích ăn chia dính với phe cánh ông Phúc hay những kẻ ở phe kia muốn hạ bệ phe ông Phúc để chiếm quyền lực, những người còn lại bênh ai là quyền dân chủ mà họ thể hiện.

Tôi chỉ là một kẻ phương xa, bỏ thời gian bình luận để người đọc quan tâm đến chính trị, sau đó ý thức họ quyết định như nào là quyền của họ. Cá nhân tôi nhận rằng về thực tại thì ông Trọng, ông Chính và ông Huệ đang có những bước cải cách mang tính xây dựng như sắp đặt lại vấn đề đất đai, đặc biệt là chuyện khung giá đất sao cho người dân và nhà nước được lợi hài hoà với doanh nghiệp, chứ không phải giá đất bèo bọt chỉ có lợi cho doanh nghiệp còn dân đen thì nhận đền bù ít ỏi, nhà nước thì thất thu, doanh nghiệp làm vài dự án đất thành đại gia, tập đoàn ngàn tỷ. Các ông Trọng, Chính, Huệ so với các ông trước dính líu đến sân sau, nhóm lợi ích ít hơn rất nhiều. Nói không có thì vô lý, nhưng các ông biết mức độ thế nào, hạn chế tối thiểu cấu kết với nhóm lợi ích đại gia ngàn tỷ là điều thấy rõ. Nhưng tôi cũng muốn ủng hộ những phương thức phản kháng dân chủ mà ông Phúc đang thực hiện. Cho đến nay duy nhất ông Phúc là người lãnh đạo cao cấp dùng những cách thức dân chủ như vậy để chạy tội cho mình. Ông đã tạo ra tiền lệ dân chủ khi cho cử tri ý kiến về sự nhập nhèm trong chính sách, cho người lao động đình công, cho đảng viên thoái trào đảng để phản đối tính độc đoán, chuyên quyền, bắt người theo ý chí.

Trong canh bạc căng thẳng này, ông Trọng thắng, xử tội được ông Phúc thì tham nhũng bị trấn áp rất lớn, đến CTN và phu nhân còn bị xử thì hẳn chẳng còn mấy kẻ có gan ăn những vụ to như trước nữa, tham nhũng không hết nhưng bị đẩy lùi thì độc tài lại được tiến những bước vững hơn.

Ông Phúc thắng thì phe tham nhũng thắng, nhưng những bước tiến của sự dân chủ đã chuyển biến rõ rệt, thành tiền lệ để những phản kháng khác xảy ra trong xã hội, dân chủ tất nhiên không có được nhiều, nhưng chắc chắn sẽ có hơn thời ông Trọng.

Lâu lắm rồi mới có người như ông Trọng quyết tâm triệt để chống tham nhũng, lâu lắm rồi mới có lãnh đạo cao cấp như ông Phúc dùng phương thức dân chủ, pháp luật để phản kháng. Người ta bảo bọn này đánh nhau, thua vẫn là người dân. Tôi nghĩ khác, trận này ai thua thì người dân mới là người được lợi. Không có trận này tham nhũng vẫn tham nhũng, độc tài vẫn độc tài, có đúng vậy không ? Khi có trận này, độc tài tăng thì tham nhũng giảm, tham nhũng tăng thì độc tài giảm, thế có phải còn có cái được không?

NBG

- Quảng Cáo -