Thủ tướng Úc Anthony Albanese khẳng định đã nêu với phía Việt Nam về những quan ngại về nhân quyền, trong đó có đề cập đến trường hợp của ông Châu Văn Khảm, trong chuyến thăm chính thức của ông đến Việt Nam vừa qua.
Hơn 70 lần Úc lên tiếng cho ông Khảm
Trang tin ABC của Úc hôm 5/6 có cuộc phỏng vấn với Thủ tướng Úc khi ông vừa về nước sau chuyến thăm Việt Nam. Liên quan đến trường hợp ông Châu Văn Khảm (74 tuổi), một công dân Úc gốc Việt, đang thụ án tù 12 năm với cáo buộc “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”, Thủ tướng Úc cho biết ông cũng đã có đề nghị riêng biệt.
Ông Khảm là thành viên của đảng Việt Tân từ năm 2010, một tổ chức bị Bộ Công an Việt Nam liệt vào danh sách tổ chức khủng bố.
Bác sỹ Đỗ Thanh Phong, người đại diện Việt Tân ở Úc nói với RFA rằng ông rất hoan nghênh và vui mừng khi đích thân Thủ tướng Úc lên tiếng kêu gọi trả tự do ông Châu Văn Khảm trong cuộc gặp chính thức giữa lãnh đạo cấp cao hai nước:
“Đây cũng là một điều đáng mừng bởi vì một vị nguyên thủ quốc gia đã đặt vấn đề kêu gọi phía Việt Nam phải trả tự do cho ông Khảm. Hi vọng rằng sau đợt này thì ông Khảm sẽ được trả tự do sớm. Bởi vì ông ấy cũng đã đi tù được bốn năm rồi và sức khỏe cũng đã yếu.”
Giáo sư Carl Thayer, một nhà nghiên cứu chính trị người Úc, trả lời RFA qua email cho biết chính phủ của ông Anthony Albanese, kể từ khi được bầu vào tháng 5/2022, đã nhiều lần kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông Khảm, theo nhiều hình thức khác nhau.
Có thể thống kê, trong nhiều năm liên tiếp, chính phủ Úc đã nêu vụ việc ông Châu Văn Khảm với chính quyền Việt Nam, hơn 70 lần.
Úc có đủ mạnh để “gây sức ép” với Việt Nam?
Cũng theo trang tin ABC, trước khi kết thúc chuyến thăm hai ngày tới thủ đô Hà Nội, Thủ tướng Anthony Albanese đã bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ trở thành đối tác “hàng đầu” của Úc.
Giáo sư Carl Thayer cho RFA biết thêm về kết quả chuyến thăm, hai bên (Úc-Việt Nam) đã ký kết được nhiều thoả thuận, bao gồm: Mở ra các cuộc Đối thoại Bộ trưởng Thương mại Úc-Việt Nam; Úc cam kết hỗ trợ 105 triệu USD cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch của Việt Nam; hai bên thỏa thuận về chia sẻ thông tin tình báo về rửa tiền và tài trợ khủng bố; đồng thời tăng cường hợp tác về kinh tế số, thương mại hóa khoa học và xây dựng chính sách đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, Thủ tướng Albanese cũng đồng ý xem xét thỏa thuận cấp thị thực định cư cho lao động co tay nghề sang Úc làm việc. Viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne đã công bố đầu tư 250 triệu USD vào các hoạt động tại Việt Nam, bao gồm cả việc mở rộng cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Với nhiều lợi ích đáng kể mà Việt Nam đã nhận được từ mối quan hệ với Úc, vì sao Việt Nam vẫn chưa thực hiện đòi hỏi nhiều lần của nước Úc là thả ông Châu Văn Khảm? Trả lời câu hỏi này, giáo sư Carl Thayer nói với RFA:
“Các chính phủ của Úc đã kiềm chế không coi nhân quyền là “tất cả và là mục tiêu cuối cùng” trong các mối quan hệ song phương. Ngoài ra, các chính phủ của Úc tránh “ngoại giao phát thanh”, một hình thức bị cho là phản tác dụng.”
Vị giáo sư này cho biết thêm, có những quan điểm lập luận rằng chính phủ Úc đã không thúc ép Việt Nam đủ mạnh để trả tự do cho ông Khảm. Điểm mấu chốt có thể nằm ở chính trị trong nước của Việt Nam. Ông Khảm bị kết án theo Điều 113 về tội “khủng bố”, đây là một hành vi phạm tội nghiêm trọng. Do đó, một số quan chức có thể còn chần chừ trong việc thả một tù nhân được cho là không ăn năn, đặc biệt là người đó chưa chấp hành một nửa bản án của mình.
Bác sỹ Đỗ Thanh Phong cũng cho rằng, các vấn đề về kinh tế, an ninh… rõ ràng được ưu tiên hơn so với nhân quyền trong mối quan hệ bang giao hai nước. Tuy nhiên, bác sĩ Phong nhận định:
“Tôi nghĩ rằng yếu tố nhân quyền có thể lên xuống khác biệt một chút đỉnh giữa chính phủ này và chính phủ kia, thời kỳ này thời kỳ kia, nhưng mà nó vẫn luôn là một yếu tố quan trọng đối với Úc.”
Dù vậy, ông Phong thừa nhận rằng, so với các trường hợp công dân Mỹ gốc Việt bị chính quyền Hà Nội bỏ tù trong các vụ án chính trị, như trường hợp của ông Michael Phương Minh Nguyễn; thì rõ ràng là áp lực Úc dành cho Việt Nam là chưa bằng Mỹ:
“Chính phủ Úc phải có trách nhiệm làm hết tất cả những gì có thể để đưa người công dân của mình ra khỏi tù càng sớm càng tốt. Phía bên Bộ Ngoại giao Úc cho biết là họ đã làm rất nhiều cách và đương nhiên họ sẽ tiếp tục làm nhiều hơn nữa.”
Kể từ khi ông Khảm bị bắt, đã có ba cuộc Đối thoại Nhân quyền Úc-Việt Nam, lần thứ 16, 17 và 18, lần lượt diễn ra vào các năm 2019, 2021 và lần gần nhất là vào tháng 4/2023. Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc đã đưa ra một tuyên bố sau mỗi cuộc đối thoại về các vấn đề được thảo luận. Tuyên bố này không đề cập về các trường hợp riêng lẻ, kể cả trường hợp của Khảm.”
Tuyên bố của Úc về Đối thoại Nhân quyền Việt – Úc hồi tháng 4/2023 chỉ ghi ngắn gọn rằng: “Đối thoại diễn ra thẳng thắn, cởi mở và đề cập đến nhiều chủ đề liên quan đến các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa ở cả hai nước. Những điều này bao gồm nhưng không giới hạn việc bảo vệ các quyền tự do, cải cách luật pháp và hợp tác về nhân quyền trong các thể chế đa phương.”