Trong vụ bạo hành ở Trường THPT Hai Bà Trưng, Huế, một số bạn cho rằng, do “dân chủ quá trớn”, từ cái gọi là “lấy học sinh làm trung tâm” mới có chuyện học trò tố cáo thầy và kết quả là một cô giáo bị sử dụng vũ lực tống ra khỏi lớp học.
Tôi đảm bảo với các bạn, ở đâu chứ ở Việt Nam, không có học sinh nào tự động dám làm điều ấy. To đầu như giáo viên, thậm chí giáo sư, tiến sĩ thấy sai trái còn chưa dám đứng đơn tố cáo, huống hồ là trẻ con.
Tôi nhắc lại chuyện liên quan đến cá nhân tôi, như một trải nghiệm để các bạn hiểu, vì sao có chuyện trò tố cáo thầy. Cách đây hơn chục năm, tôi và nhiều thầy cô giáo đấu tranh chống nạn độc tài, tham nhũng của đám quan chức lãnh đạo nhà trường. Báo chí đăng bài liên tục về sai phạm của trường, Thanh tra Bộ về thanh tra và Công an tỉnh vào cuộc khởi tố hình sự.
Trước ngày Thanh tra Bộ về, mới 6 giờ sáng, tại văn phòng khoa tôi, Trưởng khoa theo lệnh Phòng Tổ chức cán bộ mở một cuộc đấu tố bằng cách cho cán bộ đoàn thanh niên lên tố vắng mặt tôi. Được tin báo, tôi vào khoa, thấy tôi, họ lo giải tán gấp. Tôi hỏi học trò, khoa mời lên sớm để làm gì thế? Học trò kể lại rằng “chúng em bị bắt ép tố thầy để đưa vào biên bản, nhưng chúng em không ai nói gì”. Tôi cười: “Thầy sai thì cứ tố thầy chứ, tố một cách trung thực, thầy không trách đâu!”
Sau đó Thanh tra Bộ về. Ngay hôm sau họ làm cái điều mà Khoa tôi làm dở dang. Ngày đầu tiên, trước khi gặp chúng tôi, Thanh tra Bộ làm việc với cán bộ Đoàn thanh niên. Nghe tin, tôi cười vang rồi mang máy ghi âm, chụp hình lên để ghi lại. Tôi đừng ngoài chụp hình và nghe họ mớm học trò tố tôi và các thầy đứng đơn tố cáo tiêu cực tại trường. Chiều hôm đó tôi vạch trần cái trò đó và kết tội luôn, rằng Thanh tra Bộ về trường không lo thanh tra, xác minh trung thực mà có hành vi vô đạo xúi giục học trò vô đạo. Chứng cứ rành rành, Thanh tra Bộ hết đường chối cãi.
Thông tin về Trường THPT, Huế có chuyện học trò tố cô giáo đòi thay cô giáo khác và trở thành cái cớ để lãnh đạo cho người sử dụng vũ lực đuổi cô giáo ra khỏi lớp như một trò hạ nhục, tôi hình dung ra ngay sự vụ. Chỉ có thể đám lãnh đạo đã xúi giục học trò tố cáo cô giáo, hạ nhục cô giáo để dập tắt tiếng nói đấu tranh của cô giáo. Điều này tôi từng trải nghiệm nên không khó nhận ra.
Chính những kẻ quản lý giáo dục có hành vi vô đạo mới biến học trò thành kẻ vô đạo chứ không phải do “lấy học sinh làm trung tâm”. Tôi đảm bảo thầy cô giáo yêu thương học sinh như yêu thương con mình, không có trẻ em nào đối xử với thầy cô một cách vô đạo cả. Thật đấy!
Chu Mộng Long