“Dám nghĩ, dám làm” thất bại từ chuyện họp chợ

- Quảng Cáo -

Mạc Van Trang

Nhân bà Bộ trưởng Nội vụ đề xuất phong trào cán bộ “dám nghĩ, dám làm, được miễn kỷ luật” (1), như một “sáng kiến đột phá”, tôi xin kể mấy chuyện “dám nghĩ, dám làm” quanh chuyện họp chợ, từ ngày xưa để bà Bộ trưởng học lại lịch sử Cách mạng. (Chuyện “ba dám” của thanh niên Hợp tác xã nông nghiệp thất bại ra sao tôi đã kể rồi) (2).

Thời bao cấp, ở Hà Nội dân gian truyền nhau mấy câu tổng kết “xã hội học” rất hay:

Tông Đản là chợ vua quan

- Quảng Cáo -

Vân Hồ là chợ trung gian nịnh thần

Đồng Xuân là chợ thương nhân

Vỉa hè là chợ nhân dân anh hùng…

Chuyện chợ dành cho các đối tượng khác nhau mà phân chia ra bốn giai tầng xã hội rất chuẩn xác, rất “xã hội học”.

Có điều để chợ Vỉa hè của “nhân dân anh hùng” tự phát khắp nơi, bệ rạc, nhếch nhác, cản trở giao thông, mất mỹ quan xã hội chủ nghĩa quá. Thành uỷ chỉ đạo toàn hệ thống chính trị đồng loạt ra quân dẹp hết chợ tự phát đi. Công an, cán bộ quản lý thị trường, thanh niên xung kích cứ đi dẹp “chợ Vỉa hè”, đuổi chỗ này, chợ lại họp ở chỗ kia. Khắp nơi có “chợ Cóc”, “chợ Đuổi”, “chợ Tạm”, “chợ Vỉa hè”, “chợ Chồm hổm”… Đuổi mãi, dẹp mãi, nay dẹp, mai lại họp, như “bắt cóc bỏ đĩa”!

Cuối cùng, chính quyền đành chấp nhận cho tồn tại một số tụ điểm buôn bán gọi là “Chợ Tạm”, “Chợ Dân sinh”.

Như vậy rõ ràng “dám nghĩ, dám làm” duy ý chí dẹp mãi không được cái chợ “tự phát”; cái “tự phát” nhưng hợp quy luật, nên cuối cùng nó tồn tại bền vững … Cái “chợ” Tông Đản, Vân Hồ hết bao cấp cũng chết ngoẻo, trong khi chợ Đồng Xuân và các chợ Dân sinh thì cứ sống nguây nguẩy.

Cũng nên nói thêm rằng, chính quyền nhiều nơi, đã đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng những cái chợ XHCN thật hoành tráng, nhưng nhiều cái chẳng ma nào vào họp chợ, trở thành chỗ nuôi bò, nuôi dê… Chỉ vì các cái chợ đó ra đời từ mấy ông ngồi ở bàn giấy “dám nghĩ, dám làm”, quyết định, bất chấp quy luật: Nơi đó không phải là tụ điểm, đầu mối giao thương và không tiện lợi cho người dân vào mua bán.

Về chuyện “quy luật” của cái chợ, tôi còn nhớ một chuyện buồn cười. Vào khoảng năm 1961 – 62, huyện uỷ Nam Sách ra Chỉ thị “cách mạng” họp chợ: Chợ Huyện họp 5 ngày một phiên, vào ngày 3, ngày 8 âm lịch, từ thời đế quốc, phong kiến, nay bất hợp lý, cần chuyển sang họp vào ngày Chủ nhật hàng tuần, tức 7 ngày một phiên. Như vậy, nhằm nhiều mục đích: Một là, tránh vào ngày học sinh đi học, cán bộ đi làm, đường phố huyện chen chúc quá đông đúc; hai là, “giãn” phiên ra được 2 ngày để dân tập trung vào sản xuất hợp tác xã, bớt chợ búa đi; ba là, dẹp bớt chợ “tự phát”, buôn bán cá thể sẽ bớt ảnh hưởng tiêu cực đến Mậu dịch quốc doanh, Hợp tác xã mua bán. Hơn nữa về lý luận Mac- Lê thì làm ăn, buôn bán cá thể là mầm mống nảy sinh ra tư hữu, rồi phát triển thành chủ nghĩa tư bản bóc lột. Cho nên dẹp bớt và tiến tới cấm hẳn, mới triệt để.

Nhưng còn chuyện bí mật, anh bạn giáo viên dạy Bổ túc văn hoá cho cán bộ huyện nắm được, “bật mí” với tôi. Anh ta bảo, mấy “bố” cán bộ ở Huyện uỷ, Uỷ Ban có vợ ở nhà quê, cứ đến phiên chợ là các bà vào chỗ chồng “nã” tiền, nên các “bố” mới chuyển chợ sang họp chủ nhật, vào ngày nghỉ cho yên thân. A ha, có lẽ đây mới là lý do thật chăng?

