Người Việt không còn mặn mà về các đối thoại nhân quyền?

- Quảng Cáo -

Nguyễn Huỳnh -VNTB

Cuộc gặp của phái đoàn ngoại giao Mỹ với người nhà một số tù nhân chính trị nổi tiếng ở Việt Nam hôm 1/11, tiếp đó là đối thoại nhân quyền lần thứ 26 với Hà Nội 2/11, diễn ra và kết thúc âm thầm. Điều này khác hẳn với không khí kêu gọi nhân quyền dưới thời Tổng thống Obama, rồi đến Trump; và lạ ở chỗ là người ta cũng dửng dưng khi không buồn so sánh trong chuyện nhân quyền thời Obama, Trump và Biden.

“Tôi cho rằng nỗ lực nội tại quan trọng hơn nhiều. Thay vì trông đợi giúp sức từ bên ngoài để cải thiện tình hình trong nước là một điều rất xa vời, phi thực tế. Nếu mỗi trí thức, người dân Việt Nam đều lên tiếng bảo vệ quyền của mình và phản đối bất công thì hiệu quả mang lại sẽ lâu bền và to lớn hơn” – luật sư Ngô Anh Tuấn, nhận định.

Trong “Báo cáo quốc gia về thực tiễn nhân quyền năm 2021, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động” được công bố hồi tháng 4 năm nay về Việt Nam, có đoạn viết như sau:

- Quảng Cáo -

“Các tổ chức phi chính phủ ước tính rằng đến tháng 8, nhà chức trách đã giam giữ từ 130 đến 288 cá nhân vì lý do chính trị. Theo giới truyền thông, từ ngày 1 tháng 1 đến 9 tháng 11, nhà chức trách đã tạm giam 29 người và kết án 27 người vì họ thực hiện các quyền con người đã được quốc tế công nhận, chẳng hạn như quyền tự do biểu đạt, tự do hội họp hòa bình và tự do lập hội.

Đa số những người bị bắt và bị kết án có liên hệ đến việc đăng blog trực tuyến, và các bị cáo bị kết án về tội “làm, tàng trữ, phát tán, truyền bá thông tin, tài liệu, đồ vật” nhằm chống lại nhà nước và “lạm dụng các quyền tự do dân chủ”.

Ngày 5 tháng 1, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tuyên án phạt tù đối với ba thành viên Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam về tội tuyên truyền chống nhà nước. Phạm Chí Dũng, người sáng lập và chủ tịch Hội, bị tuyên phạt 15 năm tù về tội “làm, tàng trữ, phát tán, truyền bá thông tin, tài liệu, đồ vật nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Đồng nghiệp của ông Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn mỗi người bị tuyên phạt 11 năm tù về một tội mà tòa án mô tả là “tội phạm nguy hiểm đe dọa an ninh quốc gia và trật tự công cộng”.

Theo báo cáo của các tổ chức phi chính phủ, nhà chức trách thường cáo buộc các nhà hoạt động phạm các tội không liên quan đến hoạt động vận động của họ như một thủ đoạn để buộc họ phải im lặng. Chẳng hạn, vào tháng 6 và tháng 7, Cơ quan cảnh sát điều tra thuộc Công an thành phố Hà Nội đã bắt Đặng Đình Bách và Mai Phan Lợi về hành vi trốn thuế.

Các nhà hoạt động cho rằng việc bắt ông Bách và ông Lợi có mối liên hệ với việc họ chỉ trích vai trò của chính quyền trong nhiều vụ việc về môi trường, đặc biệt là liên quan đến các dự án nhà máy nhiệt điện ở miền Trung Việt Nam, và liên hệ với hoạt động vận động cho tự do báo chí của ông Lợi…” (dừng trích).

Các nội dung báo cáo thường kỳ như trên đa phần đều cho thấy Việt Nam là quốc gia không thực thi đầy đủ các cam kết về nhân quyền. Tuy nhiên việc được cho là “không thực thi đầy đủ đó” được khắc phục như thế nào, có các chế tài gì thì đến nay người dân không thấy, mặc dù trên các diễn đàn phía người Mỹ kêu gọi Washington không nên mềm mỏng về vấn đề nhân quyền đối với trò chơi địa chính trị của Việt Nam trong khu vực.

Thậm chí, với tư cách là thành viên mới được bầu của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, ở lần đối thoại nhân quyền lần thứ 26 Việt – Mỹ tại Hà Nội hôm 2/11, không thấy đặt vấn đề Việt Nam nên thực hiện các bước cụ thể ra sao để chứng tỏ tôn trọng quyền tự do ngôn luận ở đất nước của mình, và ngừng bắt giữ người dân sử dụng internet để bày tỏ sự bất mãn với Đảng Cộng sản cầm quyền?

- Quảng Cáo -