RFA
Đã hơn một tháng kể từ khi tình trạng khan hiếm xăng dầu diễn ra, ban đầu ở TPHCM, rồi đến Hà Nội, và bây giờ thêm một số tỉnh thành khác trên cả nước. Tình trạng này làm xáo trộn cuộc sống của nhiều người dân, việc sản xuất, vận chuyển đều bị ảnh hưởng.
Bộ Công Thương hôm 15/11 có báo cáo về tình hình xăng dầu trong nước thời gian qua. Theo bộ này, từ khi diễn ra cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine, thị trường xăng dầu thế giới có diễn biến phức tạp, nguồn cung khan hiếm, giá liên tục tăng, giảm khó lường.
Một nguyên do khác được bộ này cho rằng do những biến động bất thường của thị trường thế giới, gây khủng hoảng về nguồn cung xăng dầu trên toàn thế giới.
Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, từ Na Uy, nhận định rằng nếu do khủng hoảng về nguồn cung trên toàn thế giới thì không chỉ Việt Nam, các nước khác cũng sẽ gặp tình trạng tượng tự. Tuy nhiên, ông không ghi nhận sự khan hiếm xăng dầu xảy ra ở phần đông các quốc gia Châu Á khác.
Phân tích về “khủng hoảng” thiếu xăng dầu trong thời gian qua ở Việt Nam, tiến sỹ Nguyễn Huy Vũ nói còn có một số ý kiến cho rằng nguyên nhân là chế độ chiết khấu cho những đại lý bán lẻ xăng thiếu hấp dẫn khiến cho các đại lý không bán xăng. Nếu mà chế độ chiết khấu thiếu hấp dẫn thì chính quyền quốc gia dễ dàng thay đổi chính sách một cách nhanh chóng để nới lỏng chính sách chiết khấu.
Điều đó sẽ diễn ra ngay sau khi các đại lý xăng ở Sài Gòn treo biển hết xăng chứ không đợi tình trạng này lan ra Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác:
“Theo quan điểm của tôi, câu trả lời cho tình trạng hiện nay chỉ có thể là do dự trữ ngoại hối của chính quyền đã suy kiệt và không còn đủ tiền để có thể nhập xăng dầu.
Chính vì lượng dự trữ ngoại tệ cạn kiệt, lại đang bị áp lực trả nợ các khoản vay vốn nước ngoài cho nên chính quyền không còn đủ tiền để nhập khẩu xăng dầu.”