VietTuSaiGon – RFA
Đó là câu hỏi khá phù hợp cho bối cảnh lò của Tổng Trọng càng đốt càng lòi ra củi, toàn củi gộc và nếu tiếp tục đốt, đốt nữa, đốt mãi, sẽ đến lúc xảy ra một chuyện hết sức khôi hài: cây củi cuối cùng để giữ lửa chống tham nhũng lại là Nguyễn Phú Trọng. Bởi nói theo nghĩa bình thường, mọi quan chức, thư lại Cộng sản đều phải chịu chung một hướng dẫn của đảng, mà người đại diện là Tổng Bí thư. Nhưng nếu đặt vấn đề một cách nghiêm túc, thì cả hệ thống đảng lại đang phải chạy đuổi theo một thứ qui luật bất biến khác, đó là bệnh điếc kinh niên.
Thử hình dung trên một con đường có nhiều xe cộ lưu thông, trong đó, phần lớn là những người không có bằng lái, mặc dù khi cảnh sát giao thông thổi hỏi bằng thì họ có đầy đủ bằng cấp để đưa ra, nhưng đó là bằng họ mua, họ không phải mất một giờ học bằng nào, thậm chí việc thi bằng cũng do kẻ khác đạo diễn, thì hệ quả của nó ra sao? Đó là người ta đi không cần luật giao thông, bởi luật giao thông không có ý nghĩa với những người không hiểu biết về nó.
Hay nói khác đi, luật giao thông lúc này cũng bằng thừa, bởi các tuyến giao thông chịu chung một luật chơi của lộng giả thành chân, tức khi cái sự không thật, không chính thống chiếm lĩnh toàn bộ, trở thành kẻ chi phối thì sự thật, sự chính thống, chính nghĩa trở thành kẻ thứ yếu, kẻ thừa, kẻ phụ phải tuân thủ luật chơi của số đông để tồn tại. Lúc này, những ai có bằng, từng học qua luật giao thông đều phải lái xe theo kiểu “khôn nhờ dại chịu”, tức lái làm sao để phù hợp với qui luật chuyển động trên đường, để tránh bị người ta đâm mình. Một ví dụ điển hình, khi đèn đỏ, thay vì dừng hẳn, anh phải dừng từ từ và ngó chừng nếu người ta chạy thì anh phải chạy, hoặc luôn dõi mắt vào kính chiếu hậu rồi nhìn sang tuyến cắt ngang phía trước để canh chừng, lỡ có xe điên húc sau lưng thì anh phải rồ ga mà chạy tránh nó, nghĩa là chấp nhận vi phạm giao thông để giữ mạng sống.
Khi mọi qui định đặt ra bị phá vỡ, thì hệ quả của việc này là hệ thống các qui định đó dần trở nên thừa thải và người ta dần dở bỏ một cách không thương tiếc trên đường đi của họ. Chuyện này rất dễ nhìn thấy trong giao thông. Bởi người dân muốn hiểu biết luật giao thông thì phải học, thông qua việc học bằng lái, luật giao thông nằm ngay trong phần lý thuyết của khóa học. Đi đường, bạn chỉ cần nhìn cách người ta di chuyển trên đường đi hoặc bật đèn ban đêm, bạn cũng có thể đoán ra người lái xe kia có học bằng hay chưa, đương nhiên bạn thấy họ là lo tránh cho nó lành. Nhưng nếu công an giao thông tuýt còi, họ có ngay bằng lái trưng ra, bằng thật nhé. Bạn hiểu rồi đấy!
Và cứ như thế, người ta phạm lỗi giao thông ở bất kì nơi nào, người ta vẫn cứ chạy hằng ngày và những người hiểu biết luật phải tránh họ. Cho đến ngày mọi thứ trở nên tệ hại, tai nạn xảy ra, thậm chí người ta vẫn cứ tưởng rằng đó chỉ là va quẹt thuần túy, chả có gì đáng lo ngại, gọi điện thoại cho người thân có thế lực hoặc giở quyền lực ra là xong ngay. Bằng chứng của việc này là tay đại tá quân đội ở Bình Thuận đã tông chết một em nữ sinh, sau đó lạnh lùng rút điện thoại gọi người thân hoặc tay chân, chuẩn bị cho việc chạy tội, một cách lạnh lùng, may sao dư luận kịp lên tiếng! Và có rất nhiều hình ảnh như thế trên đất nước này.
