RFI
The Economist phân tích « Vì sao Trung Quốc nên tử tế hơn với các láng giềng của mình » : Nếu muốn thách thức vai trò lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ, Bắc Kinh cần có được sự hậu thuẫn của họ.
Có nhiều láng giềng nhất thế giới, « thiên triều » muốn thống trị tất cả
Không có nước nào có nhiều láng giềng hơn Trung Quốc, với 14 biên giới trên bộ. Trong số đó có một Nhà nước côn đồ là Bắc Triều Tiên, những nước bị chiến tranh xâu xé như Miến Điện, tranh chấp lãnh thổ trên đất liền như Ấn Độ, chồng lấn yêu sách trên biển như Nhật Bản, hay thường xuyên bị Bắc Kinh dọa nuốt chửng như Đài Loan. Trong nhiều thế kỷ, các hoàng đế Trung Hoa coi thế giới như nhiều vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là bệ rồng của « thiên triều », các vương quốc láng giềng như Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản phải triều cống. Tập Cận Bình mang lại một bước ngoặt trong thế kỷ 21 cho nhãn quan này, gây lo sợ cho những nước xung quanh.
Các cường quốc thường muốn gia tăng thịnh vượng và an ninh bằng cách thống trị khu vực về kinh tế, quân sự, chính trị và văn hóa. Mỹ là nước duy nhất giữ được vị trí lâu dài, một phần nhờ địa lý, nhưng cũng nhờ các hiệp ước đôi bên cùng có lợi với Mêhicô và Canada, bên cạnh đó là quyền lực mềm. « Hàng xóm » của Trung Quốc phức tạp hơn nhiều. Có tất cả 22.800 kilomet biên giới trên bộ, cả 8 biên giới trên biển đều bị tranh chấp, và các nước như Ấn Độ, Nhật Bản là những sức mạnh kinh tế, quân sự với những tham vọng riêng.
The Economist chia các láng giềng của Trung Quốc làm ba nhóm : yếu đuối hay thất bại (Afghanistan, Lào, Miến Điện, Nepal, Bắc Triều Tiên, Pakistan), thù địch nhưng lại quan hệ chặt chẽ (Mông Cổ, Nga, Trung Á), có liên hệ quân sự với Mỹ (Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam).
Thủ lợi trước mắt, trả giá lâu dài
Có chính sách bá quyền, nhưng Bắc Kinh luôn nói rằng chỉ muốn thu hồi đường biên giới « hợp pháp », tố cáo Mỹ « bao vây ». Tuy nhiên sự e dè của các nước bắt nguồn từ những sai lầm của chính Trung Quốc. Bắc Kinh đã thành công trong việc thay đổi nguyên trạng có lợi cho mình trong ngắn hạn. Tàu chiến, máy bay Trung Quốc thường xuyên quấy nhiễu ở Biển Hoa Đông, dựng lên bảy đảo nhân tạo kiên cố trên các rạn san hô tranh chấp ở Biển Đông.
Những lợi ích này đã phải trả giá bằng việc Nhật Bản tăng gấp đôi chi quốc phòng, đẩy mạnh hợp tác an ninh với các đồng minh của Mỹ. Philippines cho Washington sử dụng thêm bốn căn cứ quân sự, trong đó có ba nơi rất hữu ích trong trường hợp chiến tranh ở Đài Loan. Việt Nam lần đầu tiên từ 40 năm đón tiếp hàng không mẫu hạm Mỹ, và sau đó thêm hai chuyến thăm nữa. Ấn Độ cấm hàng chục ứng dụng Trung Quốc, hợp tác quốc phòng với Mỹ và các đồng minh, tham gia Bộ Tứ.
Các láng giềng của Trung Quốc cũng xích lại gần nhau hơn. Ấn Độ huấn luyện thủy thủ tàu ngầm Việt Nam, cung cấp cho Việt Nam 12 tàu tuần tra cao tốc, một hộ tống hạm tên lửa ; bán hỏa tiễn hành trình cho Philippines. Nhật Bản cấp tàu tuần tra cho Việt Nam và radar cho Philippines…
Quen thói lấy thịt đè người
Về kinh tế, Trung Quốc là đối tác thương mại không thể thiếu đối với các nước trong khu vực và là nguồn đầu tư lớn. Nhưng nhìn chung, các láng giềng bán được hàng cho Mỹ và châu Âu nhiều hơn cho Trung Quốc. Hơn nữa, Bắc Kinh có thói quen đáng ngại là dùng sức mạnh kinh tế để bắt chẹt. Mông Cổ là nạn nhân đầu tiên khi Tập Cận Bình lên ngôi. Sau khi đón tiếp Đạt Lai Lạt Ma, Trung Quốc bèn ngừng cho vay và thông quan. Nay NATO đang giúp Mông Cổ về an ninh mạng, đào tạo sĩ quan bằng tiếng Anh.
Nổi bật nhất là Hàn Quốc : tổng thống Park Geun Hye từng rất thân thiện, nhưng Trung Quốc tung ra chiến dịch tẩy chay dữ dội sau khi Mỹ triển khai hệ thống chống hỏa tiễn ở Hàn Quốc dù vũ khí này nhằm răn đe Bắc Triều Tiên. Nay Seoul gác lại bất hòa xưa nay với Tokyo, cùng tham gia nỗ lực giảm vai trò Trung Quốc trong chuỗi cung ứng, tạo ra cơ hội mới cho những nước xung quanh. Việt Nam cho biết Samsung và LG sẽ đầu tư thêm 6 tỉ đô la.
Đối với những nước nghèo hơn, tuy phát triển được phần nào cơ sở hạ tầng nhờ đầu tư Trung Quốc, nhưng bị bội tín cũng không ít. Ở Nepal, Trung Quốc không hoàn thành bất kỳ công trình nào trong Con đường tơ lụa mới như đã hứa. Malaysia hủy bỏ nhiều dự án vì giá thành bị thổi phồng, Pakistan và Lào nợ nần ngập đến cổ. Tuần báo nhấn mạnh, muốn đua tranh với Mỹ, lẽ ra Bắc Kinh nên tử tế hơn với các nước láng giềng của mình./.