RFA
Hôm 7/4, hàng trăm người dân ở thôn Đông Hòa, xã Đông Á tuần hành đến trụ sở Ủy ban Nhân dân (UBND) huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình để phản đối nhà máy xử lý rác sắp xây dựng do lo ngại sẽ gây ô nhiễm nguồn nước.
Các video quay trực tiếp đăng tải trên mạng xã hội cho thấy, người dân mặc áo và phất cờ đỏ sao vàng trong trụ sở của ủy ban, đồng thời mang theo các biểu ngữ như: “Phản đối kế hoạch họp dân mời chỉ định của UBND huyện Đông Hưng vào ngày 17/4/2023”, hay “Người dân Đông Á phản đối xây dựng nhà máy rác thải tại địa phương”.
Một người dân địa phương không nêu danh tính vì lý do an toàn cho biết:
“Dự án nhà máy xử lý rác cách khu dân cư chỉ khoảng 500 mét, có những nhà chỉ cách 100-200 mét. Nó cũng được đặt ngay tại đầu nguồn nước, nếu nó nằm ở cuối nguồn thì cùng lắm chúng tôi chỉ bị ô nhiễm không khí, tiếng ồn chứ không phải là ô nhiễm nguồn nước.
Thực tế chúng tôi cũng nghe được cán bộ tuyên truyền là nhà máy xử lý rác rất sạch sẽ, giống như khách sạn 5 sao. Tuy nhiên quan điểm của tôi là phương tây khác, người dân đã có đủ ý thức như các nước tư bản chưa?
Người dân mình thường gom tất cả rác thải cho vào một bao hỗn hợp, khi xử lý rác sẽ phát sinh ra ô nhiễm rất nhiều không giống như hệ thống phân loại và xử lý rác ở các nước tiên tiến. Nếu làm được như của họ thì nhà máy đặt đâu cũng được.”
Căn cứ Phụ lục 01 Thông tư liên tịch số 01 năm 2001 của Bộ Khoa học Công nghệ Môi Trường – Bộ Xây dựng về khoảng cách thích hợp khi lựa chọn bãi chôn lấp, đối với khu dân cư là khu đô thị ở các thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ…, khoảng cách tối thiểu của bãi chôn lấp chất thải rắn nhỏ và vừa là từ 3 km đến 5 km.
Theo người dân, trước khi phê duyệt kế hoạch xây nhà máy chính quyền hoàn toàn không hỏi ý kiến gì của những hộ dân bị ảnh hưởng, khi dân bắt đầu phản đối thì mới bắt đầu tổ chức đối thoại nhưng cũng là ở “huyện chỉ xuống xã, xã chỉ lên huyện.”
“Nếu mà có những buổi đối thoại, giải thích cho người dân hiểu thì dân đã không phản đối. Đảng bộ cũng không họp, dân cũng không biết gì cả.
Dân không được họp hành gì, khi có văn bản xây dựng nhà máy rác về thì dân mới biết. Đáng lý ra, cấp tỉnh, huyện, xã phải họp đội ngũ Đảng bộ trước rồi mới đến nhân dân… đằng này dân làng nói Đảng bộ có họp nhưng không có ý kiến gì”– người dân địa phương chia sẻ.
Hiện giờ ở địa phương rác thải sinh hoạt ở khu vực nào sẽ xử lý khu vực đấy. Người dân chỉ mang ra khu tập trung rồi hất xuống đấy, cái gì đốt được thì đốt chứ chưa có nhà máy xử lý rác hiện đại.
Phóng viên gọi điện thoại cho ông Nguyễn Minh Báu – Chánh văn phòng UBND huyện Đông Hưng để hỏi về việc phản đối của người dân và tìm hiểu về dự án, tuy nhiên ông này yêu cầu phóng viên lên làm việc trực tiếp chứ không tiếp qua điện thoại.
Theo một bài báo trên Đài phát thanh và truyền hình tỉnh Thái Bình vào năm 2021, dự án Nhà máy xử lý xử lý rác thải và phát điện tại xã Đông Á được đầu tư xây dựng theo hình thức xã hội hóa, trên khu đất rộng sáu héc-ta.
Nhà máy có thể xử lý trên 182 nghìn tấn rác/năm, sản lượng điện thương phẩm khoảng 80.000 MWh/năm với tổng vốn đầu tư là khoảng 1.400 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án là 25 năm kể từ ngày được phê duyệt chủ trương đầu tư./.