Bệnh viện 12 năm vẫn… nằm trên giấy

- Quảng Cáo -

Phạm Bá

đã qua ba thời giám đốc, dự án xây mới bệnh viện vẫn chỉ thấy trên giấy. Nhân viên y tế không có chỗ gửi xe. Bệnh nhân nằm hành lang, mưa hắt, nắng ngợp… Đó là những gì diễn ra chưa có hồi kết tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình tại Sài Gòn

Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Sài Gòn không chỉ nổi tiếng vì có nhiều bác sĩ tay nghề giỏi, mà còn được biết đến vì tình trạng xuống cấp, chật hẹp, quá tải hơn 10 năm qua.

Bệnh viện chật hơn cả nhà tù

- Quảng Cáo -

Theo số liệu chính thức, mỗi ngày nơi này tiếp nhận từ 1.500-2.000 lượt khám ngoại trú, khoảng 700 bệnh nhân nội trú. Tuy nhiên, con số thực mà bệnh viện phải tải là gần 5.000 người/ngày, bao gồm người bệnh, thân nhân, 900 nhân viên y tế, sinh viên và bác sĩ đến thực tập, học hỏi.

Chừng đó con người trong một cơ sở xuống cấp, bệnh viện như một con đò rệu rã và quá tải sau khi được sử dụng liên tục 54 năm qua.

Ghi nhận sáng 1 Tháng Mười Một, người bệnh chen nhau di chuyển đến các phòng chụp chiếu, bó bột vì hành lang nhỏ hẹp. Nhiều người phải ngồi ở cả khu vực cầu thang, chặn lối đi lại. Đặc thù bệnh nhân đến đây là bị gãy tay gãy chân, chấn thương cột sống, cấp cứu tai nạn… nên việc di chuyển khá vất vả.

Hồi năm 2019, một vụ cháy xảy ra ở ký túc xá sát bên. Người bệnh vừa phẫu thuật cột sống được buộc chặt vào giường, khoảng 6-7 nhân viên y tế khiêng từ lầu 3 xuống để di tản.

Chị Đỗ Thị Trinh, Điều dưỡng trưởng Khoa Vi phẫu tạo hình, chỉ vào hàng dài bệnh nhân nằm hành lang và cho biết, lúc cao điểm, người bệnh còn tràn ra cả khu hội trường. Mỗi phòng kê kín sáu chiếc giường, không còn lối đi. Điều dưỡng và bác sĩ phải nghiêng mình lách qua. Phòng bệnh được ưu tiên cho người già và trẻ nhỏ.

“Trời nắng còn đỡ, nhưng mưa thì tội nghiệp cho bệnh nhân nằm hành lang lắm. Nếu không kéo tấm che, họ bị hắt ướt hết, còn nếu kéo xuống lại rất ngộp thở, khó chịu. Ở đây, mỗi ca nằm ít nhất ba tuần nên càng khốn khổ hơn”, chị Trinh nói.

Bệnh nhân quá khổ, nhưng nhân viên y tế cũng không sướng hơn. Bệnh viện không có bãi xe cho nhân viên, đành phải thuê nhà dân bên ngoài và xin để nhờ phần đất của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Tuy nhiên, phương án này chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu thực tế.

“Nhiều bác sĩ, điều dưỡng phải tự túc tìm chỗ gửi xe. Loanh quanh bệnh viện luôn kín chỗ nên họ phải đi xa hơn. Tôi gửi xe ở bên ngôi chùa gần đây, đi bộ sang bệnh viện hết khoảng 7 phút”, chị Th., một nhân viên đã gắn bó với Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình gần 10 năm, chia sẻ.

Mặc dù thiếu bãi giữ xe cho nhân viên nhưng bên trong bệnh viện luôn… “kẹt xe”. Nội khu chỉ có một con đường di chuyển cho cả người khám ngoại trú, chụp X quang, chuyển mổ cấp cứu, thậm chí còn vận chuyển rác thải. Đây là thách thức với một bệnh viện ngoại khoa, mỗi ngày mổ trên 100 ca. Môi trường bệnh viện mà như thế thì rất dễ nhiễm khuẩn.

Lược sử Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Sài Gòn.

Được biết, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Sài Gòn do bang Hẹ của người Hoa xây dựng vào năm 1968 với diện tích 5,051 m2. Ban đầu, bệnh viện được xây dựng cho người nghèo, lấy tên là Nhà thương Sùng Chính.

Tới năm 1978, cơ sở khám chữa bệnh này được chuyển giao cho Sở y tế quản lý, chính thức lấy tên Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình. Đến nay, tuổi đời bệnh viện đã quá 50, cơ sở hạ tầng, kết cấu công trình đã xuống cấp. Sát bên là Ký túc xá Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng cũng xuống cấp nghiêm trọng, đã xảy ra nhiều sự cố đe dọa tính mạng, sức khỏe người bệnh và nhân viên y tế.

Vào năm 2010, Chính phủ VN chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án xây mới Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình tại huyện Bình Chánh. Đến nay, 12 năm trôi qua, trải qua ba đời giám đốc, bệnh viện mới vẫn… nằm trên giấy.

Cả một bộ máy chính quyền thành phố với bộ sậu tham mưu bên dưới như Sở Y tế, Sở Kế hoạch&Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài chính… quả là một đám ăn hại khi suốt 12 năm vẫn không thể xây nổi một bệnh viện mới cho dân được nhờ…/.

- Quảng Cáo -