Thị trường Việt Nam rất quái lạ, giá xăng dầu đã giảm rất nhiều nhưng giá mặt hàng tiêu dùng vẫn neo cao. Các chuyên gia đang cố lý giải là giá xăng dầu giảm thì phải có độ trễ thì hàng hóa mới giảm, tuy nhiên độ trễ bao lâu thì các chuyên gia lại không thể giải thích nổi. Và hiện nay, đã một tháng kể từ ngày giá xăng dầu đã giảm mà giá hàng hóa chưa giảm, vậy độ trễ phải là bao lâu?
Thực ra độ trễ là phải có, tuy nhiên trễ đến cả tháng thì đó là bất thường. Ví dụ tôi là chủ doanh nghiệp, mỗi lô hàng nguyên liệu vào nhà máy cho đến khi xuất ra thị trường mất 5 ngày thì độ trễ phải là 5 ngày chứ? Khi nguyên liệu đầu vào giảm thì sản phẩm đầu ra từ lô hàng trên phải được giảm. Nếu doanh nghiệp nào mà mất cả tháng mới đưa được sản phẩm ra thị trường thì doanh nghiệp đó khó có khả năng cạnh tranh.
Đấy là nói đến hàng hóa liên quan đến việc chuỗi cung ứng phức tạp như sản xuất, lưu kho, xuất xưởng, vận chuyển đến nơi bán thì có độ trễ dài, chứ những mặt hàng như cơm, cháo, phở, rau, cá thịt vv… là những thứ không cần độ trễ lâu. Thời gian từ nhập hàng đến bán hàng chỉ trong ngày thì cần gì đến độ trễ đến cả tháng? Cho nên “độ trễ” lâu đến hàng tháng là có vấn đề rất lớn của văn hóa người Việt. Vấn đề này chưa được các chuyên gia giải thích rõ ràng.
Phần lớn người Việt có cái nhìn thiển cận. Họ nghĩ bán giá cao là lời nhiều nhưng không nghĩ đến cái mất khi nâng giá cao, đấy là khách hàng sẽ quay lưng. Bán lỗ vài lần có thể chuộc lỗi dễ dàng chuộc lại ở lần khác, tuy nhiên làm khách hàng quay lưng là không chuộc lỗi được. Đó là cái mất không có cơ hội sửa sai.
Văn hóa nói thách của người Việt là một loại món tả pín lù dở tệ. Món này được làm từ lòng tham, tư duy thiển cận và sự gian trá. Nói thách thực chất là cái bẫy gài cho khách hàng để trục lợi. Khách hàng nào trung thực thì sẽ mất số tiền lớn để mua phải một món hàng không đáng giá. Và từ đó khách hàng tử tế sẽ rời bỏ những thứ văn hóa gian trá này. Những mất mát này là không thể cân đo đong đếm.
Muốn bền lâu thì phải tử tế, mà người tử tế thì niêm yết giá đúng và công khai chứ không thể nói thách để bẫy khách hàng. Nhờ đó mới hút được người tử tế đến mua, mà người tử tế đã tin ai thì họ khó mà quay lưng dù cho doanh nghiệp đó khó khăn. Vì thế mà tại những quốc gia Phương Tây mới có những doanh nghiệp có tuổi đời hàng thế kỷ. Lô hàng trước khi xuất họ kiểm tra rất kỹ để đảm bảo rằng, khách hàng của họ không bị thiệt. Có những doanh nghiệp, khi phát hiện chất lượng chưa đạt họ hủy toàn bộ lô hàng và chịu lỗ lớn chứ nhất quyết không bán ra để làm mất lòng tin khách hàng.
Nếu để ý kỹ, xã hội nào người dân sống tử tế thì xã hội đó có nhiều thương hiệu lớn. Quốc gia nào mà người dân sống tử tế thì thương hiệu quốc gia đó mạnh. Tại Nhật Bản và nhiều nước khác như New Zealand vv.. người nông dân đem sản phẩm của họ phân ra từng phần và niêm yết giá và kế bên là hũ tiền. Khách hàng cứ tự lấy hàng rồi tự bỏ tiền vào hũ mà không cần người trông coi. Tại Việt Nam có ai dám kinh doanh kiểu như vậy không? Chắc chắn là không. Nếu so sánh với thứ văn hóa nói thách của người Việt thì rõ ràng người Việt chúng ta thua họ quá xa. Ở Việt Nam, người bán cố móc càng nhiều tiền từ túi khách hàng càng tốt mà bất cần quan tâm đến trách nhiệm của mình với khách hàng.
Còn Việt Nam, ngay cả doanh nghiệp lớn cũng theo đuổi lòng tham bỏ mất sự tử tế huống hồ chi những người buôn bán nhỏ lẻ. Còn nhớ khi mà người dân bị phong tỏa thiếu lương thực nghiêm trọng, hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh đã nâng giá bán kiếm lời rất vô đạo đức, trong khi đó siêu thị AEON lại cam kết không tăng giá. Vì sự thiển cận đó mà ngày nay chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh thế nào? AEON thế nào? Nếu Bách Hóa Xanh tử tế, khách hàng đã không quay lưng với họ khi họ khó khăn. Và thêm nữa là hàng thực phẩm của Việt Nam xuất sang EU đã bị thị trường này làm khó bởi các nhà sản xuất của Việt Nam nhiều lần lén qua mặt cơ quan kiểm tra để tuồn những sản phẩm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng vào.
Đấy là bản chất xã hội Việt Nam. Vậy nên, khi xăng dầu lên giá người ta có lý do chính đáng để lên giá mặt hàng bán. Tuy nhiên khi xăng dầu giảm họ vẫn không chịu giảm giá bởi họ nghĩ khách hàng đã quen giá mới thì không dại gì giảm giá để rồi… giảm lời. Người Việt không nghĩ xa, họ chỉ nghĩa đơn giản là giá cao cho họ nhiều tiền lời chứ không nghĩ cái mất lớn đang ẩn mình sau đó. Đó là nguyên nhân chính mà cả tháng giảm giá xăng dầu nhưng giá hàng tiêu dùng vẫn neo cao. Bất trị! Cho nên chính phủ có can thiệp thì cũng vô ích. Xã hội Việt Nam luôn thế./.
-Đỗ Ngà-