Về một người cộng sản có nhân tính

Ronald Reagan và ikhail Gorbachev
- Quảng Cáo -

Ngày ông Mikhail  Gorbachev, cựu tổng bí thư cộng sản cuối cùng của Liên Xô qua đời, ông nhận được nhiều lời bình từ hai phía ca tụng và căm ghét. Những người chống cộng thì nhìn ông như một con người dũng cảm đã hy sinh đã xé toang bức màn đen của thế giới song cực. Còn những người yêu cộng sản thì căm hận ông vì đã mang tội làm sụp đổ thành trì cách mạng vĩ đại của phía Đông thế giới. Đứng giữa những điều đó, Gorbachev còn hiện ra với tính cách của một nhà cách mạng của thế giới cộng sản nhưng đầy chất lãng mạn của người nông dân vùng Privolnoye, miền Nam của nước Nga.

Điều đáng ca ngợi ở Gorbachev là nhân tính. Ông nhìn mọi sự kiện quanh mình bằng con mắt của một người cộng sản trung thành, nhưng ở bên dưới là những lời chất vấn thầm lặng của một con người có nhân tính.

Tháng 11-1969, ý thức về một hệ thống độc tài cộng sản đang hủy diệt con người bắt đầu đến với ông, trong chuyến thăm đến Tiệp Khắc. Một năm sau cuộc nổi dậy ở đất nước này, vì không muốn chịu ách cai trị của cộng sản Nga, Gorbachev kể ông bị choáng váng khi đến Bratislava, thành phố cổ kính vẫn còn y nguyên những vết đạn pháo và những bức vẽ graffiti khẩu hiệu và hình ảnh chống cộng sản và Nga. Đoàn đi thăm của Gorbachev phải tổ chức thêm cận vệ thường phục để phòng trường hợp bị tấn công. Theo truyền thống, phái đoàn của Nga đến thăm Sbrojevka, một nhà máy lớn của Tiệp. Thế nhưng khi được đưa vào một vị trí tốt để phát biểu và mở lời chào, Gorbachev nhận ra rằng những người thuộc giai cấp công nhân ấy đã tìm cách quay mặt đi và không nhìn đoàn của Nga. “Đó là một cảm giác khủng khiếp”, Gorbachev nhớ lại điều mà ông nhận ra rằng trong hệ thống cộng sản, ngay cả ở vị trí cao, ông vẫn được tuyên truyền rằng mọi dân tộc của giai cấp vô sản luôn là tình đoàn kết hữu nghị nồng ấm không thể tách rời.

- Quảng Cáo -

Nhiều năm sau nhắc lại về “cú sốc đầu đời” này, Gorbachev nói rằng ý nghĩa “bức màn sắt” mà phương Tây nói về sự ngăn cách hai thế giới cộng sản và tự do là có thật, nhưng bức màn sắt nó còn nằm ở ngay trong nội bộ của chính quyền cộng sản, để bịt mắt lẫn nhau.

Phía căm ghét ông Gorbachev, nói ông là kẻ muốn đốt đền- tự tay tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản ngay ở đất nước mình – để lưu danh lịch sử. Nhưng thực ra, theo dõi cuộc đời của ông Gorbachev từ ban đầu mới hiểu rằng việc day dứt muốn làm điều đúng và khát khao thay đổi, để được làm điều đúng, là suy nghĩ của ông, có từ đầu những năm 1970.

Kể trong cuốn hồi ký của mình, Gorbachev nói ông giật mình nhận ra rằng vào lúc loài người đã đi đến mặt trăng thì Liên Xô vẫn sử dụng những phương thức nông nghiệp giống như ở thế kỷ 19. Vào lúc đó, hàng năm Liên Xô sử dụng 100 đến 110 triệu tấn làm thức ăn gia súc, trong khi các quốc gia châu Âu chỉ dùng hết gần 74 triệu tấn. Ông tự mình tìm hiểu và thấy rằng ở phương Tây thù địch, ngoài thức ăn chính, họ cộng thêm 30%  phụ gia protein, dẫn đến chuyện gia súc cân bằng dinh dưỡng, tăng trọng nhanh và các đợt nuôi gia súc nhiều hơn trong một năm. Có nghĩa là trên con đường đi tới tương lai, phương Tây luôn tìm và cải cách những điều bình thường nhất, trong khi đó ở Liên Xô, tất cả những của cải làm ra, đều được dành cho chính sách xây dựng sự lớn mạnh của công an và quân đội.

