Năm nào tôi cũng có đóng góp vào Quỹ vì người nghèo. Đóng góp ở cơ quan. Cơ quan trừ thẳng vào lương. Đóng góp ở phường. Phường đến tận nhà để quyên. Thỉnh thoảng có đóng góp tại trường con đang học. Đóng góp vô tư, không phàn nàn.
Đất nước có hàng triệu công chức – viên chức phải làm nghĩa vụ như tôi. Chưa tính đến các tổ chức chính phủ và phi chính phủ thường xuyên làm công việc xóa đói giảm nghèo. Thành tích xóa đói giảm nghèo cũng từng được báo cáo rất khả quan và đáng tự hào.
Vậy mà tại Đồng Tháp, có một gia đình trẻ, hai con nhỏ phải trú trong một căn nhà nát như nhà chị Dậu năm xưa?
Sự thật, Quỹ vì người nghèo đã nuôi ai mà vẫn còn thảm cảnh này?
Tôi tin trên đất nước này không chỉ sót lại một vài gia cảnh. Ngay tại đồng bằng sông Cửu Long, đã từng có hàng triệu cô gái lấy chồng ngoại quốc như một cuộc bán thân mình để cứu đói cứu nghèo.
Có một Giáo sư vừa than thở, rằng “đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa, trái cây, thủy sản mà sao đến nỗi này?”
Lẽ ra ông phải hỏi, vựa lúa, trái cây, thủy sản đã nuôi ai mới sâu sắc nhân tình.
Có một tên trọc phú nào đó ở ngoài Bắc viết rất lý trí đến cạn ráo nhân tình. Rằng bậc cha mẹ cái gia đình bé nhỏ ấy không chịu khó làm ăn, vô trách nhiệm với con cái mới ra nông nỗi này. Tôi chợt nhớ đến lời đề từ của Nam Cao trong truyện ngắn Nước mắt: “Người ta chỉ xấu xa hư hỏng trước đôi mắt ráo hoảnh của phường ích kỉ. Và nước mắt là miếng kính biến hình vũ trụ”./.