Tâm lí học sư phạm không dạy thì tôi dạy. Giáo viên nào không thích nghe thì đừng vào trang này. Nghe nói có lệnh cấm chia sẻ những tiêu cực trong giáo dục để… chỉ có thể là tạo điều kiện cho quan chức giáo dục được tự do tiêu cực!
Tự do tiêu cực đến mức gây chết người như đã từng xảy ra. Thế này thì cụ Tổng có sống thêm ba trăm năm với thêm trăm nhiệm kì nữa cũng không thể đốt hết rác tiêu cực, nếu cụ có thực tâm.
Với lương tâm và trách nhiệm của người thầy, tôi chia sẻ cho các bạn điều tôi biết, nếu các bạn còn có chút lương tâm của một nhà sư phạm.
Quay lại chuyện clip trò gọi thầy bằng mày tao và văng tục giữa lớp học. Trước tiên, tôi hoan hô Sở Giáo dục Khánh Hòa với cái tâm thư xin không kỉ luật cả thầy và trò. Đó là cái tâm sư phạm. Tâm sư phạm là cảm thông và chia sẻ khi hiểu tâm lý đối tượng. Tình huống trong clip ai cũng có thể mắc phải chứ không riêng thầy trò kia. Nhưng để chuyện xảy ra thì phải rút kinh nghiệm. Thậm chí kinh nghiệm phải được chia sẻ công khai chứ không phải che đậy. Che đậy sự vụ này ắt đẻ ra sự vụ khác.
Xem lại clip và phân tích kỹ thì mới thấy, ngoài việc nhà trường buộc thầy dạy trái chuyên ngành gây phản ứng của học sinh thì trong chuyện này có lỗi bắt đầu từ người thầy.
Clip không ghi cảnh trước đó, nhưng qua đối thoại, có thể hiểu, thầy vừa vào lớp đã vặn tai nữ sinh vì phạm lỗi gì đó mà thầy gọi là “tao cấm!” Ở ta trò này quen tay ở người lớn, chứ ở phương Tây, nữ sinh kia có thể gọi police tố cáo hành vi xâm phạm tình dục hay ít ra là xâm phạm cơ thể nữ sinh và thầy giáo có thể bị còng tay. Dái tai là cơ quan nhạy cảm (người ta âu yếm, làm tình ở chỗ đấy). Không phải ngẫu nhiên mà nữ sinh nhắc đi nhắc lại: “Ông có quyền gì mà véo tai tôi?”
Cả đoạn clip dài, nữ sinh toàn xưng “ông – tôi”. Chỉ đến khi thầy giáo nổi giận lên xưng hô với nữ sinh bằng “mày – tao” thì nữ sinh mới đáp trả bằng “tao – mày”. Đây là một phản xạ có điều kiện khi sóng não trẻ con ở tần số delta. Điều này chúng ta có thể bắt gặp trong bất cứ cuộc đối thoại nào khi cả hai đều đang nổi giận. Có nghĩa là chính thầy giáo đã dồn áp lực và bắt cầu cho trẻ em hỗn. Bạn nào chưa ở tình huống này, thử một lần chọc trẻ em, đẩy nó vào thế giận dữ và xưng tao gọi mày với nó xem?
Từ clip trên, tôi chân thành khuyên các giáo viên ba điều:
1) Không đôi co với học sinh, bởi lúc học sinh dám đôi co thì ắt có nói cách gì nó cũng không biết lỗi. Nếu học sinh phạm lỗi, không nên mắng nhiếc, bẹo tai, phê bình trước lớp. Chỉ nhắc nhẹ và chờ cơ hội cả hai ở trạng thái hoà nhã trao đổi riêng cho học sinh biết lỗi.
2) Khi đùa vui nếu có xưng hô “mày – tao” với học sinh thì không vấn đề gì, thậm chí thân thiện, nhưng khi tranh luận hoặc đang ở trạng thái giận dữ mà xưng hô “mày – tao” thì ắt bị ăn miếng trả miếng và thiệt hại thuộc về thầy.
3) Đã lỡ mắc lỗi thì nên đón nhận lỗi lầm về mình và xin lỗi ngay. Tất cả mọi hành vi đổ lỗi và cố tình ngụy biện để che giấu lỗi đều chỉ có thể làm cho lỗi lầm càng nghiêm trọng và tai tiếng không thể xóa nhòa được. Điều này không chỉ dành cho giáo viên mà chủ yếu cho các nhà quản lí giáo dục.
Tôi không thể đồng tình với các giáo sư và những nhà sư phạm khi cho rằng, thời chúng ta bị thầy đánh, cha mẹ đánh hoặc bị bắt quỳ trước tập thể, nhờ thế mà chúng ta nên người, tại sao bây giờ động chạm đến trẻ con là sinh chuyện? Vì cưng chiều quá mà trẻ em hư? Thưa các giáo sư và những nhà sư phạm, tâm lý của trẻ bây giờ đã khác. Thời của chúng ta đói khát, chỉ có mỗi nhu cầu ăn uống. Đau thì mới sinh ra đã đau, đau từ bà mụ móc ta ra từ bụng mẹ, đau với gai châm, muỗi chích, ong cắn, đau với ghẻ lở… Có bị đánh đòn hay bị mắng nhiếc trước chỗ đông người thì cũng đã thành chai sạn. Còn trẻ bây giờ không phải thôi thúc bởi nhu cầu ăn uống. Nhu cầu trẻ bây giờ là giải phóng tinh thần và thể hiện sự tự trọng rất cao. Chúng sợ đau và rất nhạy cảm với nỗi đau, nhạy cảm với sự sỉ nhục. Và vì thế, mỗi hành vi tiêu cực của người lớn tác động lên trẻ đều để lại chấn thương sâu thẳm vào vô thức. Chúng dễ bị sốc và rơi vào các triệu chứng nhiễu tâm, rối loạn chức năng thần kinh.
Giáo dục hiện đại vì thế, đòi hỏi nhà sư phạm hết sức thận trọng. Chỉ cần sai sót, chúng ta có thể đẩy trẻ em vào các triệu chứng tâm thần, thậm chí đẩy chúng vào chỗ chết.
Chu Mộng Long