Ông Nguyễn Phú Trọng không ngừng kêu gọi và đôn đốc thực hiện chính sách Đại đoàn kết dân tộc mọi lúc, mọi nơi. Thế nhưng câu chuyện lại tác động ngược, vì đâu?
Từ những năm giữa thập niên 1980 của thế kỉ trước đến nay, chính sách Hòa hợp hòa giải dân tộc và chính sách Đại đoàn kết dân tộc được nhắc tới nhiều nhất, thậm chí hao tiền tốn của cho quá trình thực thi chính sách này, nhưng hiệu quả thì hoàn toàn ngược lại. Vì sao có chuyện tréo ngoe như thế này?!
Sở dĩ chính sách này được nhắc tới nhiều bởi hai lý do: Chính sách mở cửa kinh tế bắt buộc đảng Cộng sản Việt Nam phải mở cửa các phương diện khác để hội nhập; Nguồn lực từ con người cho đến tư bản mà đảng Cộng sản có được khi hội nhập kinh tế với thế giới là con số 0 tròn trịa, họ bắt buộc phải huy động nguồn lực từ bên ngoài.
Ở lý do thứ nhất, khi hội nhập kinh tế, mà đảng Cộng sản gọi là mở cửa kinh tế, cách nói nghe rất sang trọng này nhằm che một gương mặt thật với thiếu thốn, đói kém và có nguy cơ rệu rã đằng sau nó. Một khi mở cửa kinh tế, kêu gọi đầu tư nước ngoài và huy động các nguồn vốn từ viện trợ cho đến vay không trả lãi, vay không hoàn vốn… từ các tổ chức kinh tế thế giới, đảng Cộng sản không còn lựa chọn nào khác là đáp ứng các tiêu chí do các tổ chức này đề ra.
Trong đó, các tiêu chí về công bằng, chống kì thị chủng tộc, chống độc tài độc đoán, chống ràng buộc tôn giáo, chống ràng buộc báo chí, chống ràng buộc tự do ngôn luận… là những tiêu chí hàng đầu. Và để có được các khoản vay, để có được sự hỗ trợ từ bên ngoài để cứu sống cơ thể đảng trong lúc Liên Xô đã tan rã, quảng trường Thiên An Môn đẫm máu, đảng Cộng sản không còn lựa chọn nào khác là phải thỏa hiệp và đáp ứng các yêu cầu trên. Đương nhiên, đây chỉ là biện pháp đối phó để tồn tại.
Ở vấn đề thứ hai, khi hội nhập quốc tế, đảng Cộng sản Việt Nam là con số 0 tròn trịa, vì lẽ, về mặt kinh tế, ngân khố quốc gia những năm 1980 gần như cạn kiệt, khả năng sản xuất công nghiệp không có, nông nghiệp lạc hậu và manh mún, thương nghiệp dựa hoàn toàn vào khối xã hội chủ nghĩa, trong đó khối SEV là chủ lực với mấy trái chuối, mấy trái dưa, một ít gạo, vài con lợn được nuôi từ các trang trại hợp tác xã. Với tiềm lực kinh tế như vậy, khi hội nhập và mở cửa, xem như “vườn không nhà trống”, chẳng có gì để đổi chác với bên ngoài, kim ngạch xuất – nhập khẩu xem như con số 0 to tướng.
Với tiềm lực như vậy, việc mở cửa kinh tế, “huy động” nguồn tư bản từ những người Việt hải ngoại để qua đó dự trữ dolla cho nhập khẩu và làm tăng tốc độ quay của đồng tiền là một giải pháp cấp thời, sống còn. Thả lỏng qui trình ký gởi và luân chuyển dolla từ nước ngoài vào Việt Nam, thiết lập hệ thống ngân hàng ngoại thương và mở rộng, bãi bỏ việc chính trị hóa đồng dolla từ nước ngoài gởi về cho người thân (trước năm 1986, người Việt hải ngoại muốn gởi tiền về cho người thân thì phải nhét trong các bánh xà bông, nhét trong áo quần rồi đóng hộp gởi về. Có người không biết mang đi bán, đến khi khui những cục xà bông còn lại mới té ngửa vì mình đã bán đi một mớ dolla để lấy về mấy đồng còm tiền Việt).
Chính sách Hòa hợp hòa giải dân tộc được nhắc đến nhiều trong thời gian này, bởi không có cách nào khiến cho “khúc ruột ngàn dặm” sẵn sàng mở hầu bao hơn chính sách này. Một mặt hứa hẹn các doanh nhân Việt ở hải ngoại về đầu tư sẽ được giúp đỡ, mặt khác, huy động, kêu gọi, xin xỏ… Nguồn tiền của người Việt hải ngoại đóng góp vào việc kiến thiết, tái thiết quốc giá và cứu sống cái cây lý tưởng Cộng sản sắp chết khô trong giai đoạn này là hết sức quan trọng.
Và đương nhiên, xét về bản chất, lời kêu gọi hay chính sách Hòa hợp hòa giải dân tộc được sinh ra trong bối cảnh như vậy thì chẳng thể là một chính sách có tính dân tộc, một chính sách vì dân tộc được. Đó chỉ là cách người ta khéo léo lợi dụng nhau và biến mọi thứ trở nên hợp lẽ trong câu chuyện mèo khóc chuột của lịch sử. Bởi nếu thực sự tốt, thực sự muốn xóa bỏ lằn ranh thù hận hoặc thực sự muốn thù hận không xảy ra thì đã không có một thập kỉ dài đẩy toàn bộ “bên thua cuộc” vào trại cải tạo, đẩy những người dân miền Nam lên vùng kinh tế mới, đẩy những đoàn người ra biển Đông để chạy trốn, tìm miền đất hứa với khổ nhục và chết chóc trên biển. Và khi thực hiện chính sách, nhiều doanh nhân Việt hải ngoại về đầu tư kinh tế tại Việt Nam để rồi nhận trái đắng cũng là một bài học và minh chứng cho chính sách giả cầy này.