Bên cạnh đó, tham nhũng là từ ngữ mà Gorbachev không nói thẳng ra, nhưng trong phần ông ghi lại cuộc trao đổi với bí thư Trung Ương Đảng Fyodor Kulakov vào năm 1977, nhấn mạnh rằng giá thu mua nông sản của nông dân luôn là rẻ mạt, trong khi đó, những giá ngũ cốc nhập khẩu từ nước ngoài vào thì lại cao gấp 2-3 lần. Những con số chênh lệch bí ẩn đó đi đâu?  Ông Gorbachev giải thích bằng một chuyện cười phổ biến ở nước Nga vào thời điểm đó là, tổng bí thư Leonid Brezhnev trong một chuyến đi chơi với mẹ, giới thiệu một căn hộ lớn của mình tại Moskva, rồi sau đó là một căn khác Zarechye. Kế đến là về khu nghỉ dưỡng riêng tại Zavidovo, cùng đi săn. Rồi sau đó, lại nghỉ ở một cơ ngơi bí mật ở Krym. Tổng bí thư Brezhnev hỏi mẹ ông nghĩ gì về những thứ ông đang có. Bà nói “Mọi thứ tuyệt lắm Leonid, nhưng mẹ không biết con sẽ làm gì với tất cả những thứ tài sản đó khi cộng sản quay lại nắm quyền”.

Nhân tính của Gorbachev là nhìn thấy nỗi đau của con người, nhìn thấy ánh mắt căm giận của kẻ bị trị, và nhìn thấy tài sản quốc gia đang biến thành cơ ngơi, tiền của những lãnh đạo cao cấp mà luật pháp bảo vệ họ đến mức không ai dám lên tiếng. Và đó là những gì dồn đến, dẫn đến chuyện Gorbachev nói với người vợ của ông, bà Raisa rằng “Chúng ta không thể tiếp tục sống như thế này”.

Nhưng một góc khác của Gorbachev cũng cần phải được nhìn thấy rõ, đó là ông vẫn mang nặng tư duy chủ nghĩa Mác-Lê. Với một tinh thần cải cách đầy tính lãng mạn, Gorbachev vẫn muốn tồn tại một Liên Xô dân chủ hơn và nhân bản hơn, một tập hợp nhất thiết không nên để đổ vỡ. Một tập hợp với mơ ước có dân chủ và không độc tài trên nền khối xã hội chủ nghĩa cũ.

Tháng 11-1991, Gorbachev vẫn còn hy vọng khi tham gia soạn thảo “Hiệp ước của các liên bang các nước cộng hòa có chủ quyền – một nhà nước dân chủ liên bang” Nhằm xây dựng một Liên bang Xô viết khác, không theo hình thái cũ.

Dự thảo này được công bố vào ngày 27 tháng 11 năm 1991. Một số quốc gia trong Liên bang Xô Viết cũ đã quyết định tổ chức trưng cầu dân ý để quyết định còn tiếp tục tham gia Liên Minh này nữa hay không, hay sẽ là chọn con đường quốc gia độc lập. Cuộc trưng cầu dân ý quan trọng nhất và gây tác động đến tất cả những quốc gia trong liên bang đó là ở Ukraine. Thay vì trưng cầu dân ý là có nên tham gia liên minh không, chính quyền và người dân Ukraine đã bỏ phiếu cho câu hỏi “Có nên xóa bỏ chế độ Cộng sản Liên xô hay không?”. Đi xa hơn nữa, Ukraine và Belarus còn chuẩn bị cho ra một văn bản tuyên bố hủy bỏ những nền tảng chính trị pháp lý của sự tồn tại của Liên Xô và tuyên bố xóa bỏ sự tồn tại, vốn được ngụy trang dưới sự kêu gọi hình thành Cộng đồng các quốc gia độc lập.

Lịch sử có những cung đường kỳ lạ của nó, trong bối cảnh đó, lại xuất hiện một nhân vật khác là Boris Yelstin, người được coi là va chạm gay gắt với Gorbachev cho con đường để thay đổi, nhưng đồng thời cũng hợp nhất vào công việc tạo ra một nước Nga mới. Gorbachev là người tạo ra sóng ngầm, làm chuyển động và sụp đổ tất cả những gì đang mục rửa trong lòng gã độc tài già nua. Nhưng Boris Yeltsin chính là người cưỡi trên ngọn sóng đó, tạo niềm cảm hứng và dấn đến những cột mốc chấm dứt chủ nghĩa cộng sản trên nước Nga.