Anh ta còn kể câu chuyện thật mà vui, một hôm một bà vào Uỷ ban huyện hỏi, cho tôi gặp anh X. Anh cán bộ bảo, cụ đợi một tí, chắc nó ra hàng nước hút thuốc, về ngay bây giờ. Anh ta nhìn người đàn bà nhà quê “chân đất mắt toét”, răng đen, mặc cái quần đen bạc màu cũn cỡn, cái áo nâu vá vai, màu đất, đội cái nón mê, tay cầm cái đòn gánh… Anh ta ái ngại hỏi, cụ là thân sinh anh X ạ?

Người đàn bà ngượng ngùng, tôi là vợ anh ấy chú ạ… Tôi vào bảo anh ấy đưa thêm mấy đồng để mua đôi lợn giống…

Đây không phải trường hợp cá biệt. Sau hoà bình 1954, các cán bộ thoát ly “ăn trắng, mặc trơn” nom trẻ trung; trong khi các bà vợ ở quê hết họp hành ngày đêm đấu tố địa chủ đến rạc cả người, rồi lại vào tổ Đổi công, Hợp tác xã, ngày thi đua lao động dầm mưa, dãi nắng, tối nào cũng họp đến khuya, bình công chấm điểm, bã người ra, nom ai cũng già sọm đi.

Thực hiện chỉ đạo của Huyện uỷ, ngày chủ nhật, “Thanh niên xung kích” đi phát truyền đơn, gọi loa tuyên truyền vận động, hô hào, nhưng chẳng có ma nào họp chợ. Đến phiên ngày 3, ngày 8 ta, công an và các “lực lượng chức năng” lập chốt, canh gác các ngả đường, chốt chặt, cấm không cho ai vào chợ, thế là dân tản ra ngoài đường, ngoài đống, ngoài ruộng họp với nhau từng tốp một. “Chợ Cóc” mọc lên khắp nơi. Mấy phiên như vậy, chủ trương “cách mạng” thất bại, lại thất thu tiền chợ. Mấy anh chị quản lý thị trường đành ra ven đường, bờ ruộng thu “tiền chợ”, nhưng không những không thu được tiền mà còn bị người dân bức xúc, chửi mắng té tát,

Sau hơn một tháng, chính quyền đành thua. “Mèo lại hoàn mèo”.

Nhưng tại sao dân cứ nhất quyết phải họp chợ huyện Nam Sách vào ngày 3 và ngày 8 ta? Không biết Huyện uỷ, Uỷ Ban huyện Nam Sách sau thất bại, có nhận ra tính quy luật của vấn đề hay chỉ vì dân “ngoan cố” mà chính quyền thua?

Tính QUY LUẬT ở chỗ (tôi nhớ ngày không thật chính xác, chỉ là ví dụ): Ngày 2 và ngày 7 chợ Huyện Chí Linh họp, người ta mua hàng trên đó, hôm sau bán ở chợ Nam Sách vào ngày 3, ngày 8; rồi ngày 9 ngày 4 còn đi chợ Huyện Thanh Hà, rồi liên thông đến chợ huyện Kim Thành, Kinh Môn… Đã bao nhiêu đời, những mối liên hệ, giao lưu buôn bán như vậy đã định hình thành nếp sống như quy luật xã hội, thay đổi một khâu sẽ gây ra “lỗi hệ thống”, làm rối loạn phá vỡ cả hệ thống xã hội.

Phong trào “Dám nghĩ, dám làm” chỉ khuyến khích “dám nghĩ liều, làm liều”, bất chấp quy luật. Quyết tâm xây dựng các loại hợp tác xã, làm ăn tập thể, “ngăn sông, cấm chợ” suốt mấy chục năm u mê, tăm tối, đói khổ; đến khi để tự do làm ăn “cá thể”, tự do thông thương buôn bán, cả nước hồi sinh, sống động!

KẾT LUẬN: “Dám nghĩ, dám làm”, “đột phá” thường dùng trong xử lý tình huống cấp bách; còn trong đời sống bình thường quản trị quốc gia phải luôn dựa trên tư duy khoa học, tuân theo những quy luật khách quan, được phân tích, thảo luận, cân nhắc kỹ càng và được tiến hành phù hợp với những điều kiện cần có. Chuyện quốc gia đại sự mà cứ phát động “dám nghĩ, dám làm” duy ý chí, bất chấp quy luật thì chỉ có phá nát đất nước. Bao nhiêu bài học “lịch sử cách mạng” còn chưa thấm thía hay sao?

Tham khảo:

  1. https://vnexpress.net/bo-noi-vu-de-xuat-can-bo-dam-nghi…
  2. https://baotiengdan.com/…/truyen-thong-dam-nghi-dam…/
- Quảng Cáo -