Nguyễn Hùng – VOA
Một trong các dân biểu, bà Hariet Harman, kể lại khi bà bị cho nghỉ chức Bộ trưởng An sinh Xã hội dưới thời Thủ tướng Tony Blair hồi cuối thập niên 1990, chính Nữ hoàng là người gọi điện hỏi thăm bà trong lúc mà “chẳng ai quan tâm” tới người mất chức nữa.
Ngày 8/9/2022 sẽ đi vào lịch sử như một ngày thế giới mất đi một biểu tượng của sự tử tế và chừng mực cũng như chỗ dựa tinh thần lớn nhất không chỉ của người Anh mà còn là của người dân rất nhiều nước trên thế giới sau sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth ở tuổi 96.
Tình cờ thế nào ngày 8/9 cũng là ngày tôi tới trường đại học mới, University of East London, trường đã có vinh dự đón Nữ hoàng tới khai trương một số toà nhà trong đó có thư viện và toà mang tên Bến Kiến thức mà tôi được một đồng nghiệp dẫn tới thăm. Anh nói anh đã tới đưa tin về chuyến thăm của Nữ hoàng hồi năm 2007 cho BBC trước khi quay trở lại dạy ở trường vài năm sau đó. Cũng tương tự như với trường mới của tôi, Nữ hoàng để lại dấu ấn ở nhiều nơi trên khắp nước Anh.
Nhưng dấu ấn sâu đậm nhất nằm trong tâm khảm của những người Nữ hoàng đã tiếp xúc. Nghị viện Anh hôm 9/8 đã tổ chức buổi ghi nhớ Nữ hoàng để các chính trị gia có thể chia sẻ kỷ niệm và cảm nghĩ của họ. Một trong các dân biểu, bà Hariet Harman, kể lại khi bà bị cho nghỉ chức Bộ trưởng An sinh Xã hội dưới thời Thủ tướng Tony Blair hồi cuối thập niên 1990, chính Nữ hoàng là người gọi điện hỏi thăm bà trong lúc mà “chẳng ai quan tâm” tới người mất chức nữa. Cựu Thủ tướng Boris Johnson nhắc lại rằng chỉ hai ngày trước khi bà qua đời bà đã từ biệt ông, thủ tướng thứ 14 dưới sự cai trị của bà và tấn phong thủ tướng thứ 15, bà Liz Truss.
Ngay từ hôm 6/9, báo New York Post đã bình luận về vết bầm tím trên bàn tay Nữ hoàng mà mọi người đều có thể thấy khi Nữ hoàng bắt tay bà Liz Truss trong cùng ngày. Một người bạn của tôi cũng nói chồng cô nhìn thấy vết bầm tím đó và nói khi bà anh sắp mất tay bà cũng có những vết như thế. Nữ hoàng đã bước sang tuổi 96 từ tháng Tư năm nay (sinh nhật bà là ngày 21/4) và người ta đã lo ngại cho sức khoẻ của bà từ nhiều tháng nay. Trong phát biểu tại Nghị viện Anh hôm 9/9, cựu Thủ tướng Johnson nói khi BBC phỏng vấn ông vài tháng trước họ còn đề nghị ông dùng thời quá khứ để nói về Nữ hoàng, có lẽ để tiện phát ngay khi Nữ hoàng mất. Nhưng ông Johnson nói ông đột nhiên nghẹn ngào không nói nên lời và từ chối trả lời.
Một trong những người Việt Nam từng ba lần gặp Nữ hoàng Elizabeth là cựu Đại sứ Việt Nam tại Anh, ông Vũ Quang Minh. Ông Minh kể về lần đầu ra mắt Nữ hoàng trong vai trò đại sứ: “Năm đó bà đã 85 tuổi, cực kỳ minh mẫn, thông tuệ. Dù sở hữu khí chất hoàng gia cao quý được bồi đắp suốt mấy chục năm trị vì, nhưng Nữ hoàng lại cho tôi có cảm giác giống như tôi đang nói chuyện với bà mình.
“Trong buổi gặp đầu tiên, bà thân tình và ân cần hỏi tôi: “Vì sao Đại sứ đến trình Quốc thư mà không có phu nhân đi cùng?”.
“Tôi trả lời: “Phu nhân của tôi đang làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam ở Canada nên không thể có mặt trong sự kiện này. Tuy nhiên, phu nhân và con trai tôi vẫn đang dưới sự trị vì của Nữ hoàng (vì Canada thuộc khối Thịnh vượng chung, Nữ hoàng Anh vẫn là Nguyên thủ Quốc gia trị vì ở Canada, về nguyên tắc)”.
“Bà cười lớn khi nghe tôi nói và hào hứng kể: “Các hoàng tử và công chúa con tôi đều rất yêu Việt Nam và có nhiều chuyến đi tới Việt Nam. Riêng Hoàng tử Andrew còn đặc biệt thích mua các món đồ Việt Nam từ tranh vẽ, gốm sứ trang trí… và đem về treo khắp cung điện. Có cả một bộ sưu tập tranh Việt Nam trong Hoàng gia Anh.
“… Lần thứ 2 diện kiến Nữ hoàng trong buổi chiêu đãi tại Lễ hội Mùa hè trong vườn Cung điện Buckingham, vừa nhìn thấy vợ tôi, bà cười: “Đây chính là Phu nhân Đại sứ mới từ Canada sang đúng không?”. Tôi rất ngạc nhiên vì bà còn nhớ.”
Nhiều người từng gặp Nữ hoàng như Đại sứ Minh đều nói Nữ hoàng có khả năng khiến họ cảm thấy họ là người quan trọng nhất ở đó. Một cựu thủ tướng Anh được dẫn lời nói Nữ hoàng là người duy nhất mà ông có thể thổ lộ mọi thứ mà không sợ rằng những điều ông nói sẽ đến tai người khác.
Khi tổ chức liên hoan mừng Đại lễ Bạch kim nhân 70 phụng sự của Nữ hoàng cùng các học viên karate của tôi hồi tháng Sáu, trong thâm tâm tôi đã nghĩ sẽ không còn nhiều dịp để chia vui cùng Nữ hoàng như tôi viết khi đó. Nữ hoàng là người không thể thay thế và Vua Charles đệ tam sẽ phải vất vả để chứng tỏ bản thân trong vai trò người đứng đầu Vương quốc Liên hiệp Anh cũng như của Khối Thịnh vương chung gồm hơn 50 nước trong đó có 10 nước sẽ vẫn tạm thời coi Vua Charles là nguyên thủ quốc gia.
Sáng 9/9, tôi là người đầu tiên ghi vào sổ chia buồn tại nhà thờ địa phương nơi tôi sống. Người phụ trách nhà thờ nói một loạt các sự kiện ở nhà thờ có thể sẽ bị huỷ trong một hai tuần tới. Nhiều người tới Anh những ngày này có thể có cảm giác như thời gian ngừng trôi khi nước Anh huỷ một loạt các sự kiện đã được lên lịch để tưởng nhớ cũng như tán dương hơn 70 năm vì dân vì nước của Nữ hoàng có một không hai của Anh.