Chuyện giao thông sở dĩ trở nên bê trễ như vậy bởi người ta điếc nên không sợ súng. Và chuyện hệ thống quan lại Việt Nam, hãy cứ nhìn cách người ta đi trên đường thì sẽ hình dung ngay cách vận hành của hệ thống quan lại Việt Nam ra sao. Bởi nó cũng rối chằng rối đụp, cũng vô thiên vô pháp chả kém gì giao thông, và không chừng, giao thông là mặt nổi, là biểu hiện của nó.
Bởi nói cho cùng, một quan chức thực thụ phải có tri thức, bằng cấp thật mới có thể làm việc một cách nghiêm túc được. Thế nhưng hầu như giới lãnh đạo Việt, kẻ có bằng cấp thực thụ, có sở tri chiếm con số rất ít ỏi trong hệ thống, và những kẻ xài bằng giả, xài bằng mua, từ cử nhân cho đến tiến sĩ, thậm chí học hàm phó giáo sư và cả giáo sư đều có, và đáng sợ hơn là hầu hết những kẻ xài bằng giả lại nắm vị trí có quyền lực thật trong hệ thống, những kẻ có bằng thật trở thành con cúm núm, con xun xoe ăn cơm chúa múa tối ngày trong hệ thống, ngoài khả năng này còn có thêm khả năng tư vấn để cho kẻ làm sai lách luật mà kiếm sống. Mọi thứ trở nên khôi hài, chẳng giống ai.
Và, trong cái bằng thật cũng có những tín chỉ, học phần về pháp luật mà qua đó, người ta biết được chừng mực ứng xử và trách nhiệm trong công việc của một công chức tương lai. Thế nhưng cái bằng thật ấy khó có đất dụng võ, thay vào đó là một cái bằng cao cấp của kẻ đang ngồi ghế quyền lực, bằng cách này hay cách khác, họ có được cái bằng ấy để hợp thức hóa cái ghế quyền lực và tiếp tục tác oai tác quái theo những gì họ từng làm bấy lâu nay. Nghĩa là cái bằng có được để bảo vệ cho cái sai vốn dĩ của họ.
Hay nói khác đi là bằng cấp giống như tấm khiên bảo vệ những tội lỗi của họ, và những người có bằng cấp thật, có trắc ẩn và lương tri thật sẽ trở thành bù nhìn, phải giấu đi những gì là thật của họ nếu muốn tiếp tục tồn tại trong hệ thống quyền lực vốn dĩ chẳng có chính nghĩa và chẳng coi trọng luật pháp này. Hay nói khác đi là hệ thống này là hệ thống của những kẻ ngồi xổm trên pháp luật, bởi họ không có hiểu biết về pháp luật, hệ thống này là hệ thống của những kẻ không hiểu biết về hậu quả của những gì họ gây ra, cho đến khi họ bị tó bởi đã tác oai tác quái vượt mức chịu đựng của xã hội.
Bởi vì điếc nên không sợ súng, và khi hành xử theo lối của kẻ không còn sợ ai, không còn coi ai ra gì thì một lúc nào đó, mọi qui ước về lương tri hay pháp luật sẽ bị dở bỏ dưới bàn tay tác oai tác quái của họ, về lâu về dài, nó sẽ tác động ngược trở lại hệ thống các qui ước, thậm chí nó trở thành một thứ qui ước mới để người ta tuân thủ và làm việc theo nó. Nó lộng giả thành chân.
Và, đến một lúc nào đó, chính những kẻ còn biết sợ pháp luật, sợ trả giá cho sự bất lương cũng trở thành nạn nhân, cũng trở thành đồng bọn, bởi họ đã vấp vào một thứ qui ước mới mà không hay biết, hay nói khác đi, họ đang trở thành đồng bọn tiếp tay cho tội ác và họ cứ nghĩ rằng họ đúng, cho đến lúc họ thành củi của chính cái lò họ nhen nhóm, chuyện đó không phải bất khả thể!