Trung quốc mở rộng lệnh cấm xuất cảnh

- Quảng Cáo -

Timothy Trinh

Kể từ khi họ Tập lên nắm quyền vào năm 2012, Trung Quốc đã mở rộng phạm vi pháp lý đối với các lệnh cấm xuất cảnh và ngày càng sử dụng chúng, đôi khi nằm ngoài sự biện minh của pháp luật, đối với bất kỳ ai đang bị điều tra hoặc bị coi như là nguy cơ tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia nếu để cho rời khỏi đất nước.

Theo một báo cáo của Safeguard Defenders, một tổ chức phi chính phủ về nhân quyền, việc mở rộng nhanh chóng các lệnh cấm xuất cảnh ở Trung Quốc là một xu hướng đáng lo ngại và chạm đến nhiều vấn đề nhân quyền nghiêm trọng khác bao gồm đàn áp xuyên quốc gia, đàn áp chính trị và trừng phạt tập thể.

Chỉ trong năm 2022, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã bổ sung ít nhất 3 luật mới cho phép cấm xuất cảnh, gồm có Luật chống tội phạm có tổ chức (2022), Luật chống gian lận qua mạng và viễn thông (2022) và Luật Hợp đồng Tương lai và Phái sinh (2022).

- Quảng Cáo -

Gần đây, Trung Quốc thông qua những sửa đổi mới đối với Luật Chống gián điệp, cho phép cấm xuất cảnh đối với bất kỳ ai đang bị điều tra nếu được coi là nguy cơ tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia sau khi rời khỏi đất nước.

Một nghiên cứu về khung pháp lý cấm xuất cảnh của Trung Quốc năm 2018 đã tìm thấy 178 luật, quy định, quy định hành chính (trung ương và địa phương), giải thích pháp luật và các quy tắc nội bộ đề cập đến lệnh cấm xuất cảnh.

Dưới thời Tập Cận Bình, việc sử dụng lệnh cấm xuất cảnh ở Trung Quốc đã tăng lên rõ rệt. Số lần đề cập lệnh cấm xuất cảnh tăng gần gấp tám lần trong cơ sở dữ liệu chính thức của Tòa án Nhân dân Tối cao từ năm 2016 đến năm 2020. Ngoài ra, một số bằng chứng cho thấy đặc biệt là những người liên quan đến Cuộc đàn áp 709, chỉ ra rằng nhiều nhà hoạt động và gia đình của họ là mục tiêu bị cấm xuất cảnh.

Một trong những luật mới được bổ sung, Luật Giám sát (监察法) 2018 có thể đã đóng một vai trò quan trọng trong việc leo thang sử dụng các lệnh cấm xuất cảnh ở Trung Quốc trong những năm gần đây. Bộ luật này, cùng với các Quy định Thực hiện (2021), ủy quyền cho Ủy ban Giám sát Quốc gia (NSC) và các Ủy ban Giám sát Địa phương (SC) sử dụng lệnh cấm xuất cảnh đối với các nghi phạm và bất cứ ai liên quan đến các cuộc điều tra đang diễn ra.

Chưa hết, vì là cơ quan phi tư pháp, các lệnh cấm xuất cảnh được ủy quyền bởi NSC hoặc SC không phải là một phần của thủ tục tố tụng tư pháp, vì vậy số hồ sơ của họ không được ghi lại trên cơ sở dữ liệu của tòa án.

Lệnh cấm xuất cảnh, dựa trên cơ sở an ninh quốc gia, có thể được thi hành tại biên giới, hoặc tại nhà thông qua việc tịch thu hộ chiếu, hoặc đơn giản bằng cách từ chối đơn xin hộ chiếu hoặc gia hạn.

Có nhiều người đã không biết về lệnh cấm xuất cảnh của họ cho đến khi họ ra đến sân bay. Vào ngày 2 tháng 6 năm 2021, luật sư nhân quyền Trung Quốc Tang Jitian (唐吉田) đã đến sân bay quốc tế Fuzhou Changle ở tỉnh Phúc Kiến để bắt chuyến bay đến Nhật Bản để thăm con gái mình bị bệnh nặng trong tình trạng hôn mê. Khi ông Tang đưa hộ chiếu của mình, một quan chức cửa khẩu sân bay nói với ông ta rằng cảnh sát Bắc Kinh đã cấm anh ta rời khỏi đất nước vì lý do “an ninh quốc gia”. Vài tháng sau, ông đã bị an ninh bắt đi mất tích. Ông ta được thả vào tháng 1 năm 2023, và vẫn đang bị cấm xuất cảnh.

Trung Quốc sử dụng lệnh cấm xuất cảnh vào các mục tiêu đàn áp, bịt miệng các nhà hoạt động và kiểm soát các nhóm sắc tộc và tôn giáo. Lu Yuyu, nhà hoạt động bị bỏ tù từ năm 2016 đến 2020 vì viết blog về các cuộc biểu tình hàng ngày ở Trung Quốc, đã bị an ninh tỉnh Quý Châu cấm xuất cảnh vào năm 2021. Trong cùng năm, Zhang Yiqiong, vợ của một nhà hoạt động của tỉnh Hồ Bắc cũng bị cấm xuất cảnh. Yang Renmu, người ký tên thỉnh nguyện trực tuyến kêu gọi tự do ngôn luận, đã bị an ninh tỉnh Hồ Nam cấm xuất cảnh vào năm 2020. Và còn nữa, một danh sách dài hơn khuôn khổ giới hạn của facebook.

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã cấm xuất cảnh những người thân (đang ở trong nước) để buộc người ở ngoài nước trở về Trung Quốc đối mặt với cuộc điều tra. Vào năm 2018, hai anh em Victor và Cynthia Liu đã bị cấm rời khỏi Trung Quốc trong ba năm. Bắc Kinh đã bắt họ làm con tin một cách hiệu quả để gây áp lực với cha của họ, Liu Changming (刘昌明), bị cáo buộc tội kinh tế, phải trở về Trung Quốc từ Hoa Kỳ.

Cũng dưới thời Tập Cận Bình, lần đầu tiên Trung Quốc bắt đầu đe dọa các nhà báo nước ngoài bằng lệnh cấm xuất cảnh, với ít nhất 4 trường hợp kể từ năm 2018. Và, một số trường hợp cấm xuất cảnh cũng được Bắc Kinh sử dụng như một công cụ ngoại giao con tin.

Mặc dù Trung Quốc không công bố dữ liệu đầy đủ về các lệnh cấm xuất cảnh, nhưng các nhóm nhân quyền ước tính rằng ít nhất 14 triệu người bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm xuất cảnh ở Trung Quốc vào năm 2015.

Con số đó thật đáng kinh ngạc.

Người Đà Lạt Xưa

- Quảng Cáo -