Trần Đông A – VOA
Chút hoài niệm lẫn nỗi luyến tiếc khứ cũng có thể là cội nguồn tình cảm của dân Việt Nam với nước Anh quân chủ lập hiến.
Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị đã nói chuyện với Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh trong lễ trình quốc thư: “Các hoàng tử và công chúa con tôi đều rất yêu Việt Nam và có nhiều chuyến đi tới Việt Nam. Riêng Hoàng tử Andrew còn đặc biệt thích mua các món đồ Việt Nam từ tranh vẽ, gốm sứ trang trí… và đem về treo khắp cung điện”.
Truyền thông Việt Nam đã liên tục đưa tin và bình luận về sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị (Nữ hoàng). Rất nhiều báo, cho đến hôm nay vẫn để hình bà ở vị trí số một trên trang nhất của mình. Các tờ như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VnExpress, Dân Trí, Zing.news… đều chạy tít lớn về sự qua đời của Nữ hoàng. Tuổi Trẻ và Zing đặt tiêu đề “Nữ hoàng Anh Elizabeth II băng hà”, Thanh Niên và VnExpress dùng từ “qua đời” và một số báo khác sử dụng từ “tạ thế”. Báo chí đưa tin dày đặc và trọng thị, điểm lại cuộc đời, sự nghiệp của bà suốt 70 năm trị vì, cùng những hình ảnh đánh dấu các cột mốc của đời bà cũng như cách thức “Chiến dịch cầu London” hoạt động và phản ứng của các nguyên thủ quốc gia trên thế giới đối với tin này…Tất cả những điều vừa liệt kê là một hiện tượng lạ. Kể cả những lời chia buồn của người Việt Nam sống, làm việc và học tập ở Anh quốc hay những người có những kỉ niệm riêng với Nữ hoàng cũng được báo chí trong nước đưa tin. Xưa nay, truyền thông Việt Nam chưa dành cho bất cứ một nguyên thủ nước ngoài nào một sự kính trọng và những tình cảm nồng hậu như thế.
Dòng nước ngược không đáng có
Rồi một ngạc nhiên bất ngờ không kém, nhưng theo hướng ngược lại với xu thế vừa kể trên, mà nếu như không hạn chế hoặc ngăn chặn, có thể sẽ ảnh hưởng tới mối bang giao tốt đẹp giữa Việt Nam với Vương quốc Anh, thậm chí với cả Hoàng gia London. Vào sáng 9/9, nữ diễn viên kiêm người mẫu Châu Bùi (tên thật là Bùi Thái Bảo Châu) bị khá nhiều chỉ trích từ cộng đồng mạng sau khi cô đăng tải dòng trạng thái đau buồn, tiếc thương Nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ nhị vừa mới băng hà. Trong status của mình, cô trích dẫn một câu nói của người phụ nữ có 70 năm trên cương vị đứng đầu Hoàng gia Anh: “Thước đo chính xác nhất cho những hành động của chúng ta chính là thời gian tồn tại của những điều tốt đẹp mà ta có”, rồi kết “Tạm biệt Người.” Thế là Châu Bùi bị rất nhiều người công kích. Họ phê phán cô “sính ngoại” và quên mất lịch sử nước nhà cũng như thái độ của Hoàng gia Anh quốc đối với Việt Nam trong quá khứ. Có ý kiến hồ đồ đên mức, cho rằng Nữ hoàng Elizabeth ủng hộ hai cuộc xâm lăng của Pháp ở Việt Nam.
Nhưng cũng ngay lập tức đã có rất nhiều ý kiến phê phán đám “dư luận viên” càn rỡ, mở mang đầu óc cho họ rằng, khi Pháp xâm lược Việt Nam lần thứ nhất, ngày 1/9/1858, Nữ hoàng chưa ra đời nên bà không thể có thái độ ủng hộ được. Còn khi Pháp xâm lược Việt Nam lần thứ hai, tức ngày 23/9/1945 thì Nữ hoàng chỉ mới 19 tuổi, chưa tiếp nhận vương vị nên bà cũng không thể có ý kiến ủng hộ như bộ phận cộng đồng mạng Việt Nam gán ghép. Điều đáng buồn là, sau khi nhận được nhiều ý kiến phản đối dòng trạng thái của mình, Châu Bùi – nữ diễn viên từng lọt vào “30 Under 30 Asia 2021” (30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật trong nhiều lĩnh vực khác nhau tại châu Á) do tạp chí Forbes bình chọn – đã vội xoá status của cá nhân, đồng thời đưa ra lời xin lỗi về việc phát ngôn “thiếu cẩn trọng” của mình. Từ Đức quốc, nhà văn Võ Thị Hảo nói rằng, cô đọc một số bình luận về dòng trạng thái của Châu Bùi mà cảm thấy “rùng mình ghê sợ” vì “lối chẹn họng và ý đồ vu cáo tàn nhẫn” trong các bình luận đó. “Mấy năm gần đây, ngành an ninh và tuyên giáo Việt Nam sử dụng lực lượng dư luận viên dùng mạng xã hội tấn công, nhằm nô lệ hóa, chia rẽ, gây thù hận giữa con người và các quốc gia”, nữ nhà văn bày tỏ.
