Vì sao Việt Nam vẫn cho rằng ‘công đoàn độc lập’ là ‘chống phá’?

- Quảng Cáo -

Hồng Dân (VNTB)

Tuyên giáo Đảng vẫn cho rằng kêu gọi ‘công đoàn độc lập’ là thủ đoạn lợi dụng “xã hội dân sự” để chống phá chế độ…

“Trên thực tế, một số đối tượng tổ chức khởi xướng và tự xưng “Công đoàn độc lập Việt Nam” lại không đăng ký, không tiến hành các thủ tục xin phép thành lập và cũng không có kế hoạch, xu hướng xin phép thành lập, điều đó thể hiện sự coi thường pháp luật, hoạt động trái với quy định pháp luật.

Về động cơ, mục đích, những người khởi xướng cho hội nhóm này đã tuyên bố trên các diễn đàn, mạng xã hội, cho thấy động cơ, ý đồ tiêu cực và họ biết những tổ chức, hội nhóm như vậy sẽ bị chính người lao động lên án nên không dám công khai, minh bạch, không tuân thủ các quy định luật pháp mà chọn theo hình thức âm thầm, tự phát” – trích một báo cáo của Bộ Công an.

- Quảng Cáo -

Ở đây cho thấy dường như nhà chức trách đang đánh đồng giữa việc lập các hội nhóm xã hội dân sự mang tính tự phát qua hình thức truyền thông trên mạng xã hội, với việc hình thành cụ thể những tổ chức công đoàn độc lập tại doanh nghiệp.

Về mặt đối ngoại, ghi nhận từ tổ chức Lao động Quốc tế ILO, thì để đáp ứng đòi hỏi của các hiệp định mậu dịch tự do, trong đó có Hiệp định tự do thương mại Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam đã sửa đổi Bộ luật Lao động, có hiệu lực từ ngày 1-1-2021.

Theo quy định tại Điều 170, Bộ luật Lao động, người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn. Bên cạnh đó, khoản 2 điều này bổ sung quy định cho phép người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức, người lao động tại doanh nghiệp. Quy định về gia nhập, tham gia tổ chức này là rất mới, độc lập với tổ chức công đoàn cơ sở truyền thống.

Bộ luật Lao động cũng quy định, cả công đoàn và các tổ chức đại diện người lao động khác tại doanh nghiệp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động.

“Nội dung thay đổi quan trọng nhất trong Bộ Luật Lao động sửa đổi lần này là khả năng người lao động tại doanh nghiệp được quyền thành lập hay tham gia một tổ chức đại diện do họ lựa chọn, không nhất thiết phải là thành viên của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Giám đốc ILO Việt Nam giải thích: “Tự do hiệp hội là một quyền cơ bản được nêu trong Tuyên bố về các Nguyên tắc và Quyền cơ bản trong Lao động năm 1998 của ILO. Tự do hiệp hội giúp cải thiện quá trình thương lượng tập thể, cho phép người lao động được hưởng lợi ích công bằng hơn và cho phép doanh nghiệp thỏa thuận những cải thiện năng suất cần thiết” – trích Thông cáo báo chí của ILO “Bộ Luật Lao động sửa đổi giúp người lao động hưởng lợi công bằng từ tăng trưởng kinh tế”.

Phần kết của Thông cáo báo chí nêu trên có nội dung đáng chú ý như sau:

“Giám đốc ILO Việt Nam cho biết, đồng thời một lần nữa khẳng định ILO sẽ tiếp tục hợp tác với chính phủ, người lao động, người sử dụng lao động và các bên liên quan khác “cho tới khi các Nguyên tắc và Quyền cơ bản trong Lao động của ILO được đưa vào thực tế”.

“Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng Việt Nam sẽ thành công với nhiệm vụ này vì tương lai của chính mình – một tương lai được xây dựng trên cơ sở năng suất cao hơn, điều kiện làm việc tốt hơn, chia sẻ lợi ích kinh tế công bằng, bình đẳng, tiếng nói của người lao động và người sử dụng lao động được ghi nhận, và ổn định chính trị xã hội”.

…Giờ đã là trung tuần tháng 2-2023, Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ một tổ chức công đoàn độc lập nào được thành lập; và thực tế cho thấy quyền tự do hiệp hội vẫn là một quyền mang tính son phấn làm đẹp chính sách trong đối ngoại mà thôi./.

- Quảng Cáo -