Tin nhà văn Vũ Thư Hiên được về nước đang được vui mừng truyền đi khắp cõi mạng. Tôi cũng vui. Vui như người bị trấn lột mà lấy lại được đồ của chính mình…
Nhớ những câu nói cuối đời của nhà khai sáng Phan Châu Trinh: “Một nòi dân cùng một giọt máu xẻ ra, cùng một thứ tiếng nói, ở trong miếng đất mà ông cha nó đã đổ máu, đổ mồ hôi, đổ nước mắt để vở vạt ra, thành ra một nước lưu truyền từ bốn nghìn năm đến giờ, thì cho phép hưởng quyền lợi trong miếng đất ấy, được sống ở đó, chết chôn đó, giàu nhờ đó, nghèo nương đó, làm gì thì làm không ai cấm đoán được. Loài dân ấy không đến nỗi như dân Do Thái ở Âu châu, đi đâu cũng bị ngược đãi, không đến nỗi như bọn Hắc Nô ở Mỹ châu đi tới đâu cũng bị chết chóc, thì cũng không khi nào chịu quên ơn miếng đất mà chúng nó thường gọi là “Tổ Quốc” của chúng nó bao giờ. Một loài như thế nay bảo nó đừng thương “Tổ Quốc” thì bảo nó thương ai?”.
Một việc dường như phải là hiển nhiên, rằng con người có tổ quốc – quê hương, nay họ chỉ là trở về nơi chôn nhau cắt rốn, thế mà phải mừng vui như một ân huệ mưa móc. Vui, mà tự thấy xấu hổ với niềm vui của mình. Vì, cũng từ cái niềm vui ấy của bản thân mà nhìn ra được thân phận, nhìn ra cả sự đớn hèn nhu nhược trong hình hài này. Đành, “Vui là vui gượng kẻo là” (ND), bởi “Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu!” (NK).
Thái Hạo