Nữ hoàng được ngưỡng mộ ở VN
Sự ngưỡng mộ đối với Nữ hoàng ở Việt Nam xuất phát từ một quan niệm rất bình dân (common sense): Bà là hiện thân của một vị “Vua hiền”. Dĩ nhiên, triết lý phương Đông bao giờ cũng trọng “vua sáng tôi hiền”. Có vua sáng tôi hiền thì mọi chuyện hanh thông. Tuy nhiên, để đạt được cả hai tiêu chí đó cùng một lúc là rất khó, cho nên khi nhìn lại lịch sử, nếu có được một vị “Vua hiền” thì bá tính đã mãn nguyện lắm rồi. Nữ hoàng là người có phẩm cách như vậy. Bà đóng vai nguyên thủ quốc gia một cách bình thản lặng lẽ; dùng những lời ái ngữ vừa phải; mọi cử chỉ, hành vi đều có chừng mực như thể tất cả đã được quy định trước; nhưng bà biểu lộ rất thoải mái, tự nhiên, như thể đã được sinh ra để sống đúng theo nền nếp đó. Trước mắt dân chúng, bà không bao giờ tự biểu lộ cá tính, ngoài thú vui yêu chó và ngựa đua. Nhiều người Việt Nam cảm thấy, Nước Anh may mắn có một người lãnh đạo đứng đầu , trong 70 năm làm biểu tượng vững vàng khi quốc gia trải qua bao sóng gió.
Bà là một Nữ hoàng có một không hai. Bình luận từ tờ Tuổi Trẻ có đoạn: “Các đài truyền hình lớn của Anh, trong đó có BBC, đã ngừng phát sóng chương trình thường nhật và thay bằng chương trình tin tức đặc biệt. Người dẫn chương trình mặc âu phục đúng theo quy định khi có một thành viên cấp cao Hoàng gia qua đời, các hãng thông tấn đưa nội dung tóm tắt cuộc đời Nữ hoàng… Trị vì trong 70 năm liên tục, Nữ hoàng Elizabeth II là quân vương có thời gian tại vị lâu nhất trong lịch sử Vương quốc Anh. Kỷ lục trước đó thuộc về Nữ hoàng Victoria nắm giữ với 63 năm 7 tháng 2 ngày trị vì tính đến năm 1901”. Tờ VnExpress viết: “Trong thời gian trị vì, bà chứng kiến nhiều biến động của thế giới, từ Chiến tranh Lạnh đến vụ tấn công khủng bố 11/9, từ biến đổi khí hậu đến đại dịch Covid-19, từ những bức thư tay và tàu hơi nước đến email và thám hiểm không gian. Bà được coi là hiện thân sống động của nước Anh thời hậu chiến và là sợi dây liên kết giữa hiện tại và quá khứ”, tờ VnExpress ghi nhận.
Dân Việt, đặc biệt là lớp trẻ vốn có một lớp người khá lãng mạn. Dân tình quan tâm đến “câu chuyện tình cổ tích” của Nữ hoàng Elizabeth cùng Hoàng thân Philip. Nữ hoàng Elizabeth II phải lòng người đàn ông của cuộc đời mình ở tuổi 13 và trong 74 năm hôn nhân, họ cùng làm nên câu chuyện tình lãng mạn nhất Hoàng gia Anh. Những khoảnh khắc trong cuộc hôn nhân kéo dài hơn bảy thập niên giữa hai người cũng là đề tài được dư luận Việt Nam chia sẻ trên mạng xã hội. “Hôn nhân giữa Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng thân Philip là một trong những cuộc hôn nhân hoàng gia bền chặt nhất trong lịch sử. Trong 74 năm bên nhau, cả hai đã chứng kiến nhiều biến đổi của xã hội Anh và cùng nhau trải qua các cuộc khủng hoảng trên thế giới… Hơn 7 thập kỷ đồng hành bên nhau, hai người có 4 người con, 9 cháu và 8 chắt. Trước khi băng hà, Nữ hoàng nhiều lần thừa nhận sự ảnh hưởng sâu sắc của Hoàng thân Philip đối với bà, gọi chồng là ‘sức mạnh và là chỗ dựa’ của bà. Việc ông ra đi vào năm ngoái để lại ‘khoảng trống lớn’ trong lòng Nữ hoàng”, trang Zing.news viết.
