An Thư – (VNTB) – Để có Ban Chỉ Đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh “sạch” thì phải thường xuyên sàng lọc !
Tham nhũng trong đảng có từ ngày đảng này được thành lập, nhưng lúc này, chống tham nhũng trong đảng dưới sự cai trị của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng được đánh cấp tập nhất, nhưng có chống được không?
Vụ án Đại Tá Trần Dụ Châu Giám Đốc Nha Quân Nhu là đỉnh cao tham nhũng, ăn cắp thời đầu kháng chiến. Ông Hồ Chí Minh đã ra lệnh tử hình Đại Tá Châu. So những gì Trần Dụ Châu tham nhũng lúc đó thì chỉ bằng một móng tay với bất cứ vụ tham nhũng bây giờ. Ông Hồ Chí Minh đã giết Trần Dụ Châu. Còn bây giờ, những vụ án mà tài sản tham nhũng lên gấp hàng triệu lần so với Trần Dụ Châu thì cao lắm chỉ chung thân. Mà ai cũng biết, chung thân chỉ có nghĩa là tù cao nhất đến 15 năm, các quan chức cộng sản vào tù sống không khác nào đi an dưỡng trong các khu đặc biệt, hay căn trại riêng gọi là ‘nhà lô’ ngoài trại tù, có ao cá, vườn rau, trong nhà có TV, máy lạnh, vẫn ăn uống đầy đủ, phè phỡn, vẫn vợ con lên ngủ lại, vẫn ‘về phép’ ngày tết nhất, giỗ cha mẹ. Giám thị trại giam vuốt ve, nịnh nọt loại tù nhân này để còn được chút cặn bã thừa trong mớ tham nhũng, gọi anh, xưng em ngọt xớt.
Tệ nạn trong đảng càng ngày càng nhiều. Ngoài tham nhũng còn chia rẽ, biến chất, tự diễn biến..không kể hết. Không đảng viên có chức quyền nào không tham nhũng. Mà tham nhũng thì phải kết bè phái, tranh giành. Nhóm này kết tội nhóm kia là biến chất, và cố tròng đủ tội lên cổ nhau. Kẻ mạnh hại kẻ yếu, đưa nhau ra tòa chỉ ghép vào tội tham nhũng, vừa luôn đầy đủ chứng cứ vừa dễ dàng, an toàn cho đảng.
Kẻ nắm quyền lập nên cái gọi là Ban phòng chống tham nhũng trung ương để dễ ‘trảm đầu cẩu’ kẻ chống mình. Thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn làm mưa làm gió, chức vụ Trưởng Ban chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng phải trong tay ông, một tay đại tham nhũng. Dũng có toàn quyền sinh sát phe đối thủ. Ngày Dũng bị ‘ngã lừa’, về vườn, Nguyễn Phú Trọng thâu tóm quyền lực, có lúc ngồi hai ghế, quyền Trưởng Ban chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng, hay nói rõ hơn là quyền tha, quyền bắt đối thủ vào tay Trọng. Những vụ gọi là đại án, tài sản tham nhũng lên đến hàng trăm tỷ đồng, đáng lẽ phải chịu nhiều án tử hình, những kẻ Trọng đưa ra tòa. Từng là em út, đồng chí, đứng trước vành móng ngựa, chan hòa nước mắt, nghẹn ngào xin lỗi tổng bí thư yêu kính, nặng nhất chỉ bị án chung thân.
Nhiều kẻ thù quá, ban phòng chống tham nhũng TW làm không xuể, phải thành lập các ban phòng chống tham nhũng địa phương do ông bí thư tỉnh ủy, thành ủy làm trưởng ban để tung lưới.
Khổ nỗi, chỉ đạo phòng chống tham nhũng ở địa phương càng khó khăn nhiều. Ở địa phương, các đồng chí thân cận nhau hơn, thậm chí họ là bà con anh em có mối quan hệ cánh hẩu với nhau lâu bền. Bí thư nếu là dân địa phương thì chung cánh hẩu. Bí thư nơi khác về không ngồi chung mâm với họ thì ghế ngồi không khác gì bàn chông.
