Thông qua World Cup, khán giả truyền hình ở Trung Quốc thấy rằng người dân ở nước ngoài biết cách sống chung với Corona. Sự không hài lòng với chiến lược phong tỏa ở Trung Quốc ngày càng tăng.
Dù sao thì người hâm mộ bóng đá Trung Quốc hoàn toàn không trông đợi đội tuyển bóng đá Trung Quốc có mặt tại World Cup lần này ở Qatar. Điều đó đã rõ ràng sau khi đội tuyển quốc gia không thể vượt qua vòng loại với tỷ số cách biệt khá lớn. Nhưng lý do thực sự cho sự thất vọng tột độ của nhiều khán giả truyền hình ở Trung Quốc không phải là lý do thể thao. Trước các sân vận động chật kín người hâm mộ reo hò, cổ vũ, khá nhiều khán giả truyền hình Trung Quốc đột nhiên đặt câu hỏi về các biện pháp phòng chống corona của chính phủ Trung Quốc. Một người dùng trên ứng dụng điện thoại thông minh Wechat viết: “Thật không thể tin nổi. Rất nhiều người tụ tập ở một điểm mà không một ai phải đeo khẩu trang!”. Trên thực tế, xem World Cup là một trải nghiệm gần như siêu thực: trong khi hàng triệu người Trung Quốc đang bị phong tỏa và phải dự trữ lương thực để đề phòng đại dịch tái phát thì hàng chục nghìn người hâm mộ bóng đá ở Qatar ăn mừng cuồng nhiệt trong sân vận động. “Cái nhìn sâu sắc nhất của tôi từ World Cup là không ai đeo mặt nạ và không ai sợ đại dịch!” Một người dùng khác viết.
Một video được chia sẻ rất phổ biến trên mạng xã hội: Video này cho thấy các cổ động viên Nhật Bản ở quận Shibuya của Tokyo hân hoan ăn mừng đội nhà chiến thắng trước đội Đức. “Họ có sống cùng thế giới với chúng ta không nhỉ?”, một người dùng trên nền tảng trực tuyến Weibo đã hết sức ngỡ ngàng trước cuộc sống thường nhật ở quốc gia láng giềng.
Thực tế ở Trung Quốc đang khác rất nhiều so với các nước láng giềng: riêng trong ngày thứ năm vừa qua đã có 31.000 trường hợp nhiễm bệnh, con số cao nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch, một loạt thành phố đã bị phong tỏa trở lại. Trong nhiều tháng liền cuộc sống hàng ngày của người dân Trung Quốc bị chi phối bởi các đợt xét nghiệm PCR gần như thường xuyên và người dân phải chịu đựng những hạn chế đến mức khó tin. Từ đầu năm nay việc đi lại đến các tỉnh lân cận gần như không thể. Du lịch nước ngoài còn là chuyện xa vời.
Tung tin về sự hỗn loạn ở nước ngoài do đại dịch
Người Trung Quốc không nhận được thông tin xác thực về tình hình chống đại dịch trên toàn cầu. Bộ máy tuyên truyền của các phương tiện truyền thông nhà nước tiếp tục rêu rao nước ngoài đang chìm trong hỗn loạn vì Covid và Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới bảo vệ tính mạng người dân trước virus corona. Những mặt trái của chiến lược triệt để cách ly lấp liếm trên mạng internet. Phần lớn chiến lược sống chung với virus của thế giới bị nhà nước ém nhẹm.
Trong khi đó truyền hình nhà nước CCTV phát sóng khá rôm rả về World Cup . Ở đó, người ta tự hào nhấn mạnh rằng ngay từ đầu các doanh nghiệp Trung Quốc đã rất nỗ lực để biến giải đấu thành hiện thực thông qua xây dựng sân vận động Lusail, cung cấp xe buýt điện và các khoản tài trợ hào phóng. Tuy nhiên, cuối cùng thì nhà chức trách Trung Quốc lại rất bất ngờ về tác động phản lưới nhà của hoạt động tuyên truyền của chính họ đối với người dân Trung Quốc.
Ngay ở Bắc Kinh các trận đấu của WC không được truyền hình trong các quán nhậu, nhà hàng. Từ tuần này các cửa hàng, trường học và công viên đều đóng cửa. Hàng trăm tòa nhà chung cư bị phong tỏa. Cảnh tượng trên đường phố thật buồn thảm. Thi thoảng có những dòng người xếp hàng trước các trạm xét nghiệm PCR.
Với những tin đồn về lệnh phong tỏa trở lại vào tối thứ năm, một lần nữa người ta có thể thấy người Bắc Kinh lại vội vã trên đường phố với những túi ni lông to tướng chứa đầy rau, gạo và các hàng tiêu dùng khẩn thiết để chuẩn bị cho những trường hợp khẩn cấp. Trước những vấn đề như vậy, bóng đá suy cho cùng vẫn là chuyện xa xỉ./.
Nguyễn Xuân Hoài lược dịch