Thùy Dương (RFI)
Các nhà lãnh đạo khối G7 hôm 20/05/2023, ngày thứ hai của thượng đỉnh Hiroshima, nhấn mạnh quốc gia nào tìm cách sử dụng thương mại như một loại vũ khí sẽ tự chuốc lấy «hậu quả». Đây được xem như một tín hiệu mạnh mẽ gửi đến Bắc Kinh trước việc Trung Quốc bị Mỹ xem là có các hoạt động mang tính «trấn áp» về kinh tế.
Theo AFP, dù không nêu đích danh Trung Quốc, tuyên bố tại thượng đỉnh Hiroshima của khối 7 nước công nghiệp phát triển nhất về «khả năng phục hồi kinh tế và an ninh kinh tế» là một trong những thông điệp rõ ràng nhất từ trước tới nay của G7 nhắm đến việc Bắc Kinh dùng thương mại như một công cụ chính trị.
Trong thông cáo, các nhà lãnh đạo G7 khẳng định sẽ hợp tác với nhau để bảo đảm làm thất bại nỗ lực của các nước muốn quân sự hóa sự lệ thuộc kinh tế thông qua việc buộc các thành viên G7 và các đối tác của G7, gồm cả những nền kinh tế nhỏ, phải tuân theo họ. G7 còn nhấn mạnh sẽ buộc các nước đó gánh hậu quả. Lãnh đạo 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới cũng cam kết củng cố các dây chuyền cung ứng với các đối tác, đặc biệt trong lĩnh vực chíp, bình điện và khoáng chất.
Mỹ và các đối tác ngày càng lo ngại về vai trò vượt trội của Trung Quốc trong các chuỗi cung ứng, trong đó có cả lĩnh vực bán dẫn và các khoáng chất thiết yếu. Cách nay 10 năm, do mâu thuẫn về lãnh thổ, Trung Quốc từng hạn chế quota xuất khẩu đất hiếm để gây sức ép đối với Nhật Bản.
G7 chỉ trích Bắc Kinh thiếu minh bạch về vũ khí hạt nhân
Đây cũng là lần đầu tiên tại thượng đỉnh các lãnh đạo nhóm G7 ra tuyên bố về việc giải trừ vũ khí nguyên tử, hướng đến một thế giới không vũ khí hạt nhân. Tuyên bố của G7 cũng đặc biệt nhắm vào Bắc Kinh. Theo các nhà lãnh đạo, việc kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc phát triển quá nhanh và thiếu minh bạch là «mối lo ngại cho sự ổn định của thế giới và trong khu vực».