Tương tự như ba cán bộ công an c.h.ết cháy bí ẩn trong vụ Đồng Tâm, bốn công an bị b.ắn c.h.ết lúc nửa đêm ở Đắk Lắk cũng được khen thưởng dồn dập, công nhận liệt sĩ, tổ quốc ghi công, thăng cấp, truy tặng huân chương.
Cái c.h.ết nào cũng đáng thương, đáng tiếc. Khen thưởng không chỉ để vinh danh người c.h.ết mà còn để động viên người sống. Nhưng tôn vinh quá hớp những cái c.h.ết bí hiểm, làm dân đen thắc mắc. Huống hồ chi những cái c.h.ết này ít nhiều liên quan đến việc đàn áp người dân bị cướp đất. Phải chăng có một loại huân chương đàn áp nhân dân?
Dân đen thường nói “Hà Nội không vội được đâu”. Cái đó chỉ đúng với chuyện quốc kế dân sinh như thiếu điện, thiếu thuốc, dụng cụ y tế, vaccine phòng dịch, phải chờ các ngành các cấp họp hành đề nghị, chính phủ tháo gỡ cơ chế hoặc chờ trời mưa. Với chuyện quyền lợi vật chất tinh thần cho lực lượng “thanh kiếm và lá chắn”, mọi thứ đều rốp rốp, nhanh như tên lửa.
Trong vụ đại án Đồng Tâm trước đây, với chiến công giết chết đảng viên lão thành 60 tuổi đảng Lê Đình Kình, về cái tội bênh vực người dân giữ đất, ba cán bộ công an té giếng chết thiêu đã được tốc hành phong liệt sĩ, gắn huy chương, tổ chức lễ tang đình đám trong vòng vài ba ngày.
Buồn cười hơn, nhà nước còn phát động phong trào học theo tấm gương của ba cán bộ công an té giếng. Học được gì từ ba cái chết này? Nghiệp vụ, kỹ năng tác chiến quá yếu. Kỷ năng mưu sinh thoát hiểm cũng tồi. Kỹ năng phối hợp càng tệ khi chết chùm trong cái giếng nông. Lòng dũng cảm khi rình mò trên mái nhà để ám sát ông già 86 tuổi bị gãy chân ư? Có chăng điều đáng học là lòng trung thành với cấp trên, hiên ngang bắn vào người dân vô tội.
Mới đây, vụ bốn cán bộ công an Đắk Lắk bị bắn chết cũng được khen thưởng nhanh với tốc độ vũ trụ. Ngay chiều 11/6, ngày xảy ra vụ việc, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an, đã ký Quyết định truy thăng cấp bậc hàm đối với 4 cán bộ, chiến sĩ công an xã, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Đồng thời, Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ nghĩa tình đồng đội Công an nhân dân cũng đã ký Quyết định hỗ trợ 100 triệu đồng/gia đình đối với gia đình 4 đồng chí hy sinh; hỗ trợ 50 triệu đồng/đồng chí đối với 2 đồng chí cán bộ Công an bị thương (1)
Ngày 12.6, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký quyết định cấp bằng “Tổ quốc ghi công” đối với 6 liệt sĩ hy sinh (2).
Không chịu thua kém cấp dưới, nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng xét “những hy sinh thầm lặng vì bình yên của nhân dân ở huyện Cư Kuin” (Đắk Lắk) của các liệt sĩ công an, đã ký quyết định truy tặng, trao Huân chương bảo vệ Tổ quốc cho bốn liệt sĩ công an này (3).
Các liệt sĩ anh hùng này đã hy sinh trong tình huống nào, chống lại giặc thù nào đang xâm lấn tổ quốc? Ít ra cũng phải như Lê Văn Tám lấy thân làm đuốc sống hay Phan Đình Giót lấy thân làm giá súng… Thành tích để khen thưởng phải rõ ràng để thuyết phục, giáo dục nhân dân. Điều quái lạ là những chi tiết quan trọng ấy hoàn toàn mờ mịt.
Báo chí nhà nước đưa lên rồi rút xuống, sau đó đồng loạt thông tin rầm rộ về sự truy bắt, lời khai nhận tội của nghi can. Tin tràn ngập mặt báo liên tục ngày này qua ngày khác, nhưng càng đọc lại càng tức. Giữa cả rừng chữ nghĩa đó, có rất ít thông tin. Diễn tiến, nguyên nhân sự kiện vụ nổ súng làm chết 9 người ở Đắk Lắk rất khó hiểu. Đã hơn nửa tháng qua, từ điển mở Wikipedia góp nhặt thông tin lại sự kiện này chỉ ngắn ngủi, bí hiểm đến tức tưởi, như sau:
“Vào khoảng 1 giờ sáng ngày 11 tháng 6 năm 2023, một nhóm người không xác định danh tính có mang theo vũ trang đã tấn công trụ sở Ủy ban nhân dân hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur thuộc huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk khiến 9 người tử vong, trong đó có 4 công an, 1 Chủ tịch ủy ban nhân dân xã và 1 Bí thư Đảng ủy xã, 2 cán bộ công an bị thương, đồng thời đốt phá nhiều tài liệu, giấy tờ và tài sản. Tính đến ngày 23 tháng 6 năm 2023, đã có 84 người bị khởi tố vì các tội danh khác nhau, trong đó có 75 người đã bị bắt giữ vì có liên quan trực tiếp đến các vụ tấn công. Theo quan điểm của chính quyền Việt Nam, đây là một vụ tấn công khủng bố” (4).
