Tâm lý thù địch
Bất chấp những thất bại và bước lùi gần đây trên chiến trường ở miền đông Ukraine cho thấy dấu hiệu Putin sa lầy và đang rơi vào tuyệt vọng, sự lên án của Liên Hiệp Quốc lên án vi phạm luật pháp quốc tế, tình thế khó khăn và cô lập của nước Nga, một bộ phận giới tinh hoa Việt Nam vẫn khăng khăng thái độ ủng hộ các quyết định của Tổng thống Putin về cuộc chiến. Ngay từ giai đoạn đầu, thái độ cuồng Putin đạt đỉnh điểm với ý kiến rằng Putin có công phục hồi sức mạnh của nước Nga về kinh tế và quân sự, và ảo tưởng ‘lấy lại những gì đã mất’ từ thời Liên bang Xô Viết (viết tắt tiếng Nga là CCCP). Cho đến bây giờ chính quyền Ukraine vẫn bị coi là xấu xa, mang tư tưởng phát xít, bài Nga và thân phương Tây, Mỹ và NATO đe doạ an ninh của Nga và áp đặt cuộc chơi để thống trị thế giới… Thái độ này ngày càng trở nên cực đoan khi cho rằng diễn biến và phân tích chiến sự bất lợi cho Nga chỉ là “tin rác” tuyên truyền, Tổng thống Putin đã bị dồn vào chân tường, những gì ông ta làm và sẽ làm đều có tiền lệ như can thiệp của NATO vào Kosovo, Mỹ xâm lược Irắc và ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản… và, rằng chẳng lẽ ông Putin “quỳ xuống van xin” Mỹ và phương Tây!?
Ký ức về một thời đã qua nhưng vẫn sâu nặng về người Nga ‘tốt bụng’ và đất nước hùng vĩ, hoài niệm văn hoá bao dung và tình cảm quốc tế, sự giúp đỡ vô tư… là một trong những nguyên nhân của thái độ ủng hộ Putin bất chấp bối cảnh thực tế đang thay đổi mạnh mẽ. Hơn thế, đằng sau tâm lý thù địch Mỹ và phương Tây là chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa anh hùng cách mạng… mang cội nguồn ý thức hệ cộng sản (CS), được cho là có ưu thế trong điều kiện chiến tranh.
Níu kéo
Thái độ ủng hộ Tổng thống Putin xuất phát từ tâm lý thù địch mang nguồn gốc ý thức hệ cộng sản còn ‘sâu nặng’ trong một bộ phận trí thức, giới tinh hoa, các thế hệ lớn tuổi, từng học tập, lao động, công tác ở Liên Xô cũ hoặc những người được hưởng lợi từ chế độ và cố níu kéo để duy trì.
Thực tế cho thấy chủ nghĩa mang tên nhà tư tưởng K. Marx (Mác) (1818-1883) dẫn dắt xã hội hướng tới một tầm nhìn không tưởng về chủ nghĩa cộng sản, trong đó cá nhân cần được giải phóng khỏi “ý thức sai lầm” của chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, ông đã không thể ‘thiết kế’ con đường dẫn đến điều không tưởng này. Những môn đệ theo ông đã tiến hành cách mạng XHCN, phá huỷ tất cả những gì thuộc về CNTB, về chính trị, kinh tế và đạo đức. Như chúng ta biết, về mặt chính trị, chủ nghĩa Mác tìm cách phá hủy pháp quyền, tam quyền phân lập và tự do ngôn luận để thiết lập chế độ chuyên chế dưới sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng Cộng sản, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Về mặt kinh tế, nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, như một công xưởng khổng lồ, được tạo dựng sau quá trình quốc hữu hoá, xoá bỏ sở hữu tư nhân và thị trường. Về mặt đạo đức, nó tìm cách tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân, tự do tôn giáo và tư tưởng độc lập… Và trên đống đổ nát này, một nhà nước được cai trị bởi một tầng lớp tinh hoa toàn năng.
Hệ tư tưởng này khá phức tạp để nhận diện đầy đủ nhưng ngày càng suy thoái khi việc thử nghiệm trong thế kỷ 20 đã thất bại, hệ thống XHCN sụp đổ, Liên Xô (CCCP) tan rã, Venezuela lụn bại… Tuy nhiên, nó còn ‘sức sống’ trong vài quốc gia có chế độ Đảng Cộng sản toàn trị theo mô hình Trung Quốc thực dụng, trong đó có Việt Nam. Theo đó, dưới sự lãnh đạo độc quyền của Đảng Cộng sản: “tầng lớp tinh hoa toàn năng” được tổ chức trong bộ máy đặc quyền đặc lợi tiến hành chính sách thực dụng “cải cách và mở cửa”, chuyển đổi nền kinh tế theo thị trường để tránh sụp đổ chế độ.
