Theo báo người Đô Thị, trong giai đoạn 2021 – 2025, bốn dự án đường bộ cao tốc sẽ được triển khai đồng loạt tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), gồm: cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, Mỹ An – Cao Lãnh và An Hữu – Cao Lãnh. Nhu cầu cát đắp nền đường này ước khoảng hơn 35,6 triệu m3. Tuy nhiên, nguồn vật liệu này hiện nay đang thiếu.
Một trong những giải pháp để khắc phục cho tình trạng trên, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) nghiên cứu dùng cát biển thay thế cát sông.
Điều đáng nói là trong khi tiến độ đầu tư các dự án giao thông trọng điểm ở ĐBSCL đang được yêu cầu đẩy nhanh thì theo dự kiến đến cuối năm 2023 mới có kết quả nghiên cứu có thể dùng cát biển thay thế cát sông được hay không.
Chuyên gia cho rằng cần phải quan tâm nguồn cát biển được làm sạch bằng công nghệ như thế nào, bởi mẫu làm thử nghiệm đánh giá chất lượng chỉ một gói nhỏ, nếu công nghệ không tốt thì có thể lúc thử nghiệm mẫu nhỏ đạt hiệu quả, còn với khối lượng lớn không đạt được tiêu chuẩn thì sẽ gây ra hậu quả rất nặng nề…
Cát biển, cát nhiễm mặn khi sử dụng cho bê tông, vữa phải được chế biến, chủ yếu là rửa để khử muối trước khi đưa vào sử dụng để đảm bảo không gây hư hỏng, xuống cấp cho kết cấu bê tông sử dụng chúng khi trong cát còn lẫn lượng muối đáng kể, đặc biệt là gây vấn đề ăn mòn cốt thép trong bê tông.
Tình trạng khai thác hàng trăm triệu tấn cát, cộng với nạn “cát tặc“ đã và đang khiến hàng trăm km bờ biển, bờ sông ở ĐBSCL đã bị sạt lở, hàng chục nghìn hộ dân phải di dời./.