Điều khó hiểu là, trong điều kiện bình thường, chính quyền từ trung ương tới địa phương đều làm việc trong giờ hành chính. Nhất là chính quyền cấp xã, chưa hết giờ đã đi nhậu hoặc cắp cặp về nhà. Mắc mớ gì cả chủ tịch, bí thư phải ở lại trụ sở xã đến quá nửa đêm để bị bắn chết?
Công an xã có trụ sở riêng, việc gì nửa đêm phải túm tụm ở trụ sở UBND xã để bị bắn chết, bị thương?
Phải chăng hai xã này đã có thông tin tình báo biết được có âm mưu bạo loạn, cướp chính quyền, xâm phạm đất đai bờ cõi của tổ quốc nên đã họp hành thâu đêm để bàn chiến lược đối phó?
E rằng không phải vậy! Chắc hẳn nếu biết có âm mưu của “thế lực thù địch” xã phải báo lên tới huyện, tới trung ương, chớ chẳng dại mà liều mình đối phó, vừa nguy hiểm cho bản thân trước kẻ địch, vừa đắc tội với trên.
Hung thủ gây án là ai mà có gan trời dám động đến “CAND anh hùng”? Ngay “bạn vàng” binh hùng tướng mạnh, từ sau năm 1988, cũng chỉ dám bắn giết ngư dân Việt. Với cảnh sát biển, bạn chỉ dám đấu vòi rồng, chưa hề đấu súng.
Qua hình ảnh, họ tên các nghi can được báo chí công bố, cho thấy, họ là người dân tộc bản địa, người dân địa phương, chứ không ai xa lạ.
Tại sao nhóm nghi can biết sự tụ họp của quan chức, công an địa phương lúc nửa đêm, mà ra tay hành sự?
Phải chăng đã có sự tranh chấp giữa chính quyền và người dân địa phương âm ỉ chồng chất nhiều ngày, sự dồn nén đến đỉnh điểm mà đôi bên đều không thể kiềm chế? Tranh chấp ấy là gì nếu không phải là đất đai?
Theo thông tin báo chí, hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur liên quan trực tiếp tới hai dự án xây dựng lớn trong thời gian vừa qua: Dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn đường tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột, với chiều dài hơn 39km, có tổng kinh phí hơn 1.500 tỷ đồng. Dự án này đi qua các thửa đất nông nghiệp do một số công ty cà phê đang quản lý. Các công ty cà phê này lại đang khoán đất cho các hộ nông dân canh tác.
Dự án Khu đô thị mới Trung Hòa, đã được quy hoạch, nằm gọn trong hai xã này. Để xây dựng khu đô thị mới, chính quyền dự kiến sẽ thu hồi đất nông nghiệp từ các công ty cà phê dọc quốc lộ 27.
Từ khi có quy hoạch khu đô thị này, tình trạng sốt đất gia tăng, nhiều hộ dân đang canh tác trên các phần đất nông nghiệp này đã sang tay một số thửa đất cho những người đầu tư, đầu cơ. Hiện có đến 500 trường hợp được cho là lấn chiếm, mua bán, sử dụng đất, xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp do các công ty cà phê quản lý, trong đó có nhiều hộ nằm gọn trong khu vực quy hoạch khu đô thị mới.
Liên quan tới hai dự án nói trên, trong thời gian gần đây, hoạt động giải phóng mặt bằng và cưỡng chế thu hồi đất diễn ra liên tục (5).
Đất đai ở Tây Nguyên hàng ngàn năm nay là của người dân tộc. Từ sau 1975, các chủ trương xây dựng nông trường, khu kinh tế mới di dân từ các tỉnh phía bắc vào Tây Nguyên, thực chất là cướp đất của người dân tộc. Những chính sách mang tên đẹp đẽ “định canh định cư đồng bào dân tộc” thực chất là cướp đi đại ngàn, buôn làng lâu đời của họ rồi xà xẻo cho mỗi hộ vài sào đất khoán. Họ bị vô sản hóa, phải là công nhân, nhận đất khoán (thuê) của các nông trường, công ty cao su. Giờ này lại quy hoạch, đẩy họ ra khỏi phần đất cuối cùng, tức đưa họ vào tuyệt địa.
Thuật ngữ “chính sách đền bù giải tỏa” của nhà nước thì qua Thủ Thiêm, Văn Giang, những khu đô thị mọc lên từ máu của người nông dân mất đất, đủ biết nó tàn tệ đến mức nào.
