VietTuSaiGon – RFA
Có khi nào chúng ta đặt câu hỏi: Vì sao con cái chúng ta trở nên khó bảo và hỗn xược, cho dù chúng ta đã dồn hết tâm lực để lo cho chúng?
Hoặc giả chúng ta hỏi vì sao nền giáo dục ngày càng trở nên đổ đốn, mà không riêng gì ngành giáo dục, hầu như mọi ngành trong đất nước này đã chạm với điều tệ hại nhất: Băng Hoại!
Và, khi xuất hiện ngày càng nhiều những tai nạn nghề nghiệp từ ngành giáo dục, tỉ như nạn buôn bán tình dục trong ngành, nạn tự tử của giáo viên, lẽ nào chúng ta không có câu hỏi tương ứng?
Thử đặt lại vấn đề, vì sao con cái chúng ta trở nên khó bảo? Và, trước khi trả lời câu hỏi này, phải trả lời trực tiếp một câu hỏi khác về thế hệ, có một thực tế là hầu hết, hay nói khác đi là toàn bộ những trí thức được đào tạo trước 1975 đã chính thức về vườn hơn mười năm nay, cho dù họ trở cờ với chế độ cũ hay không. Điều đó chứng tỏ rằng hơn mười năm nay, tiếng nói và sự tác động của nhóm này lên giáo dục là hoàn toàn không có. Và cũng để thấy rằng mọi động thái về sau của chúng ta là do chính chúng ta tạo nên và chịu trách nhiệm.
Trở lại câu hỏi vì sao con cháu chúng ta trở nên khó bảo, có lẽ, câu trả lời phải là một câu hỏi: Chúng ta trở nên khó bảo, khó ưa và cáu gắt, giận dữ từ lúc nào?
Lần mò theo quá khứ, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng từ lúc bước vào đời, từ lúc tham gia những gì thuộc về tập thể, thuộc về xã hội, chúng ta đã hoàn toàn đánh mất tự do và sự trong sáng, chúng ta sống với khái niệm, với tập thể và chúng ta đấu tranh, len lỏi, gượng dậy, ngoi lên, đạp đối phương giữa đám đông ấy. Thế hệ của chúng ta cũng như nhiều thế hệ sau nữa chịu chung một thứ triết lý sống rằng “Trai khôn lấy vợ chợ đông/ Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân”. Bởi chỉ có hai chốn ấy mới tỏ rõ khả năng tồn tại, khả năng tranh đoạt và đạp qua đối phương của chúng ta!
Một khi thứ tư duy ấy cộng với môi trường sinh hoạt đầy khắc nghiệt xã hội chủ nghĩa, cái kết mà chúng ta phải đón nhận, hệ quả nhân cách của chúng ta là một sự méo mó, một cuộc tranh đoạt từ vô thức. Hay nói khác đi, chúng ta “sống, chiến đấu…” rồi mới làm chuyện khác, thế thì đừng hỏi tại sao con của chúng ta trở nên khó bảo, bởi ngay từ trứng nước, từ tấm bé, chúng đã phải trải qua thảm cảnh của đấu tranh, của ngoi lên, của bất lực và cay đắng trước sự lấn lướt của cái ác, điều bất công… và chúng phải gồng lưng tranh đấu một cách yếu ớt theo cách của chúng.
Về phần chúng ta, mãi miết tranh đấu với cơm áo gạo tiền, công việc, sự nghiệp, cấp trên, đồng nghiệp… dường như chúng ta chẳng bao giờ đủ thời gian để làm cha làm mẹ đúng mực. Và kết quả là con chúng ta có thể có thừa tiền của chúng ta cho chúng nhưng chưa bao giờ hoặc quá hiếm khi chúng nhận được sự ân cần, ấm áp, chia sẻ đúng mực từ cha mẹ của chúng. Điều này dẫn đến tình trạng con cái ngày càng cô đơn và ương ngạnh, xã hội ngày càng trở nên căng thẳng.
Và nếu chúng ta đặt tiếp vấn đề về điều này, thì dễ dàng nhận ra rằng từ ngày đi học, chúng ta đã không may mắn, chúng ta được đào tạo trong một môi trường chỉ có đấu tranh, ganh đua khắc nghiệt và hơn hết là con người được dạy soi mói, đấu tố nhau bằng hình thức sao đỏ, bằng những kiểu thi đua, phấn đấu, nỗ lực làm đoàn viên tốt, đoàn viên ưu tú, đối tượng đảng… Mọi thứ cơ hội đều chứa đầy thuốc độc giết chết lương tri và lòng lân mẫn của chúng ta.
