Với 39 nhà báo bị bỏ tù, Việt Nam đứng thứ tư trong số các “nhà tù lớn nhất thế giới giam giữ các nhà báo”, theo thống kê hàng năm của cơ quan giám sát tự do báo chí Phóng Viên Không Biên Giới, Reporters Sans Frontieres (RSF).
Theo báo cáo Đánh giá Tự do Báo chí Thường niên của RSF được công bố hôm thứ Tư, tổng cộng 533 người trong ngành truyền thông đã bị bỏ tù vào năm 2022, tăng so với 488 người vào năm ngoái.
Trung Quốc, nơi kiểm duyệt và giám sát đến mức cực đoan, vẫn tiếp tục là nước giam giữ các nhà báo lớn nhất thế giới, với 110 nhà báo đang bị giam giữ gồm có 99 người trong các nhà tù ở đại lục và 11 người ở Hồng Kông.
Tiếp theo hạng tồi tệ là Myanmar (62), Iran (47), Việt Nam (39) và Belarus (31).
RSF cho biết “tình hình cũng nghiêm trọng không kém ở Myanmar” nếu so về quy mô dân số. Trong vài tháng đầu tiên sau cuộc đảo chính tháng 2 năm 2021, các vụ bắt giữ các nhà báo thường diễn ra khi họ đang đưa tin về các cuộc biểu tình chống lại các lãnh đạo quân đội đảo chính, nhưng năm 2022 được đánh dấu bằng sự gia tăng bắt giữ các nhà báo tại nhà của họ hoặc tại những nơi họ đã ẩn náu.
Iran đã trở thành nhà tù lớn thứ ba thế giới đối với các nhà báo. Theo dữ liệu của RSF, quy mô đàn áp của Cộng hòa Hồi giáo Iran đối với phong trào biểu tình bắt đầu vào ngày 16 tháng 9 đến mức nhiều nhà báo hiện đang bị giam giữ hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong 20 năm qua. Tổng cộng 47 nhà báo đã bị giam trong đó có 34 người bị bắt trong các cuộc biểu tình sau cái chết của cô Mahsa Amini.
Cơ quan RSF cũng lên án hai chế độ độc tài do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Alexander Lukashenko lãnh đạo, đã tiếp tục nỗ lực đàn áp các phương tiện truyền thông độc lập.
“Tại Việt Nam, số nhà báo bị cầm tù gần như tăng gấp đôi trong vòng 5 năm; trong khi tại Belarus, hơn 500 vụ bắt giữ nhà báo trong hai năm qua, với 31 người vẫn còn ngồi sau song sắt,” báo cáo cho biết./.
Người Đà Lạt Xưa