Lê Thiệt (SGN)
Theo số liệu từ Bộ Công an, trong quá trình điều tra vụ án “chuyến bay giải cứu”, cơ quan điều tra đã tạm giữ 146 lượng vàng 9999, 670.000 USD, và 1 tỷ đồng…
Nếu quy tất cả ra USD, giá trị tiền và vàng thu giữ hơn 1 triệu USD!
Theo số liệu thống kê, có khoảng hơn 100 doanh nghiệp được cấp phép thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước, nhưng thực tế chỉ có khoảng 20 nhóm doanh nghiệp thực sự là đơn vị triển khai các chuyến bay sau khi được duyệt.
Thế còn hơn 80 doanh nghiệp kia làm gì?
Cơ quan điều tra nói họ chỉ “mượn đầu heo nấu cháo” thôi. Nghĩa là họ nhờ mối quan hệ, xin cấp phép chuyến bay, sau đó bán quyền tổ chức các chuyến bay này cho doanh nghiệp khác thực hiện. Đôi khi, họ tạo thêm một, hai tầng lớp trung gian nữa mới đến nhóm 20 doanh nghiệp thực sự làm việc.
Giá vé ngay từ tần đầu tiên đã cao rồi, càng qua nhiều trung gian, giá vé càng cao, lên tới 4.000 – 6.000 USD/vé. Có người phải mua với giá 10.000 USD!
Trong những nhân vật “tai to mặt lớn” hiện đang bị tạm giữ, gia đình ông Nguyễn Quang Linh, nguyên Trợ lý Phó thủ tướng Thường trực đã nộp lại hơn 4,4 tỷ đồng (khoảng 188.000 USD) vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan điều tra;
Ông Tô Anh Dũng, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đã nộp 2 tỷ đồng (khoảng 85.000 USD) tiền hưởng lợi bất chính; ông Vũ Hồng Nam cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đã nộp lại 60 ngàn USD và 450 triệu đồng tiền đã nhận hối lộ (khoảng gần 80.000 USD);
Bị can Phạm Trung Kiên, nguyên thư ký, giúp việc cho ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế đã liên hệ, trả lại hơn 12 tỷ đồng (khoảng 511.000 USD) cho đại diện các doanh nghiệp, cá nhân liên quan.
Gia đình bị can Chử Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã nộp lại 50.000 USD và 600 triệu đồng tiền hưởng lợi bất chính (khoảng 625.000 USD).
Tính chung bốn bị can này chỉ mới nộp lại có gần 1,4 triệu USD thôi. Trong khi đó, theo số liệu từ cơ quan điều tra, các bị can là cựu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã nhận tổng số tiền lên tới hơn 180 tỉ đồng, tức hơn 7,6 triệu USD.
Đặc biệt, có những bị can nhận hối lộ rất nhiều lần, trong đó số lần nhận hối lộ của Phạm Trung Kiên (thư ký của thứ trưởng Y tế) lên đến 251 lần, với tổng số tiền là 42,6 tỷ đồng (hơn 1,8 triệu USD)
Sau hơn một năm điều tra vụ án, ngày 3 Tháng Tư, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã đề nghị truy tố tổng cộng 54 người về 5 tội: Đưa hối lộ, Môi giới hối lộ, Nhận hối lộ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo báo VNExpress, từ Tháng Tư năm 2020 đến Tháng Giêng năm 2022, 772 “chuyến bay giải cứu” đã được tổ chức, trong đó có 400 chuyến bay giải cứu, 372 chuyến bay combo. Trang Pháp Luật thì cho rằng từ cuối năm 2020 và cả năm 2021, đã có gần 2.000 “chuyến bay giải cứu” đưa hơn 200.000 người dân từ 60 quốc gia về nước.
Với giá vé “cắt cổ” từ 4.000 đến 6.000 USD, tổng số tiền thu được đến đến gần 1 tỷ USD. So với giá vé bình thường, và chi phí khách sạn cách ly, tiền chênh lệch mỗi tấm vé về nước lên đến ít nhất 2.000 USD/vé. Như vậy, tổng số tiền bị bọn tổ chức các “chuyến bay giải cứu” trục lợi có thể lên đến hơn 500 triệu USD!
Thế nên trong khi báo chí chính thống tỏ vẻ “ngỡ ngàng” trước số tiền thu được, hay số tiền nhận hối lộ, thì trên mạng xã hội, nhiều người đặt nghi vấn về những con số do Bộ Công an đưa ra.
Có người cho rằng cơ quan điều tra thu lại được lượng tiền và vàng hơn 1 triệu USD là quá ít. Điều này khiến dư luận đặt ra hai giả thiết: Một là các bị can đã nhanh chóng tẩu tán tài sản của chúng ra nước ngoài, với phương châm “hy sinh đời bố (mẹ), củng cố đời con” nên chỉ thu được từng đó thôi. Hai là công an có thu được gấp nhiều lần hơn, nhưng “bước đầu” chỉ đưa ra con số tượng trưng mà thôi.
Còn bao giờ đưa ra con số chính thức thì không ai biết./.