Các mối quan hệ thân hữu ở địa phương thường sâu rộng hơn, cơ chế kiểm soát quyền lực ở địa phương thường khó vận hành hơn. Trong cơ chế của đảng, đừng tưởng việc đưa người địa phương khác về làm bí thư, chủ tịch là dễ. Khi mà tòa án, công an địa phương cấu kết với nhau, thì bí thư, chủ tịch có tài thánh cũng bó tay. Địa phương là vậy. Tòa án, công an trong chế độ độc tài, đảng trị luôn cấu kết với nhau chặt như bê tông, cốt sắt.
Bí thư, chủ tịch đã thế, các trưởng ban trong ban chỉ đạo có thể là những Bao Công mặt sắt không?
Theo tin VTC News 24/08/2022, để có một BCĐ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành phố “sạch”, cần phải thường xuyên sàng lọc, đưa những người không còn đủ tư cách ra khỏi tổ chức.(*)
Thường xuyên sàng lọc! Phó Ban Nội Chính TW Nguyễn Văn Yên đã nói “Tất cả nhân sự tham gia Ban chỉ đạo ở địa phương nếu liên quan tới tham nhũng, tiêu cực thì chắc chắn không được xem xét để bố trí”. Nhưng nhiều trường hợp chính trung ương bố trí thì lại là những kẻ tiêu cực. Nhiều Bí thư Tỉnh ủy đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận có vi phạm “đến mức phải xem xét kỷ luật”. Hiện nhiều Trưởng Ban chỉ đạo cấp tỉnh; hay Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy dù đã bị kỷ luật cảnh cáo trước đó nhưng vẫn được cơ cấu đưa vào làm Phó Ban chỉ đạo chống tham nhũng. Người ký quyết định nhân sự đó có kẻ nào phải chịu trách nhiệm về của họ đâu. Đó là vài ví dụ của phần nổi của tảng băng. Phần chìm lớn hơn gấp bội. Chẳng qua thuận thảo lúc đầu, sau trở cờ, cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt lại đâm sau lưng nhau thôi.
Theo ông Lê Quốc Lý – nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, để có một Ban chỉ đạo “sạch” cần phải thường xuyên rà soát, sàng lọc, đưa những người không còn đủ tư cách ra khỏi tổ chức. Tại sao phải thường xuyên rà soát, khi lúc chọn lựa nhân sự, cấp trên của họ ở Ban chỉ đạo đã rà soát toàn bộ lý lịch, hoạt động của họ để xem có “vướng” gì không. Nếu người nào có “vết”, không đáp ứng yêu cầu thì không nên đưa vào.
Mạng lưới kiểm soát lẫn nhau của đảng cộng sản từ trước đến nay vô cùng dày đặc, công an của đảng được ca ngợi tài tình nhất thế giới. Hồ sơ mỗi đảng viên càng ngày càng dày lên với đủ các chi tiết liên quan đến đời sống công tư của họ. Có vết hay không tùy đảng muốn bới lông lúc nào. Chỉ trở bàn tay thì người “vừa hồng, vừa chuyên, liêm chính, trong sạch” bỗng trở thành kẻ tay sai của giặc, tha hóa, tham nhũng.
Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tiêu cực Trung ương chẳng làm gì được nhiều để loại trừ lẫn nhau nên cần đến Ban chỉ đạo ở các địa phương làm “cánh tay nối dài”, nhưng cánh tay robot đó lại là ổ tham nhũng, cứ phải rà soát, lúc sửa đi sửa lại thường xuyên, lúc tháo ra ráp lại, khiến lực lượng thù địch với phe đương chức đương quyền từ trung ương đến địa phương càng nảy nở nhanh hơn.
_____________
Tham khảo:
(*) https://vtc.vn/de-co-bcd-phong-chong-tham-nhung-cap-tinh-sach-thi-phai-thuong-xuyen-sang-loc-ar696361.html