Sao lại sợ hãi nhà phê bình văn học Đặng Tiến?

- Quảng Cáo -

Chu Mộng Long

Thấy ông Nguyễn Xuân Diện nói, thành ủy TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo các báo thuộc diện quản lý của thành ủy phải gỡ bài đưa tin về nhà phê bình văn học Đặng Tiến, tôi thử truy cập thì thấy đúng thật.

Nhiều người chửi đó là sự ti tiện, đê hèn. Tôi chỉ thấy buồn. Buồn vô hạn khi một người rất trung dung, phi chính trị như nhà phê bình văn học Đặng Tiến vẫn bị kì thị, nếu không nói là phòng xa… vì sợ hãi.

Đặng Tiến, ngay từ khi phục vụ cho chế độ Việt Nam cộng hòa, ông vẫn tỉnh táo viết phê bình văn học bằng nhãn quan nghệ thuật, tức chỉ phê bình cái thẩm mỹ. Tuyệt đối không có câu chữ nào của ông mang chất chính trị, thậm chí bỏ qua các mâu thuẫn xã hội. Đến khi hai miền thống nhất, trong lúc lòng người chưa thống nhất, ông vẫn tìm cách dung hòa, tìm đến những tác phẩm hay của miền Bắc, khen luôn cả thi pháp Tố Hữu, tức nhân tố thẩm mỹ, dù thơ Tố Hữu là thơ chính trị đặc sệt.

- Quảng Cáo -

Quan điểm của tôi, phê bình hình thức hay cấu trúc đến mức phi chính trị, phi xã hội, không hẳn là điều hay. Nhưng cả cuộc đời của mình, nhà phê bình Đặng Tiến đã nỗ lực vượt qua ranh giới chính trị và quan hệ xã hội phức tạp để đi đến hòa giải xung đột trong lòng người là điều rất đáng trân trọng.

Với tư cách nhà phê bình nghệ thuật đúng nghĩa, ngay từ khi viết bản thảo đầu tiên, về Truyện Kiều, Đặng Tiến đã tuyên ngôn: “Nghệ thuật như là sự chiến thắng”. Như Dostoevsky nói: “Cái đẹp cứu thế giới”, tinh thần “chiến thắng” mà nhà phê bình Đặng Tiến tuyên ngôn chính là chiến thắng của cái đẹp. Cái đẹp thanh tẩy tội lỗi, hóa giải mọi mâu thuẫn, xung đột. Vậy thì có gì phải sợ hãi?

Nhìn đâu cũng thấy thù địch thì bất an lắm lắm!

Chu Mộng Long

- Quảng Cáo -