Không lấy làm lạ, dù có một chút lùm xùm như vụ Châu Bùi nói ở trên, tin Nữ hoàng tạ thế vẫn chiếm sóng dày đặc trên truyền thông Việt Nam, còn xuất phát từ vài ba nguyên nhân nữa. Quan hệ ngoại giao và các lĩnh vực khác với xử sở sương mù, khiến Anh quốc nay là một trong những đối tác chiến lược hàng đầu của Hà Nội. Ở trong nước, có thể không nhiều người biết Hoàng gia Anh rất hiếm khi can thiệp vào chính trường, nhưng thấy quan hệ với nước Anh tốt, có phần ngộ nhận, dân Việt nhìn chung đem lòng kính trọng Nữ hoàng. Và có thể cũng vì quan hệ ngoại giao hữu hảo nên Ban Tuyên giáo “thả dàn” cho báo chí được một dịp thoải mái… Người Việt nào không thích thú được nghe thuật lại sự hào hứng của Nữ hoàng khi bà nói chuyện với Đại sứ Việt Nam trong lễ trình quốc thư: “Các hoàng tử và công chúa con tôi đều rất yêu Việt Nam và có nhiều chuyến đi tới Việt Nam. Riêng Hoàng tử Andrew còn đặc biệt thích mua các món đồ Việt Nam từ tranh vẽ, gốm sứ trang trí… và đem về treo khắp cung điện. Có cả một bộ sưu tập tranh Việt Nam trong Hoàng gia Anh”.
Vấn vương một chút hoài niệm
Chút hoài niệm lẫn nỗi luyến tiếc quá khứ cũng có thể là cội nguồn tình cảm của dân Việt Nam với nước Anh quân chủ lập hiến. Trong sâu thẳm “văn hóa chính trị” của một giới nào đó, sau những cố gắng bất thành khi Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ông Vĩnh Thụy (Vua Bảo Đại) ra làm Cố vấn Tối cao cho chính phủ VNDCCH, vẫn có những trao đổi trong diện hẹp về mô hình “quân chủ lập hiến” tại sao lại thất bại ở Việt Nam. Giả sử Hồ Chí Minh thành công, ngay từ hồi bấy giờ thiết kế được mô hình như thế, liệu Việt Nam có thể tránh được các cuộc chiến tranh trong lịch sử cận và hiện đại không? Không nói đâu xa, mỗi lúc ai đó đi công tác hoặc du lịch qua hai nước láng giềng gần gũi với Việt Nam là Lào và Campuchia, khi về nước cũng kể về những ưu việt của hai nước lân bang. FB Vương Trí Nhàn từng tâm sự: Về tâm lý thôi mà nói, ông thường rất ái ngại, không dám đi du lịch các nước giàu có bên trời Tây. Lý do là vì đi về chỉ thấy buồn, sao ở đó người ta sướng thế, tử tế thế, mà nước mình con người hư hỏng và xã hội trì trệ đến thế? Có lần đọc GS. Hà Văn Tấn, bàn về sự hấp dẫn của sử, đại ý là đọc sử để hiểu những ngu ngốc của thời xưa, do đó dễ dàng chịu đựng hơn những ngu ngốc của thời nay.
Vương quốc Anh của Nữ hoàng theo chế độ quân chủ đại nghị, cũng như nhiều chế độ quân chủ lập hiến hay đại nghị khác trên thế giới, nhất các nước châu Âu, là những quốc gia hòa bình “dân giàu nước mạnh”. Ở các nước Ả rập hay châu Á, nội tình các xứ này cũng khá bình ổn, nếu so sánh với các nước chủ trương “bài phong” mà nội chiến xẩy ra như cơm bữa. Nước Nhật, không nói làm chi, vì sắc dân Nhật đồng nhất và hiến pháp ở đây do Mỹ viết ra. Mã Lai, Thái Lan, hai vương quốc này được thành hình với dân chúng gồm nhiều chủng tộc khác nhau (về tôn giáo, nguồn gốc, khuynh hướng chính trị…), nhưng nội bộ của họ không có nhiều xung đột. Các chế độ quân chủ lập hiến hay quân chủ đại nghị cần được các lý thuyết gia chính trị quan tâm nhiều hơn. Nhất là ở các quốc gia mà mâu thuẩn sắc tộc, tôn giáo, vùng miền, chính kiến… khiến quốc gia không thể phát triển.