Dù hai nhân vật này là những người bất đồng với nhau. Nhưng họ đã có những sự phối hợp đầy kỳ lạ để đi đến một kết cục mới. Nếu theo dõi hồi ký của cả Boris Yeltsin lẫn Mikhail Gorbachev, có thể nhìn thấy rằng cuộc cách mạng đầu thập niên 1990 đó, nếu chỉ có một người, thì cả Gorbachev lẫn Yeltsin đều có thể bị các thế lực bảo thủ ở Nga thủ tiêu vào một lúc nào đó.

Điều mà người Việt cần nhớ về Mikhail Gorbachev, đó là một nhà chính trị chân thành. Một nhà Chính trị cộng sản mang gương mặt con người. Từ lúc bước vào con đường chính trị đến lúc ra đi, ông trung thành với chủ trương “glasnost” đã đề ra, bạch hóa tất cả những gì nhân dân muốn biết. Chuyện chủ trương công khai thảm họa Chernobyl trong những điều mà ông làm thế giới phương Tây phải ngạc nhiên về tính cách của một lãnh đạo cộng sản. Nói trong cuộc họp với Bộ Chính Trị ngày 3 tháng 7 năm 1986, Gorbachev làm lay động cả một bộ máy quen sống trong giả dối và che đậy “Không thể chấp nhận được suy nghĩ rằng chúng ta có thể bị hạn chế trong những biện pháp nửa vời hay lẩn tránh vấn đề. Cần có thông tin toàn diện về sự cố này. Chính sách hèn nhát là một chính sách nhục nhã”.

Gorbachev cũng là người đã đưa ra sự thật ở rừng Katyn và chính thức là người xin lỗi thay cho hành động tàn bạo của Stalin. Ngày 25 tháng 11, quốc hội Liên bang Nga bỏ phiếu thông qua nghị quyết thừa nhận vụ cảnh sát Nga sát hại 22.000 sĩ quan và công dân Ba Lan ở rừng Katyn, phía tây nước Nga, năm 1940 do nhà lãnh đạo Josef Stalin ra lệnh. Báo The Moscow News cho biết với tỉ lệ ủng hộ 342/450, Hạ viện Nga đã thông qua nghị quyết dựa trên tài liệu mật thu được từ đầu thập niên 1990. Con số phiếu thuận cho thấy vào thời điểm đó, việc chấp nhận sự thật của các quan chức Liên Xô cũ chỉ mới có được ở mức quá bán mà thôi.

Hơn hết, Gorbachev là một người thanh bạch. Ông bước vào chính trường từ tư cách là một người nông dân và bước ra khỏi nó cũng không đem theo mình bất kỳ của cải hay lợi lộc gì. thậm chí lương hưu của ông còn bị cắt xén trong sự ghét bỏ của các quan chức cộng sản còn quyền. Vào thời gian cải cách và những sự thay đổi đầy tính con người nhưng vô cùng kỳ lạ với bộ máy Cộng sản Nga Sô, một cánh bảo thủ đã chi đến 5 triệu đôla, để nhờ một công ty ở phương tây điều tra xem Gorbachev có phải gián điệp của phương Tây hay không, và có những ngân khoản bí mật nào ngoài Liên Xô không? Về sao khi biết được điều này, Gorbachev đã gửi đơn tố cáo đến Viện Công tố, nhưng cơ quan này hoàn toàn im lặng và làm lơ. Những chi tiết này có thể tìm thấy trong “Mikhail Gorbachev- Đời tôi”, phát hành bản tiếng Việt năm 2018.

Hôm nay khi ông  Gorbachev ra đi, bối cảnh thế giới phức tạp hơn rất nhiều những gì ông đã trải qua. Cộng sản hôm nay tinh ranh và không còn ra vẻ Cộng sản như ngày xưa. Tư bản thực dụng hơn và sẵn sàng thỏa hiệp với tất cả những gì có lợi cho mình. Thế giới đang hòa trộn vào nhau với tất cả những sự hỗn loạn và bất dung của nó.

Để nghĩ về một Mikhail Gorbachev, người đã tạo nên bước chuyển của thế giới, nên là ghi nhớ và trân trọng những điều tốt đẹp nhất ông đã làm được. Có lẽ không nên ca ngợi ông như một thần tượng, hoặc căm thù cho đến tận thế hệ sau. Mỗi nhân vật trên trường chính trị đều có những phần đời đúng và sai của mình. Hãy ghi nhớ những điều không thể quay lại. Và cũng cần ghi nhớ rằng: không có nhân vật nào có thể bị gán buộc sống mãi trong đời chúng ta, với những tình cảm không có sự thật.

- Quảng Cáo -