Mã chứng khoán giảm giá thì có thể sức khỏe doanh nghiệp đấy có vấn đề, nếu chỉ số VN Index xuống thì sức khỏe nền kinh tế đang yếu. Hiện nay chỉ số VN index đã mất gần 200 điểm trong tháng qua cho thấy triển vọng của nền kinh tế không khả quan. Xu thế chung của nền kinh tế là khó khăn.
Thị trường vốn đang khó khăn. Ngày 24 Tháng Mười, Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành lên thêm 1%, điều này có nghĩa là nguồn vốn vay ngân hàng đang bị siết. Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ biết bám víu vào nguồn vốn vay ngân hàng. Hết 95% doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ. Họ đang bị bóp mũi rất khó thở để tồn tại.
Các doanh nghiệp lớn thì ngoài nguồn vốn vay ngân hàng họ còn có nguồn vốn huy động từ Thị trường chứng khoán, trong đó có thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu. Với việc khui ra vụ lừa đảo của Trịnh Văn Quyết, chính quyền siết chặt hơn thị trường sơ cấp (thị trường các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu để huy động vốn) nên đã 6 tháng qua chỉ có một cổ phiếu mới chào sàn ở Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM – HoSE.
Với thị trường trái phiếu thì đang gặp bão lớn. Với vụ bắt Đỗ Anh Dũng – Tân Hoàng Minh cách đây hơn 6 tháng đã làm cho kênh huy động vốn trái phiếu doanh nghiệp ảm đạm. Chỉ riêng vụ bắt Tân Hoàng Minh đã khiến cho nhiều doanh nghiệp vội vã mua lại trái phiếu của họ trước thời hạn để tránh hậu hoạn và các doanh nghiệp mới muốn phát hành trái phiếu huy động vốn cũng phải thụt vòi vì nơi đấy đầy cạm bẫy. Vin Group – một doanh nghiệp có thể “hô mưa gọi gió” cũng đã phải nghĩ ra cách lách ra khỏi thị trường trái phiếu để tìm cách khác huy động vốn. Việc lập ra công ty VMI để huy động tiền nhà đầu tư tựa như phát hành trái phiếu, tuy nhiên cách này không thông qua thị trường chứng khoán. Đấy! Đến Vin còn ngán nhảy vào thị trường trái phiếu lúc này thì ai mà không sợ?
Thị trường trái phiếu vốn đã ảm đạm thì Bộ Công an lại bồi tiếp vụ bắt giữ Trương Mỹ Lan làm cho thị trường này làm thêm ảm đạm hơn. Vụ bắt giữ Trương Mỹ Lan không chỉ ảnh hưởng đến thị trường trái phiếu mà nó còn ảnh hưởng đến hệ thông ngân hàng thương mại. Nếu bứt dây mà không cân nhắc, ông Nguyễn Phú Trọng có thể giật sập thị trường vốn của Việt Nam như chơi. Vụ Vạn Thịnh Phát là một kho bom mà hiện nay nó chỉ mới nổ có vài trái, chưa biết nó có kích nổ tiếp các trái bom khác hay không.
Thị trường vốn mong manh thế, ảm đạm thế, vậy mà đồng USD cứ tăng giá như tên bắn. Việc USD tăng giá là so với mọi đồng tiền khác trên toàn cầu chứ không chỉ riêng Việt Nam, tuy nhiên Ngân Hàng Nhà Nước không thể không can thiệp để tránh đồng Việt Nam trượt giá quá mạnh. Mà Ngân hàng nhà nước can thiệp thì kho dự trữ ngoại tệ cứ vơi đều. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra ít nhất 21 tỷ USD để bám đuôi đồng tiền này. Kho dự trữ ngoại tệ mà vơi thì dư địa để ra chính sách ổn định kinh tế không còn nhiều. Nói chung là không gian để đối phó với khủng hoảng càng ngày càng hẹp.
Trong lúc tình hình kinh tế như vậy, doanh nghiệp nào cũng khó khăn nhưng đặc biệt có một doanh nghiệp doanh kinh doanh giấy đế, vàng mã tăng gấp đôi lên hơn 100 tỷ. Cổ phiếu của của công ty này tăng 85% so với cùng kỳ. Điều này nói lên vấn đề gì? Vấn đề u mê của một dân tộc. Khi kinh tế khó khăn người ta không chịu nghĩ cách giải quyết một cách lý trí mà họ lại đổ tiền vào việc cúng vái. Đã cạn tiền mà lại đem đốt tiền.
Trong lúc kinh tế khó khăn thì cả lãnh đạo nhà nước và người dân cần dùng lý trí nhất. Chỉ có lý trí mới có thể thoát ra từ bế tắc, còn mê tín thì chỉ có thể làm cho tình trạng lún sâu vào bế tắc hơn. Với quan chức Cộng Sản thì họ cũng chẳng khá hơn. Họ cũng mê tín nặng chứ ít dùng lí trí./.