Trong bối cảnh như vậy một bộ phận giới tinh hoa có cơ hội níu kéo khi biện minh, rằng khó khăn trên con đường tiến đến CNXH là tạm thời, thị trường chỉ là công cụ chứ không là CNTB, chính sách thực dụng là sách lược… và, tăng trưởng vẫn được nỗ lực duy trì như sự đảm bảo cho chế độ và tính chính danh của Đảng CS… Cách thực hành tư tưởng và chính sách thực dụng như trên, trước hết, khiến nền kinh tế phụ thuộc hơn vào đầu tư nước ngoài mà thực chất là vốn tư bản và, về tư tưởng chính trị, làm nảy sinh ‘thứ tín ngưỡng’ có nguồn gốc ý thức hệ cộng sản.
Tín ngưỡng
Ý thức hệ này đang là thứ tín ngưỡng. Tín ngưỡng là sự biểu thị cảm giác hay tin chắc vào điều gì đó được cho là tồn tại hoặc có thật. Niềm tin vào một xã hội tốt đẹp, theo tuyên truyền là CNXH, trước hết, được hình thành trong quá khứ đấu tranh giành độc lập dân tộc, xoá bỏ bóc lột, bất công… Niềm tin này đã từng tạo sức mạnh giúp nhiều thế hệ vượt qua khó khăn và nuôi dưỡng hy vọng. Tuy nhiên, quá trình vận hành tư tưởng thực dụng, chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường mà vẫn duy trì chế độ Đảng Cộng sản toàn trị, càng lâu càng bộc lộ những bất cập và mâu thuẫn giữa hai hệ thống giá trị đối nghịch, giữa thượng tầng kiến trúc và cấu trúc hạ tầng, lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất… Và, hậu quả để lại là nghiêm trọng, điển hình là quốc nạn tham nhũng, tiêu cực và bê bối của bộ phận lãnh đạo đảng viên khiến Đảng Cộng sản đã buộc phải thừa nhận là do sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Khi niềm tin không được củng cố bởi thực tế và không được làm sáng tỏ bởi lý luận, mà chỉ dựa vào tuyên truyền, thì nó dần trở thành thứ tín ngưỡng, tôn giáo.
Bức tranh thực tế với gam màu sáng tối tương phản giữa người cộng sản ‘nguyên thuỷ’ và ‘tín đồ’ ý thức hệ là không thể biện minh. Sự cam kết kiên cường theo chủ nghĩa Mác và hành động theo nó như một lý do để sống, một lý do để hy sinh như cha ông họ trong chiến tranh giành độc lập dân tộc tương phản với thái độ thực dụng và cơ hội chính trị, trong đó bộ phận không nhỏ lãnh đạo lợi dụng quyền chức để trục lợi và giàu lên nhanh chóng, tạo nguồn cơn bất công xã hội, khoét sâu hố ngăn cách giàu nghèo. “Đội quân tiên phong” theo lời kêu gọi của Mác ra khỏi “tháp ngà”, thoát khỏi “quá khứ bụi bặm” CNTB, coi bản thân như một tác nhân của sự thay đổi chứ không phải là học giả đơn thuần tương phản với lời kêu gọi hành động của Mác – “vô sản toàn thế giới liên hiệp lại” chỉ dành cho tầng lớp cần lao, những người dân bình thường đang nỗ lực tự thích nghi với thị trường, vật lộn tự cứu mình…
Thứ ‘tín ngưỡng ý thức hệ’ bộc lộ rõ ràng hơn qua nhận thức và thái độ của một bộ phận giới tinh hoa đối với cuộc chiến Nga – Ukraine, với biểu hiện bề ngoài là trung thành với lý tưởng nhưng thực ra ẩn chứa động cơ trục lợi, cơ hội. Nó cần được nhận diện rõ ràng hơn trong tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội để giảm thiểu nguy cơ đối với chính sách cải cách với tư tưởng thực dụng, có thể chỉ là sách lược, nhưng không “thù địch” với phương Tây và tôn trọng luật pháp quốc tế.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.