Riêng ở Đắk Lắk, tham nhũng, o ép người dân còn khủng khiếp hơn. Báo chí nhà nước từng đăng những thông tin thối động như: Ông Đinh Xuân Tửu (sinh năm 1946, thôn 7, xã Ea Rốk, huyện Ea Súp) tố cáo nhiều sai phạm nghiêm trọng của UBND huyện Ea Súp, liên quan đến việc đền bù, giải phóng mặt bằng của gia đình ông và hơn 70 hộ dân trên địa bàn xã.
Năm 2001 tỉnh Đắk Lắk quyết định thu hồi 25ha đất, thực hiện dự án là UBND huyện Ea Súp, đã tự ý thu thêm 7ha nằm xung quanh, nâng tổng diện tích thu hồi lên 32ha, phân trên 300 lô đất để bán nền.
Việc đền bù cho 75 hộ dân cũng có dấu hiệu tham nhũng. Theo quyết định đền bù, ông Tửu được bồi thường với giá rẻ mạt: 7.405 m2 x 180 đ/m2 = 1.332.900đ, nhưng thực tế chỉ nhận 5.860m2 x 150đ/m2 = 879.000đ. Số tiền chênh lệch đền bù so với quyết định của UBND tỉnh Đắk Lắk là 453.900đ. Số đất còn thiếu chưa đền bù là 1.545m2. Gia đình ông bị thu hồi hơn 4ha nhưng lại không được bố trí tái định cư. Sự việc này kéo dài từ năm 2001 đến nay (6).
Cũng trong tháng 3 năm nay, bà Nguyễn Thị T., cho biết, gia đình nhận được thông báo của Trung tâm Phát triển quỹ đất về việc được hỗ trợ 1.900 đồng tại dự án đường Hùng Vương, TP Buôn Ma Thuột.
Khi nhận được thông tin trên, gia đình bà rất bất ngờ bởi, số tiền quá ít, chưa đủ tiền đổ xăng để lên trung tâm nhận tiền. Bà T. cho biết thêm, cùng 1 dãy đường nhưng gia đình nhà bà lại được hỗ trợ chưa tới 2 ngàn đồng, còn những hộ khác thì được trên 10 triệu đồng. “Thà họ không hỗ trợ còn hơn, chứ hỗ trợ thì phải công bằng như nhau“, bà T. chia sẻ (7).
***
Ông tổ của lý thuyết cộng sản đã đưa ra quy luật, “có áp bức thì có đấu tranh”. Mao Trạch Đông dạy còn hay hơn nữa “Người nông dân đứng dậy đấu tranh chỉ mất xiềng gông, chứ không mất gì khác”. Những người nông dân Tây Nguyên đã bị đẩy đến mức tận cùng, phải đứng dậy liều lĩnh, bảo vệ đất đai, con đường sống của mình, như Đoàn Văn Vươn ở Cống Rộc, Hải Phòng, từng đấu súng với Đỗ Hữu Ca, hay như Đặng Văn Hiến ở Đắk Nông, phải tử chiến với đại gia tư sản đỏ thân hữu với chính quyền, chiếm đất.
Không có “thế lực thù địch”, không có khủng bố, bạo loạn nào ở đây, mà chỉ có những người dân cùng đường, tuyệt vọng, tìm cái sống cho gia đình bằng cái chết của bản thân.
Hơn thế nửa, sự phản kháng ở Đắk Lắk còn là tiếng súng bắn vào chính sách đồng hóa, tiêu diệt văn hóa, cộng đồng người dân tộc bản địa Tây Nguyên.
Nếu thực tâm vì quốc gia, dân tộc, thì đảng cầm quyền và nhà nước phải sửa sai, từ căn bản là xóa bỏ chế độ công hữu đất đai, xóa bỏ đặc quyền man rợ “thu hồi đất”, dù là nhân danh lợi ích quốc gia, cộng đồng. Phải trả đất, trả rừng cho đồng bào dân tộc Tây Nguyên, tôn trọng quyền sống và tập tục, văn hóa bản địa.
Những danh hiệu liệt sĩ, những huân chương cho cán bộ công an ở Đồng Tâm, Đắk Lắk, không thể che lấp tội ác mà chính là bằng chứng của nhà nước chống lại nhân dân.
Những huân chương, khen thưởng ấy không đủ để mua chuộc lòng trung thành, mà chỉ nuôi dưỡng lực lượng kiêu binh, phản trắc. Binh biến của lực lượng Warner ở Nga mới đây là bài học điển hình.
Những “huân chương đàn áp nhân dân” ấy không thể tạo ra sự sợ hãi, tuân phục, mà chỉ chồng chất thêm lòng oán hận.
1-https://nhandan.vn/truy-thang-cap-bac-ham-doi-voi-4-can-bo-chien-si-cong…
2-https://thanhnien.vn/cap-bang-to-quoc-ghi-cong-cho-6-liet-si-hy-sinh-tai…
4-https://vi.wikipedia.org/wiki/V%E1%BB%A5_t%E1%BA%A5n_c%C3%B4ng_2_tr%E1%B…
5-https://www.datviet.com/boi-canh-vu-xa-sung-vao-don-cong-an-o-dak-lak/
7-https://danviet.vn/nguoi-duoc-den-bu-1900-dong-tai-du-an-duong-o-dak-lak…