Hoài Nguyễn (VNTB)
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận rồi, gia đình ông Phúc không phải là ‘trùm cuối’ của vụ đại án kit-test Việt Á.
Trong buổi lễ bàn giao công tác của cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, ông đã “xin nói thêm một ý về vụ Việt Á: “Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp giám đốc Việt Á, điều này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rõ ràng”.
Sở dĩ ông Nguyễn Xuân Phúc lên tiếng như vậy vì ngay từ khi mới bắt đầu vụ án Việt Á, khi bàn về ai là chủ nhân góp 80% vốn vào công ty này, dư luận đồn đãi rằng đó là phần hùn của thân nhân ông Nguyễn Xuân Phúc từ hồi ông còn giữ chức Thủ tướng Chính phủ.
Cho đến ngày ông Nguyễn Xuân Phúc cáo lão hồi hưu, thắc mắc ai là chủ nhân của 80% vốn ở công ty Việt Á vẫn là bí ẩn; và điều này không phải là vấn đề mà bài viết này muốn đề cập.
Thắc mắc lớn nhất ở đây trong vụ việc ông Nguyễn Xuân Phúc, là pháp luật nào quy định về quyền hạn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong kết luận ai phạm tội, ai không có tội?
Lưu ý, Hiến pháp 2013, Điều 31.1, ghi: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.
Như vậy về nguyên tắc thì cho dù phía Ủy ban Kiểm tra Trung ương có kết luận ông Nguyễn Xuân Phúc cùng gia đình có dấu hiệu tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, thì kết luận này là vô hiệu đối với pháp luật Việt Nam, vì Ủy ban Kiểm tra Trung ương không phải là Tòa án. Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng không phải là cơ quan điều tra của ngành công an, và Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng không có quyền công tố như Viện Kiểm sát.
Theo tự giới thiệu trên trang thông tin điện tử Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thì đây là Uỷ ban Kiểm tra Trung ương là cơ quan kiểm tra, giám sát chuyên trách của Ban Chấp hành Trung ương, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Điều lệ Đảng; tham mưu, giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.
Ông Nguyễn Xuân Phúc lúc là Chủ tịch nước, ông cũng đồng thời giữ luôn vị trí Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương – đây là cơ quan tham mưu, giúp Bộ Chính trị chỉ đạo việc triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác cải cách tư pháp.
Với cách diễn giải “Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp giám đốc Việt Á, điều này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rõ ràng”, cho thấy ông Nguyễn Xuân Phúc gián tiếp nhìn nhận ở Việt Nam vẫn chưa thể có tư pháp độc lập.
Khi chưa có tư pháp độc lập thì minh bạch của quá trình tư pháp là một kỳ vọng mà người dân khát khao được có. Việc bảo đảm sự độc lập của ngành tòa án gần như là điều vô vọng, vì nói như ông Nguyễn Xuân Phúc thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận ông không liên quan tham nhũng trong đại án Việt Á. Mai này khi các cấp tòa có xét xử vụ án này đi nữa, thì dù có ra sao cũng không thể nghịch ý phán quyết của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Một lưu ý ở đây về chuyện không thể nghịch ý, đó là quyết định của các “quan tòa” – nhìn nhận một cách thẳng thắn – đang tiếp tục vẫn chịu sự ràng buộc nhất định, vì thẩm phán có được tái bổ nhiệm hay không đều phải có nhận xét của cấp ủy.
Về lý thuyết thì cá nhân thẩm phán, họ phải độc lập trước mọi áp lực chính trị, tài chính cũng như dư luận xã hội… Thế nhưng ở Việt Nam thì trước tiên để làm thẩm phán, người đó phải đạt tiêu chuẩn chính trị tối thiểu là đảng viên, hoặc luôn phải nghe theo “định hướng” của Đảng.
Vậy nên ở đây ông cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc rất khôn ngoan khi ‘đánh tiếng’ với công luận, rằng Đảng đã kết luận ông không có tham nhũng, thì chắc chắn chẳng thẩm phán nào dám tuyên ông có tội (!?)