Bắc Kinh mở nhà hàng lẩu trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN

- Quảng Cáo -

Theo tin tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) cho hay, Trung Quốc đã mở một nhà hàng lẩu tên gọi Kuanzhai Xiangzi – có sức chứa 120 thực khách một lúc trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN do Trung quốc cưỡng chiếm vào năm 1974.

Việc này đánh dấu nỗ lực mềm mới nhất từ Bắc Kinh nhằm củng cố các yêu sách của mình trên tuyến đường thủy bận rộn, có tầm quan trọng chiến lược này, mà hầu hết trong số đó được Trung Quốc tuyên bố chủ quyền theo cái mà họ gọi là “đường chín đoạn” lịch sử.

Vào năm 2012 để khẳng định yêu sách của mình đối với vùng biển giàu tài nguyên này Trung Quốc thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa bao gồm: quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là quần đảo Tây Sa), quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là quần đảo Nam Sa), bãi Macclesfieldbãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là quần đảo Trung Sa) cùng vùng biển xung quanh.

Kể từ đó, Trung Quốc đã nâng cấp cơ sở vật chất cho dân số ngày càng tăng của Tam Sa, mà đến năm 2020 đã mở rộng lên khoảng 2.300 người – không kể quân nhân.

- Quảng Cáo -

Một sân bay dân sự-quân sự đã được xây dựng trên đảo vào năm 2014, và năm sau, Trường Vĩnh Hưng đã mở cửa để cung cấp trường mẫu giáo, trường tiểu học và giáo dục nghề nghiệp cho con em ngư dân và binh lính địa phương.

Một tòa án, rạp chiếu phim, ngân hàng, bệnh viện, bưu điện, sân vận động và quán cà phê đã được thành lập ở Tam Sa.

Sự gia tăng đều đặn diễn ra khi Bắc Kinh sử dụng cả cách tiếp cận cứng rắn và mềm mỏng để củng cố các yêu sách của mình ở Biển Đông, nơi nước này có tranh chấp lãnh thổ với hầu hết các nước láng giềng Đông Nam Á.

Điều này bao gồm các cuộc tuần tra thường xuyên trong vùng biển tranh chấp bằng các tàu hải giám hạng nặng và thường được trang bị vũ khí của Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng đã bồi đắp nhân tạo và quân sự hóa mạnh mẽ các bãi đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa.

Ngoài việc bố trí các cơ sở quân sự như hệ thống tên lửa và đường băng trên các rạn san hô, Trung Quốc gần đây còn mở các siêu thị để phục vụ cho các binh sĩ thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, vốn trước đó phải chờ tàu tiếp tế hàng tháng./.

Cù Tuấn lược dịch

- Quảng Cáo -