Cãi văng mạng, nói nôm na là cãi lấy được, cả vú lấp miệng em, không cần biết đúng sai, cãi chày cãi cối, khinh người nghe, chả coi ai ra gì.
Trên đời này, làm gì mà chẳng bị sai, chứ ai đúng hết bao giờ, nhưng biết sai thì phải sửa, nhận sai, thành tâm nhận lỗi, không quanh quéo đổ cho người khác, thế mới là người tử tế. Làm quan, nắm quyền lực trong tay, càng phải vậy. Thật đáng tiếc, quan chức xứ này luôn tự cho mình không bao giờ sai, và khi cái sai đã lộ rõ lè lè ra rồi thì họ cãi văng mạng.
Lại nói thêm về tấm hộ chiếu mẫu mới. Đang yên đang lành tự dưng bày vẽ cải tiến cải lùi, bắt dân chuốc bao nhiêu phiền phức. Chính nhà chức việc từ trên xuống dưới gây ra hậu quả hộ chiếu bị từ chối nhưng cuối cùng họ đổ trách nhiệm lên đầu dân. Ông Tô Lâm và cấp dưới của ông ấy tuyên bố cách “sửa sai” là bổ sung phần bị chú nơi sinh vào trang trong. Thôi thì cũng tạm chấp nhận như thế đi (chứ thực ra chả giống ai, biến cuốn hộ chiếu thành thứ phế phẩm, chắc để xài cho hết số phôi đã in khiếm khuyết nội dung nơi sinh) nhưng cách mà họ “sửa sai” cũng rất thiếu tử tế. Cái bị chú ấy ghi rằng “Theo đề nghị của người mang hộ chiếu (at the holder’s request)…”, kiểu như chúng tôi cho thêm cái nội dung này vào do người ta xin. Thói chối tội, ban ơn, coi thường dân chúng ăn sâu vào óc họ, chết cái nết không chừa. Phải nói thẳng toẹt ra, không ai thèm đề nghị cả, mà các ông phải có trách nhiệm thêm vào cho người ta, nếu không muốn bị chửi. Các ông làm sai, tự gây thiếu sót, khiến quốc tế không công nhận, gây khó dễ cho người có hộ chiếu mẫu mới, thì các ông phải tự động, chân thành, biết điều để sửa chữa, chứ đâu có thói đổ cho dân.
Thôi, chuyện hộ chiếu bàn thế đủ rồi, không lại bảo tôi ít cảm tình với công an. Công an đầy người tốt, để hôm nào rảnh tôi sẽ kể. Giờ nhắc thêm vài chuyện cãi lấy được khác.
Vừa rồi xảy ra vụ tai nạn giao thông thương tâm ở Ninh Thuận. Đầu đuôi thế nào, báo chí và mạng xã hội đã nói đủ cả. Vậy nhưng vẫn có những kẻ cố tình cố ý làm thay đổi bản chất vụ việc, hướng cách hiểu về lỗi của nạn nhân, bao che cho kẻ gây ra tai nạn. Các đương sự gồm cả người có trách nhiệm điều tra, lãnh đạo bệnh viện tỉnh, nhà báo… Ác nhất ở chỗ họ vu cho cháu gái (bị chết) có nồng độ cồn cao, kiểu như là đã uống rượu bia, tự gây cái chết cho mình. Rồi tới lúc không vu cáo được nữa thì xin lỗi này nọ. Trời có mắt, kẻ gây tai nạn chết người đã bị khởi tố, bắt giam. Dân chúng cho rằng cần phải phanh phui cả cái đám đã liên kết ma quỷ với nhau đẻ ra kết quả xét nghiệm nồng độ cồn khốn nạn kia, ít nhất là mấy tay chức việc ở bệnh viện, kể cả giám đốc, và cả kẻ nào đã trong bóng tối đẻ ra kết quả xét nghiệm ấy. Cũng thật đáng buồn, suốt cả tuần, bộ máy pháp luật cứ như gà mắc tóc dù sự thật khá rõ ràng, để cho đám cãi văng mạng không coi thiên hạ ra gì.
Vụ mấy cô gái mặc bikini nhặt rác cũng vậy. Họ có tắm biển không là chuyện của họ, nhưng ở biển mà không mặc bikini chả nhẽ diện áo dài, váy đầm, quần jean. Một việc rất đáng được hoan nghênh, lại gặp phải ông lãnh đạo (giám đốc Vườn quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận, khổ, cũng lại Ninh Thuận) lên án là thiếu văn hóa, phản cảm, bôi xấu hình ảnh du lịch của địa phương, v.v.. Dư luận không đồng tình với thứ ngôn quyền ấy, cán bộ nhà ta vẫn gân cổ cãi lấy được. Nhặt rác cũng bị nâng lên thành quan điểm văn hóa, chắc chỉ có ở xứ này. Bà con bảo, thích bỏ mẹ, vừa sạch rác, vừa được ngắm, lại cứ làm điệu, õng ẹo, đạo đức giả, ra vẻ ta đây cán bộ.
Còn nhiều chuyện lắm, cụ tỉ như chuyện bà trùm ngân hàng oang oang rằng giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới 15 – 20 triệu đồng/lượng là phù hợp, là bình thường thì kể ra tới rằm tháng 8 tết trung thu cũng chả hết. Ở xứ này, không cãi cùn thì không phải cán bộ, càng to càng cãi tợn./.
Thông cào