Nếu bây giờ có một clip ghi cảnh một đám đàn ông mặc đồng phục của một ngành cụ thể nào đó đang đè nghiến một cô gái ra trong trong tiếng la hét, bạn có chia sẻ và kêu gọi một cuộc điều tra không?
Trong trường hợp này, nhiều người sẽ dễ dàng đồng ý là sẽ chia sẻ. Nhưng vấn đề không đơn giản như vậy nếu ta đặt một câu hỏi: đoạn clip đó là quay cảnh thật hay chỉ là một vở kịch được dàn dựng để bôi nhọ? Và nếu là dàn dựng thì người chia sẻ có bị vướng vào rắc rối pháp lý không?
Đến đây, mấy chữ “thông tin đã được kiểm chứng” sẽ xuất hiện như một đòi hỏi. Và người ta chỉ an tâm chia sẻ khi đó là thông tin “đã được kiểm chứng”. Vấn đề là, nếu không có sự đăng tải và chia sẻ thông tin ấy thì có thể có hay không việc kiểm chứng kia, hay là người bị nạn chỉ còn biết sống trong câm lặng thống khổ, nếu là đã có một vụ cưỡng hiếp thật sự xảy ra?
Quyền tự do thông tin được hiến định là vì lý do này, để người dân cất lên tiếng nói, giúp và đòi chính quyền xác minh, xử lý những thông tin được gọi là “chưa được kiểm chứng” ấy. Đó là cách tốt nhất để làm trong sạch xã hội mà bất kỳ quốc gia tiến bộ nào cũng tuân giữ.
Có người bảo, phải có hình ảnh, tên tuổi, lớp học v.v.. của cô gái thì tôi mới chia sẻ được, vì nó xác thực! Nói như thế là không ổn. Khi có một thông tin mang tính xã hội hay có dấu hiệu vi phạm pháp luật, anh có quyền chia sẻ nó, nhớ DẪN NGUỒN tin. Dẫn nguồn tin vừa là trách nhiệm để không làm nhiễu loạn thông tin, vừa tự bảo vệ mình.
Chắc gì hình ảnh, tên tuổi, lớp học v.v.. của cô gái mà anh nhận được là đúng? Anh làm sao để kiểm chứng? Hay mỗi người phải đồng thời là một điều tra viên? Đừng tự vơ vào mình cái trách nhiệm vốn thuộc về chính quyền để tự từ bỏ quyền công dân của mình. Không gì tai hại cho xã hội bằng một sự im lặng “khôn ngoan” như thế. Vì, chính người dân chỉ còn có thể lên báo nhà nước để lấy thông tin, mọi nguồn khác đều trở thành nguy cơ. Từ đây, một sự im lặng đáng sợ sẽ bao trùm toàn bộ đời sống xã hội.
Chia sẻ thông tin không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của công dân, để yêu cầu và giúp các cơ quan bảo vệ pháp luật làm đúng, làm tốt công việc của họ. Đó cũng là cách để đưa những kẻ làm tin giả ra ánh sáng, buộc chúng phải đối diện với công lý./.