Và, một chính sách mang cái tên rất mỹ miều nhưng lại xuất phát từ ý đồ thực dụng và động cơ lợi dụng đối phương thì chắc chắn nó sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực nếu không muốn nói nó càng gây thêm thù hận và cay cú khi đối phương nhận diện được bản chất.
Và câu chuyện sau nắm 1975 là một câu chuyện buồn của dân tộc và sai lầm của đảng Cộng sản, việc biến miền Nam thành một vùng chạy loạn, biến Tây Nguyên thành cái trại cải tạo thứ hai của đất nước. Một mặt cướp sạch nhà cửa của người chế độ cũ ở thành phố và đẩy họ lên vùng kinh tế mới, bất chấp chính sách này đụng chạm đến đời sống của các tộc người thiểu số Tây Nguyên đã nhanh chóng làm cho gương mặt Tây Nguyên biến dạng.
Và chính sách mượn tay kinh tế mới để khai thác Tây Nguyên, mở rộng cương vực của người Việt trên phần đất canh tác của các tộc người miền núi, tạo ra cơ hội cho các đoàn thực dân kiểu mới từ bắc vĩ tuyến 17 vào Tây Nguyên với thân phận chính trị và lý lịch đỏ chói, thao túng toàn bộ quyền lực và kinh tế nơi này, làm giàu trên mồ hôi của dân kinh tế mới và trên nước mắt của các tộc người miền núi… đã nhanh chóng đẩy miền núi vào tình trạng mâu thuẫn và nguy cơ xung đột có thể diễn ra bất kì giờ nào.
Bên cạnh đó, chính sách cấm cửa tôn giáo ở Tây Nguyên càng khoét sâu thêm sự mâu thuẫn và tính bất đồng trong quan hệ cán bộ người Việt với người Thượng. Chính sách đại đoàn kết dân tộc ra đời và khuếch trương mạnh mẽ như là một sự cố gắng vá những lỗ thủng lịch sử, vá những vết thương dân tộc học và ý thức hệ đã đến lúc sưng tấy, bục vỡ. Nhìn từ bên ngoài, đây là chính sách giúp cho người Thượng ở miền núi tiếp xúc với văn minh, tiếp cận với tri thức và thay đổi đời sống theo chiều hướng tốt đẹp hơn… Nhưng bản chất thật của nó là bảo vệ những hạt giống đỏ của đảng đang phát triển, đang mọc ngày càng nhiều và đang nở rộ trên vùng đất Tây Nguyên.
Và một chính sách không thành thật, một chính sách mượn đầu heo nấu cháo, một chính sách treo đầu dê bán thịt chó như vậy thì có thể ban đầu được người ta hưởng ứng bởi tiếng ồn của việc khua chiêng gióng trống đã che đậy được những âm mưu thì thầm lẫn khuất bên trong. Nhưng về lâu dài, chính đời sống và thực tiễn (nói theo cách của nhà lý luận Cộng sản), chính những hệ quả và hệ luỵ sẽ làm lộ ra bản chất của sự việc. Điều này một lần nữa lại xoáy sâu, và mở rộng vết thương dân tộc, trong đó, mối cừu thù giữa các tộc người bị lợi dụng, bị áp bức với những kẻ đến sau có quyền lực chính trị hậu thuẫn sẽ ngày càng lan rộng và khoét sâu.
Việc các tổ chức nước ngoài mượn “cớ” cổ xúy cho công bằng, văn minh, dân chủ, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do tư tưởng… để lôi kéo (nếu có) những đồng bào thiểu số và khiến họ trở thành con rối sát thủ bắn vào lực lượng công an ở Tây Nguyên chỉ cho thấy đó là hệ quả của một quá trình dài và điều đó chứng tỏ rằng các chính sách của người Cộng sản dành cho người Thượng có vấn đề trầm trọng. Bởi nếu thực tâm giúp đỡ cho đồng bào người Thượng được thoát nghèo, được thịnh vượng, được tiến bộ, được tự do và được bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể và tâm linh của họ thì có điên họ cũng chả nghe theo “bọn xúi giục nước ngoài”. Bởi với đời sống yên ổn, hạnh phúc thì còn mong mỏi gì hơn.
Chính những bữa cơm với lá gừng xào, với những con ve nướng, với những con cá suối bé tẹo mà phải lặn lội cả ngày mới bắt được của học sinh miền núi và những bữa ăn tiền trăm triệu, thừa mứa, rượu thịt ê hề ứ hự của cán bộ lãnh đạo miền núi cùng với xe cộ, biệt phủ xây dưới đồng bằng của họ đã chứng minh được gương mặt thật của chính sách đại đoàn kết dân tộc, chính sách ưu tiên cho người Thượng tốt đẹp cỡ nào rồi.
Nói cho cùng, mọi chính sách như Hòa hợp hào giải dân tộc hay Đại đoàn kết dân tộc, nhìn bên ngoài, có vẻ đây là chính sách tốt đẹp, nhân văn, nhưng bản chất nó là viên đạn bọc đường, mục đích của nó là phục vụ cho công cuộc vinh thân phì gia và hiện đại hóa của đảng Cộng sản, phục vụ cho việc thu về một mối để lợi dụng và cai trị tốt nhất cho đảng Cộng sản. Chính vì vậy mà người Thượng không nghe theo “tiếng gọi thiêng liêng của đảng” mà lại nghe theo lời xúi giục của “bọn phản động nước ngoài”. Thế mới là chuyện đáng nói!