Làn sóng sa thải và hệ lụy sắp tới ở Việt Nam?

- Quảng Cáo -

Phạm Lê Đoan (VNTB)

Làn sóng sa thải lao động đã lan đến Việt Nam

Các chủ doanh nghiệp đang cố nén tiếng thở dài, trong khi người lao động còn khó hơn. Người đã mất việc chỉ sau một thông báo “Nhà máy hết hợp đồng”. Người thì còn việc đến cuối tháng này, dứt năm là kết thúc luôn hợp đồng.

Có ý kiến, suy thoái kinh tế toàn cầu và những thay đổi khuynh hướng tiêu dùng sau nạn dịch Covid-19 đã lan đến Việt Nam, chậm hơn so với các khu vực khác, nhưng lại bắt đúng ngay thời điểm của Tết Nguyên đán.

- Quảng Cáo -

Thông báo của các công ty công nghệ ở Mỹ thời gian gần đây đều có điểm chung là những lời xin lỗi. Những đại công ty khác như Netflix, Shopify, Snap và cả Twitter đều lần lượt tham gia vào làn sóng cắt giảm nhân sự. Twitter cũng “dành bất ngờ” cho nhân viên bằng cách gửi email sa thải trong đêm.

Ông Emmanuel Cornet – cựu kỹ sư phần mềm Twitter: “Điều duy nhất mà tôi chính thức nhận được từ Twitter là một email và nó không thực sự đưa ra bất kỳ lý do cụ thể nào. Nghe có vẻ hơi lạ khi bị sa thải mà không có lý do nào hết”.

Việc cắt giảm hàng ngàn nhân sự của hãng bán lẻ trực tuyến Amazon là sự đảo ngược môi trường kinh doanh và tình hình kinh tế vĩ mô đầy bất trắc. Nói sâu hơn, đó là thời đại dịch, các công ty công nghệ tuyển ồ ạt nhân viên để phục vụ nhu cầu trực tuyến – hạn chế giao tiếp trực tiếp của người dân. Nhưng hiện thế giới đã trở lại guồng quay trước đây, kèm theo lạm phát, sụt giảm tăng trưởng. Vậy mới có chuyện, ngủ một giấc, thức dậy đã trở thành người thất nghiệp.

Hôm 14-12-2022, Bloomberg đưa tin Gilimex khởi kiện đòi Amazon bồi thường 280 triệu USD với cáo buộc làm thương mại không công bằng, đột ngột thu hẹp các đơn đặt hàng trong năm nay với công ty Việt Nam.

Amazon Robotics LLC là một trong những khách hàng của Gilemex từ năm 2014 và ngày càng có đóng góp quan trọng, giúp quy mô doanh thu của công ty liên tục tăng trưởng cao giai đoạn 2014-2021.

Tổng giá trị các đơn đặt hàng hai bên thực hiện trong năm 2021 đạt mức 146,6 triệu USD (gần 3.500 tỷ đồng). Trong khi quy mô tổng doanh thu của Gilimex năm ngoái đạt 4.150 tỷ đồng, tức Amazon chiếm hơn 80% nguồn thu của công ty Việt Nam.

Tên gọi Việt Nam của Gilimex là Công ty cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh, địa chỉ số 334A Phan Văn Trị, phường 11, quận Bình Thạnh, TP.HCM.

Đến tháng 5 vừa qua, Amazon đã bất ngờ thay đổi và giảm nhu cầu dự kiến trong thời gian còn lại của năm 2022 – 2023. Hành động này khiến Gilimex phải nắm giữ hàng tồn kho và nguyên liệu thô vô giá trị.

Gilimex đã đầu tư hàng chục triệu USD vào các cơ sở sản xuất nhằm xây dựng kho chứa hàng hóa của Amazon, tuyển dụng hơn 7.000 nhân viên để đáp ứng năng lực sản xuất cho Amazon tăng gấp 20 lần trong 8 năm qua. Việc mất nguồn thu từ khách hàng lớn nhất khiến hoạt động của Gilemex lao dốc trầm trọng. Doanh thu quý III chỉ còn hơn 200 tỷ đồng, tức giảm đến 83% so với quý II liền trước và giảm 66% so với cùng kỳ năm 2021.

Số nhân viên thất nghiệp đến từ hệ lụy thưa kiện này, hiện chưa được công bố.

Cổ phiếu GIL trong phiên hôm 15-12 lao dốc về giá sàn 26.250 đồng, thị giá này so với đầu năm đã bốc hơi phân nửa giá trị. Tổng thanh khoản trong phiên đạt gần 2,5 triệu cổ phiếu với phần lớn khớp giá sàn. Thậm chí khi khớp lệnh đóng cửa, nhà đầu tư vẫn còn hơn 1,7 triệu cổ phiếu khác chất bán giá sàn vẫn chưa có người mua.

Năm sắp đi qua, sự phục hồi sau dịch đã không như kỳ vọng ở các phát biểu đầy khoa ngôn của người đứng đầu Đảng, chẳng những vậy, lại gặp thêm quá nhiều tác động và ảnh hưởng từ gần đến xa, từ vi mô đến vĩ mô, từ toàn cầu đến chính đồng lương, mâm cơm gia đình của từng lao động…

- Quảng Cáo -