Ngoài chuyện tiền bạc, về tâm lý thôi mà nói, tôi thường đã rất ngại, không dám tính đi du lịch các nước giàu có bên trời Tây. Lý do là vì đi về chỉ thấy buồn, sao ở đó người ta sướng thế tử tế thế mà nước mình con người hư hỏng và xã hội trì trệ đến thế.
Nhớ có lần đọc một câu của B. Russel, do Hà Văn Tấn dẫn lại, bàn về sự hấp dẫn của sử, đại ý nói là đọc sử để hiểu những ngu ngốc của thời xưa do đó dễ dàng chịu đựng hơn những ngu ngốc của thời nay.
Tôi cũng muốn làm theo lời khuyên đó, và chuyển nó từ trục thời gian xoay qua trục không gian.
Tức là, nếu điều kiện cho phép, tôi thích đi lang thang ở những nước nghèo nước khổ, để khi quay về thấy yên tâm với nước mình.
Ví dụ như đi châu Phi, hay mấy nước kem kem ở Trung Đông và Đông Nam Á.
Nói thế thôi, chứ bây giờ chả ai nghèo khổ nữa, không bằng Tây nhưng họ biết học Tây để phát triển.
Chỉ có riêng ta, chả học làm ăn gì cả — sau chục năm hô hào nay cái nghĩa của hai chữ hội nhập tóm lại ở một nội dung là mua hàng ngoại về mà xài – nên đằng sau vẻ sặc sỡ giả tạo là sự nghèo nàn thực sự, tìm nước chán hơn nước mình rất khó.
Tuy nhiên ở đâu thì qua sự so sánh cũng rút ra được ít suy nghĩ có ích .
Tôi đến Campuchia tháng 11-2010 với tâm thế đó và đã cảm thấy có một chuyến đi có ích.
—
MỘT THỜI THANH BÌNH
Cảm tưởng bao trùm khi đi trên những con đường quốc lộ nơi đây là một sự bình thản. Làng xóm yên lành, trên nền không gian rộng rãi. Người ta không đổ ra đường để buôn bán.
Đến Pnompenh, sự bình thản ấy vẫn còn. Đô thị không có nghĩa là chen chúc. Xe máy đã nhiều hơn xe đạp, nhưng không thành những dòng sông cuộn nước. Ngay ở các ngã tư chưa có đèn đỏ, vẫn thấy có hiện tượng ô tô nhường nhau chứ không thúc vào đít nhau mà còi loạn lên như ở Hà Nội.
Pnompenh đây rồi. Vào một buổi chiều người đi đông nghìn nghịt ngoài đường, — sau đó tôi mới biết là ngày hội té nước, cầu bắc qua sông bị gãy, tiếp đó là sự kiện bi thảm hơn ba trăm người chết và vài trăm khác bị thương.
Tuy nhiên, nếu như ở VN, việc đó sẽ làm cho cả thành phố rung động thì ở đây, mọi chuyện không gây hoảng hốt quá đáng.
Nhà nước không làm ầm lên cái chuyện kịp thời lo cứu trợ cho dân.
Sáng hôm sau, trước bãi cỏ hoàng cung, những người công nhân vệ sinh bình tĩnh dọn rác.
Hàng đàn bồ câu bay lên.
Trước cửa bệnh viện, người đến thăm nom không rên rỉ khóc lóc động trời mà xếp hàng vào thăm người thân khá trật tự.
Họ tin rằng xã hội sẽ biết cứu giúp người thân của mình một cách tốt nhất.
—
NHỮNG CÁI KHÔNG Ở SIEMRIEP
Ở đây tôi càng như trở lại một thời thanh bình cổ điển. Không thấy những đám thiếu niên làm ồn trên đường và chen chúc nhau trong các cửa hàng chơi game.
Không thấy các thiếu nữ váy dài váy ngắn, mắt xanh mỏ đỏ.
Không thấy các đám công chức túm tụm bia rượu.
Tôi tự giải thích cho tôi về sự thanh bình này:
Chiến tranh đã đi qua đất nước này, nhưng nó không xới lật lên tất cả, nó không biến con người trở thành những cái bã của chính mình thời tiền chiến.
Nếu sau chiến tranh người Việt mình không ai bảo ai gần như phát cuồng lên lao đi kiếm sống thì ở đây, người Miên yên tâm với tình cảnh của mình
Con người không quá nhiều ham muốn.
Không tính trả thù cho những năm tháng vất vả vì chiến tranh.
Không tự biến mình thành một xã hội tiêu thụ.
Đặc biệt vì Siemriep là nơi nhiều du khách nước ngoài tới để thăm Angkor Wat, Angkor Thom, nên tôi lại chứng kiến một nét khác làm nên lòng tự tin của văn hóa Campuchia. Họ không coi người nước ngoài là cái nguồn kiếm sống. Lại càng không coi những cái ngoại lai ấy là cái mẫu để học đòi bắt chước từng ly từng tí.
Họ tự tin ở cách sống riêng của người Campuchia và biết học hỏi người nước ngoài một cách khôn ngoan và thận trọng.
—
BÌNH THẢN TRƯỚC LỊCH SỬ
Cả ở Pnompenh lẫn Siemriep, phố xá được đặt tên bằng các con số là chủ yếu. Rất ít phố ở đây lấy tên người để đặt như ở bên ta.
Người Campuchia hình như không quá quan trọng đối với quá khứ của mình.
Lại càng không coi việc đặt tên một người cho đường phố là cách thưởng công cho người đó, vô hình trung tạo nên một cuộc chạy đua lố bịch.
Sống sát ngay Angko Wat, Angkor Thom, nhưng người dân Siemriep không coi đó là nguồn kiếm sống, không chen chúc vào trung tâm để mở cửa hàng.
Mà người các địa phương khác cũng không rồng rắn kéo về cố đô để lây niềm tự hào .
Họ thản nhiên sống cạnh lịch sử, đến mức tôi cảm thấy hình như họ nghĩ rằng mình chưa đủ trình độ để giải thích quá khứ của mình.
Cảm tưởng này lại đến với tôi khi thăm Bảo tàng quốc gia Campuchia ở Pnomgpenh.
Giá vé vào cửa đắt, những 12 USD, nên người bản xứ vào không nhiều.
Thế sao chính phủ không tìm cách giảm giá vé để cho dân vào?
Sau tôi mới biết thật ra bảo tàng này do người Pháp chủ trì xây dựng đâu từ 1925 và đến nay vẫn giữ nguyên theo cách trình bày ban đầu.
Tức Bảo tàng này trình bày lịch sử Campuchia bằng con mắt người Pháp, chứ không phải bị cải tạo đi theo ý chủ nhà như ở ta.
Nhưng cái du khách bắt gặp ở bảo tàng lại là một xứ Campuchia đích thực, và tôi ngờ khi tới thăm nó cả người bản địa lẫn người nước ngoài đều hiểu và yêu Campuchia hơn.
Còn dân Việt từ quan đến dân do nghĩ rằng “không ai hiểu mình bằng mình”, chỉ biết làm ra những thứ bảo tàng quá nhiều đồ giả quá nhiều khẩu hiệu, phần xem được không bao nhiêu.
Thử hỏi giữa ta với người hàng xóm ai biết tôn trọng quá khứ hơn ai?
VTN