Để đến một lúc nào đó, chúng ta trở nên bình thường và có cảm tình với cái ác, với thủ đoạn triệt tiêu lẫn nhau và với đạp bỏ, soán công, dè bĩu, thọc gậy vào hông nhau… Thế thì cái nền giáo dục nào đã tạo ra con người chúng ta và cái nền giáo dục nào đang đào tạo con cái chúng ta?
Một nền giáo dục mà ở đó, con người chỉ có cơ hội quay cuồng và quay cuồng để kiếm tiền, để đua bất tận trước quyền lực, bành trướng, lấn lướt, đâm bị thóc thọc bị gạo, thỏa mãn bản năng và phô trương đạo đức, phô trương lòng tốt, phô trương tính nhân đạo một cách vô sỉ… Vậy thì làm sao con cái chúng ta có thể bình yên mà sống với tuổi thơ của chúng được?!
Rất khó, phải nói rằng rất khó để trở lại với bản nhiên con người một khi chúng ta đã bị xô ra khỏi dòng chảy nhân loại bằng một thứ thể loại làm người quái gở, không giống ai quá lâu!
Sự khốn nạn kéo dài lâu đến mức chúng ta nhìn nó bằng ánh mắt vô cảm, vô hồn và thậm chí chúng ta thấy sự khốn nạn trở nên thân thuộc, chẳng có gì đáng nói. Thử nhìn lại, một nền giáo dục mà hiệu trưởng hoặc lãnh đạo ngành trở thành những tú ông, tú bà và cùng lắm thì bị cách chức, bị phạt qua loa chiếu lệ, xã hội vẫn cứ bình ra tán vào rồi lại chìm xuồng, một nền giáo dục mà ông bộ trưởng giáo dục phát biểu rằng sinh viên chỉ được bán dâm không quá hai lần, một nền giáo dục mà nạn tham ô, bóc lột tình dục diễn ra như cơm bữa, một nền giáo dục mà ở đó giáo viên sợ phụ huynh như sợ kẻ khủng bố hoặc giáo viên nữ trở thành con mồi của những tay lãnh đạo hiếu dâm… Thì câu chuyện chưa đủ để chúng ta suy nghĩ hay sao?
Một cô giáo được mọi người đánh giá là hiền hòa, dễ thương, nhiệt tình với công việc, có con nhỏ chưa đầy 30 tháng tuổi, có chồng ở xa, mọi điều kiện công việc/công tác được đặt trong một sự trái khoáy, tréo ngoe nào đó và cuối cùng, sau mọi nỗ lực để vượt qua, cô đã chọn cái chết bằng cách đến một bãi đất rộng để uống thuốc tự tử, trước khi chết, cô để lại lá thư tuyệt mệnh, trong đó, cô nhấn mạnh rằng nếu có kiếp sau, cô sẽ không chọn cái ngành đáng kinh tởm mang tên “giáo dục” này! Tại sao lại ra nông nổi như vậy?
Phải chăng quá trình quá lâu dài mà chúng ta đã sống trong môi trường lươn lẹo, vô cảm, thủ đoạn và để cái ác mặc sức hoành hành đã khiến chúng ta chẳng còn chút lương thiện nào để đánh thức? Và khi bước vào đời, thay vì chúng ta bước vào một giấc mơ tương lai, bước vào một cuộc đời lương thiện/thánh thiện, chúng ta lại chọn bước vào một tương lai đấu tranh và đấu tranh không ngưng nghỉ, để bước qua rất nhiều nấc thang số phận đồng loại, để được ngạo nghễ, tự hào trong nỗi đau khổ của tha nhân?! Đừng nghĩ là mình không có tội trong chuyện này!
Và cho đến ngày hôm nay, chúng ta nhìn lại để thấy rằng mình từng là con cái rất khó bảo của cha mẹ mình, và con cái của mình rồi cũng sẽ rất khó bảo trong tương lai. Bởi chúng cũng chịu chung một số phận giáo dục và xã hội giống chúng ta, chẳng có gì khác. Chúng thật tội nghiệp và đau đớn, và chúng không hề hay biết, chẳng khác gì chúng ta đã từng!
Bởi con cái cũng rất giống chúng ta, chúng không có tự do và đánh mất bản nhiên từ lúc bước vào trường học. Và cái lỗi này là của cả một dân tộc! Cái lỗi của việc dung túng và cam chịu một nền giáo dục vô cảm, thiếu tính người!