Tình trạng tham nhũng ở VN, nói một cách ví von, nó vừa là một căn bệnh ung thư đã đến giai đoạn không thể chữa trị, vừa là một đại dịch lan tràn khắp xã hội. Không có một ngành nghề nào, lĩnh vực nào mà không bị tham nhũng. Thậm chí nó trở thành một lối sống, trở thành điều bình thường trong tư duy, suy nghĩ của mọi người – ai cũng hối lộ, tham nhũng, vậy sao tôi lại không? Không hối lộ, tham nhũng thì không xong việc v.v…
Ông Tổng Trọng vẫn tiếp tục xua quân đi “đốt lò”, đang tiếp tục “khui” và bắt qua đến ngành giáo dục, nào nạn độc quyền, lãng phí trong sách giáo khoa dẫn đến tình trạng gần 2.400 tỷ đồng lãng phí trong 5 năm (2014-2019) khi mà những cuốn sách chỉ được dung một lần rồi bỏ; nào cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên can thiệp đấu thầu, được “lại quả” 600 triệu; nào nguyên Hiệu trưởng một trường ở tỉnh Nghệ An ăn chặn tiền cứu trợ bão lũ của học sinh, chiếm đoạt các khoản thu trái phép của học sinh v.v…Càng “khui”, càng bắt càng phát hiện thêm nhiều.
Xin hỏi ông Tổng Bí thư bắt bao giờ cho hết? Liệu ông sẽ ngồi ở vị trí đó được bao lâu nữa để diệt tham nhũng? Và sau khi ông đi rồi, người khác lên thì nạn tham nhũng có hết không?
Hỏi tức là đã trả lời. Căn nguyên gốc rễ nằm ở mô hình thể chế chính trị độc tài không có cơ chế kiểm soát quyền lực, kiểm soát tham nhũng thì ông Trọng không thấy, hoặc không muốn thấy để mà giải quyết.
Đảng cộng sản đã độc quyền lãnh đạo toàn đất nước được gần một thế kỷ. Cứ tạm cho giai đoạn sau khi cuộc chiến Nam-Bắc Việt vừa kết thúc, do những sai lầm trong chính sách ngoại giao nên đảng cộng sản đã lại đẩy dân tộc VN vào hai cuộc chiến khác, với Trung Quốc ở biên giới phía Bắc và với Khmer Đỏ ở biên giới Tây Nam, hao người tốn của, cộng thêm bị thế giới cấm vận nên kinh tế suy kiệt, mãi đến năm 1988 sau khi VN rút quân khỏi Campuchia thì mọi chuyện mới thực sự yên ổn. Cứ tạm cho giai đoạn đó vẫn còn bị cuốn vào chiến tranh, chịu hậu quả từ đó thì VN cũng đã mở cửa làm ăn với thế giới từ năm 1986 và kết thúc những cuộc chiến từ năm 1988. Hơn 30 năm, VN đi được bao xa trên con đường phát triển đất nước? Một ví dụ, hãy so sánh với Ba Lan, thoát ra khỏi chế độ CS từ năm 1991. 30 năm Ba Lan đã phát triển ra sao và người ta thậm chí còn tiên đoán Ba Lan sẽ trở thành trụ cột kinh tế lẫn quốc phòng trong khối EU, sắp tới không chừng mà nền kinh tế Ba Lan còn vượt qua cả Anh, Pháp!
Trong khi đó thì nạn lãng phí và tham nhũng đã làm cạn kiệt mọi thứ của VN, và phần lớn thời gian, đầu óc của các lãnh đạo CSVN là giành cho việc đấu đá, tranh giành quyền lực, tham nhũng vơ vét của cải rồi lại…chống tham nhũng. Có còn thời gian đâu mà nghĩ đến những chiến lược, kế hoạch phát triển đất nước về mọi mặt?
Chẳng hạn như ông Tổng Trọng từ ngày ngồi vào ghế Tổng Bí thư cho đến nay, mối bận tâm lớn nhất của ông ta là gì: “đốt lò” để thâu tóm quyền lực và bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ. Có bao giờ ông ta nghĩ được cái gì khác? So sánh với Trung Quốc thì không đúng, mặc dù VN là bản sao của Trung Quốc từ mô hình thể chế cho đến từng chủ trương, chính sách, nhưng cũng đành phải đưa ra một câu hỏi riêng về mặt quốc phòng: Từ sau cuộc chiên biên giới Việt-Trung 1979 (trên thực tế kéo dài lai rai đến tận mười năm sau) thì quân sự, quốc phòng, chiến lược của Trung Cộng đã phát triển vượt bực ra sao, Trung Quốc đã có những kế hoạch, chiến lược đường dài như thế nào từ việc thâu tóm biển Đông cho đến vươn ra toàn cầu, còn VN? Năm 1979 Trung Cộng có đánh thêm nữa cũng khó mà nuốt nổi VN, một đội quân vừa ra khỏi một cuộc chiến tranh dài 30 năm nên thiện chiến, đầy kinh nghiệm, cộng với vũ khí dồi dào của Liên Xô viện trợ và của Mỹ bỏ lại ở miền Nam, nhưng còn bây giờ, nếu lại xảy ra đánh nhau, quân đội VN sẽ trụ được mấy ngày?