Tập đang giành lấy những gì Putin muốn có ở Trung Á

- Quảng Cáo -

Timothy Trinh

Đừng nhìn những gì Tập Cận Bình đã làm trong tuần rồi chỉ qua lăng kính của mối quan hệ đối tác giữa Bắc Kinh và Moscow. Tham vọng của Tập nên được nhìn thấy xa hơn, xuyên qua sách lược bành trướng của Trung Quốc đến các nước láng giềng Trung Á – các thành viên cũ của Liên Xô trước kia.

Trung Quốc nói chung, và cá nhân Tập nói riêng, đến với các cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Uzbekistan, không chỉ gặp Vladimir Putin ở bên lề để thảo luận mối quan hệ giữa hai thể chế độc tài.

Tham vọng của Trung Quốc là mối quan hệ với tất cả các quốc gia SCO.

- Quảng Cáo -

Trước khi đến Uzbekistan, Tập đã chính thức đến thăm Kazakhstan, và nhận được Huân chương Đại bàng vàng do Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev trao tặng vào hôm thứ Tư.

SCO là một tổ chức an ninh chung liên chính phủ được thành lập theo sự kêu gọi của Bắc Kinh vào năm 2001 với các thành viên Trung Quốc, Nga, và 4 quốc gia Trung Á gồm có Uzbekistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan.

Trung Quốc cần đến sự hợp tác bền vững với các quốc gia Trung Á để có thể phát triển những dự án Vành đai và Con đường từ đại lục đến châu Âu.

Trong bối cảnh Nga đang đối mặt với những thất bại nặng nề trên chiến trường Ukraine và bị sức ép kinh tế gia tăng từ Hoa Kỳ và các đồng minh, Moscow đang đang bám vào Bắc Kinh như một cái phao.

Nga đang tăng xuất khẩu năng lượng trong đó gồm có khí đốt và khí tự nhiên hóa lỏng LNG với giá rẻ sang Trung Quốc, và đẩy mạnh công trình xây dựng một đường ống mới “Power of Siberia 2” để dẫn khí đốt từ Siberia, thay vì đến châu Âu, sẽ đến Trung Quốc ngang qua Mông Cổ.

Sau hơn 6 tháng chiến tranh ở Ukraine, Putin đã đến với SCO như một con gấu bị sứt móng và gãy chân.

Tập là một con cáo già, đang nắm vững lợi thế đối với Putin, và sẽ không làm nhiều hơn những gì mà Bắc Kinh đã làm cho Moscow – lặp lại những lời sáo rỗng “ủng hộ vô điều kiện”.

Điều chủ yếu mà Tập đang làm, là khai thác những thất bại của Putin để nâng cao vai trò lãnh đạo của Trung Quốc đối với các nước Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan.

Hiện nay, tình huống khó xử của Tập đến từ hai mặt. Thứ nhất, ông ấy vẫn muốn nâng đỡ Moscow nói chung và cá nhân Putin. Nhưng thứ hai, nếu Tập quá chú tâm vào vấn đề đó, ông ấy sẽ tạo ra sự căng thẳng trong mối quan hệ với các nước láng giềng Trung Á – những quốc gia đang bày tỏ rõ ràng sự khó chịu của họ đối với Nga và khiến SCO không có khả năng “tán thành” các hành động của Putin.

Vì lý do này, nhiều khả năng Tập sẽ tiếp tục “hỗ trợ ngoại giao” cho Putin, nhưng sẽ không cung cấp vũ khí và các phương tiện quân sự mà Nga đang cần đến.

Mặt khác, trên thực tế, Trung Quốc sẽ làm như tuân thủ các lệnh trừng phạt của phương Tây để tránh gây họa cho chính mình, và triển khai ngôn ngữ truyền miệng về “hòa bình” và “ổn định” nhằm xoa dịu các quốc gia Trung Á và các đối tác toàn cầu, những ai đang không yên tâm về cuộc chiến của Nga xâm lược Ukraine.

Tập đang tận dụng cơ hội để giành lấy những gì Putin muốn có ở Trung Á./.

Người Đà Lạt Xưa

- Quảng Cáo -