Định Tường (VNTB)
Đảng biết hết đó, nhưng chuyện ‘ra toa’ thì cứ như là bà bộ trưởng y tế Đào Hồng Lan trổ nghề ‘bốc thuốc’ vậy
Cuối năm, nhiều hội nghị tổng kết của ban, ngành hay nhắc đến một chỉ tiêu là cần chống “lợi ích nhóm” trong nội bộ của ban, ngành ấy.
Tuy nhiên với những gì đã và đang diễn ra – như hội nghị bất thường của Bộ Chính trị vào chiều ngày 30-12-2022 chẳng hạn, cho thấy Đảng biết hết đó, nhưng chuyện ‘ra toa’ thì cứ như là bà bộ trưởng y tế Đào Hồng Lan trổ nghề ‘bốc thuốc’ vậy (!?).
Sở dĩ dám nói chắc là “Đảng biết hết”, vì trong văn kiện Đảng ở nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến, nhưng rồi đến nhiệm kỳ thứ ba của ông Trọng, cho thấy mọi chuyện vẫn… thời sự.
Xin trích phần nội dung có tên “nhận diện lợi ích nhóm tiêu cực ở Việt Nam hiện nay”, qua đó mong rằng nếu có ngồi tiếp nhiệm kỳ thứ tư, ông Nguyễn Phú Trọng nên ra bằng được ‘toa thuốc’ trị dứt căn bệnh trầm kha của Đảng:
“Hiện nay, ở nước ta, lợi ích nhóm tiêu cực phát triển khá phổ biến, hiện diện ở tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội. Nhưng, phổ biến nhất, tác hại và nguy hiểm nhất là lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế – xã hội và được thể hiện dưới các dạng sau đây:
Thứ nhất, tạo quan hệ với cấp trên, với cơ quan có thẩm quyền, khi cần thiết có thể “hối lộ” dưới mọi hình thức để giành được kinh phí, đề tài, dự án v.v… cho đơn vị, địa phương v.v… (trong khi có thể bố trí kinh phí, đề tài, dự án cho đơn vị, địa phương khác sẽ có lợi và hiệu quả hơn).
Thứ hai, tạo quan hệ, móc ngoặc với những người có chức, có quyền quyết định để được bố trí vào các chức vụ mong muốn cho bản thân hoặc cho người thân trong gia đình, trong khi năng lực, phẩm chất không đáp ứng được yêu cầu của vị trí công tác đó.
Thứ ba, nhà đầu tư, doanh nghiệp tạo quan hệ móc nối với cơ quan, người có thẩm quyền quyết định, hình thành nhóm lợi ích để xây dựng các dự án, chủ trương đầu tư hoặc giành được các dự án “phát triển kinh tế – xã hội” nhằm mục đích kiếm lợi, có chi trả phần trăm cho chủ đầu tư, không tính đến hiệu quả đầu tư hoặc hiệu quả thấp, miễn là “có việc” là “có ăn”.
Người có chức quyền, thoái hóa, biến chất, chỉ chăm lo thu vén lợi ích cá nhân, chỉ phê duyệt cho đơn vị, cá nhân nào biết quan hệ, biết điều, chi trả phần trăm đậm hơn.
Thứ tư, các doanh nghiệp là “sân sau”, đồ đệ trung thành của những người có chức, có quyền hình thành nhóm lợi ích, cố kết với nhau để cùng nhau có lợi ích, bảo vệ lợi ích cho nhau.
Doanh nghiệp và các đồ đệ trung thành phải chăm lo lợi ích của “sếp” tạo dựng uy tín, lo lót để che chắn khuyết điểm của “sếp”, để “sếp” được vào những vị trí công tác mong muốn v.v… Đến lượt “sếp” phải trả ơn, chăm lo lợi ích của các doanh nghiệp, đồ đệ của mình, phê duyệt cho họ những dự án “béo bở”, cất nhắc họ vào những vị trí làm việc hứa hẹn nhiều bổng, lộc v.v…
Thứ năm, một bộ phận cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất trong các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát, cơ quan điều tra v.v… cũng bị móc nối và vì lợi ích vị kỷ của mình hình thành nhóm lợi ích với các cơ quan, cán bộ, công chức là đối tượng thanh tra, kiểm tra, điều tra v.v… để che chắn khuyết điểm, thậm chí làm nhẹ tội cho các đối tượng này.
Những biểu hiện trên đây của lợi ích nhóm tiêu cực đã được Đảng tổng kết thành các hành vi “chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy huân chương” và dư luận xã hội đã tổng kết muốn có chức quyền, lợi ích phải có “tiền tệ, quan hệ, hậu duệ, đồ đệ và cuối cùng mới là trí tuệ”…/.