Từ năm 1995, Nhà nước Cộng sản đã cho lập Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo cách giải thích của Chính quyền thì mục đích là để cho vay hộ nghèo và các đối tượng thuộc diện chính sách. Ngân hàng này được nhiều ưu tiên hơn các ngân hàng thương mại khác, ví dụ như tỷ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng là 0%, không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, và được miễn thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước.
Mục đích đưa ra những ưu tiên như thế là để làm gì? Là bởi Ngân hàng Chính sách phải đối diện với rủi ro cao. Vì một khi đã cho người nghèo vay thì tất nhiên khả năng thu hồi nợ là rất thấp. Vì thế nhà nước mới có nhiều chính sách ưu đãi để bù vào phần rủi ro mà ngân hàng này phải đối mặt.
Nếu các ngân hàng thương mại khi thấy người dân nghèo không có gì thế chấp là không cho vay thì ngân hàng chính sách ngược lại, họ cần phải cho những người như vậy vay để họ có cơ hội thoát nghèo. Nói chung, ai mà bị ngân hàng thương mại chê thì Ngân hàng chính sách sẽ hốt. Đại khái như vậy. Đấy là mục đích chính, mục đích là để dân nghèo vượt khó. Về chủ trương thì đẹp thế nhưng thực tế thì như thế nào cần phải xem xét kỹ.
Ngay đầu năm 1991, vấn đề xoá đói giảm nghèo đã được Nhà nước Cộng sản cổ võ dưới dạng phong trào xoá đói giảm nghèo. Đến 2002, ông Phan Văn Khải đã đưa vấn đề xóa đói giảm nghèo thành chính sách nhà nước chứ không còn là phong trào như trước đó bằng phê duyệt “Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo” vào ngày 21 tháng 5 năm 2002. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 30 năm rồi mà chính quyền vẫn còn cứ ra rả chính sách “xóa đói giảm nghèo”, nghĩa là việc xóa đói giảm nghèo đã thất bại hoàn toàn. Vậy thì Ngân hàng Chính sách Xã hội đã làm gì mà để dân nghèo mãi nghèo thế? Điều này là một minh chứng dân nghèo thực sự không thể tiếp xúc với nguồn vốn rẻ của Ngân hàng Chính sách xã hội được.
Như nước chảy về chỗ trũng, khi mà người nghèo không tiếp xúc với các khoản vay của Ngân hàng Chính sách thì họ phải tìm đến nguồn vay dễ dãi khác bởi các ngân hàng thương mại không bao giờ cho những kẻ “khố rách áo ôm” như họ vay vì ngại nợ xấu. Cho nên họ mới tìm đến gói vay cắt cổ của giới cho vay nặng lãi. Tìm đến giới này thì thủ tục cho vay vô cùng đơn giản, chỉ có điều lãi suất cực cao mà thôi. Khi người dân nghèo tìm đến giới này xin vay thì họ lại càng nghèo hơn chứ không bao giờ xóa nghèo nên Chính quyền xóa mãi nhưng nghèo còn mãi là thế.
Tại kỳ họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào ngày 10 Tháng Tám, ông Tô Lâm có thừa nhận thực tế là nạn “tín dụng đen” hoạt động rầm rộ và cơ quan Công an đánh không xuể. Sự thừa nhận này có nghĩa là gián tiếp nói lên hiện tượng người dân quá đói vốn mà không thể tiếp xúc được với các khoản vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Mà khi vấn đề nhu cầu xã hội quá lớn như thế thì công an chống không xuể là đúng. Cái gốc là do chính sách nhà nước không đưa được “nguồn vốn rẻ” vào tay người dân nên tạo thị trường tín dụng đen quá béo bở.
Như vậy, câu hỏi đặt ra là “nguồn vốn rẻ” của Ngân hàng Chính sách Xã hội rơi vào tay ai mà để dân nghèo phải trường kỳ đói nghèo như thế? Nguyên nhân là sự trá hình trong chính sách. Nói theo kiểu người Miền Nam thì “nhìn vậy chứ không phải vậy”.
Được biết, tính đến ngày 30 Tháng Chín 2017, tổng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 179 ngàn tỉ đồng, tương đương với $8,5 tỷ. Tuy nhiên, hết 98% là cho vay ủy thác. Vậy cho vay ủy thác là gì? Đó là Ngân hàng Chính sách xã hội không trực tiếp xét duyệt hồ sơ vay của người dân mà hồ sơ được thông qua các cánh tay nối dài của đảng như: Hội Nông dân Việt Nam; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Ai cũng biết các hội này lập ra là để làm nhiệm vụ chính trị cho đảng. Để giám sát động tĩnh trong người dân nhằm đưa ra giải pháp chế tài họ nếu họ trái ý đảng. Vì thế khi nguồn vốn giá rẻ của Ngân hàng Chính sách Xã hội qua tay các hội này thì họ chỉ chọn những con em bà con của họ hoặc những người dân nào bưng bô cho chế độ mới được tiếp xúc với nguồn vốn này, còn lại thì rất khó tiếp cận.
Như vậy, Ngân hàng Chính sách Xã hội được lập ra với danh nghĩa là cho người nghèo được vay chỉ là khẩu hiệu trá hình, mà bản chất nó là để nuôi những ai phục tùng chế độ, ca tụng chế độ mà thôi. Chính vì thế mà dân nghèo vẫn mãi nghèo và họ phải tìm đến tín dụng đen bởi họ không còn con đường nào khác./.
-Đỗ Ngà-